Quẻ Phục


     
      Quẻ Phục, một trong 64 quẻ, do hạ Chấn thượng Khôn hợp thành, tượng trưng cho sự “hồi phục”, trình bầy tình trạng chính khí của sự vật được phục hồi, sức sống mới nảy nở, như vẽ ra cảnh tượng mặt đất dương khí nhỏ bé mới lay động nhen nhúm, mùa Xuân sắp trở lại.
     
      Lời quẻ: Quẻ Phục tượng trưng cho sự hồi phục, hanh thông. Dương khí sinh ra từ bên trong, lớn lên ở bên ngoài, không tật hoạn gì, bạn bè cương kiện đến không tai hại gì; quay trở lại theo một quy luật nhất định, qua bảy ngày thì quay lại như xưa. Lúc này có lợi cho việc tiến tới.
      [Phục, hanh. Xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu; phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục, lợi hữu du vãng.]
      Giải: ‘Phục’ là tên quẻ, tượng trưng cho sự ‘hồi phục’, ‘xuất’ chỉ Khí dương lớn ở bên ngoài; ‘nhập’ chỉ Khí dương sinh ra ở trong; ‘vô tật’ là không hại gì; ‘bằng’ ở đây là chỉ Khí dương.
      Lý Đỉnh Tộ - Chu dịch tập giải dẫn lời Hà Thỏa nói: “Nói Phục, là tên gọi sự  trở về gốc. Bầy âm phá (bóc) dương hầu như suy kiệt, âm phá dương đến tận cùng; một dương đến phía dưới, cho nên gọi là quay trở lại. Khí dương trở lại, mà mọi vật được lưu thông, giao hòa, cho nên nói ‘phục’ là hanh thông”. Quẻ Phục một hào dương bắt đầu sinh trưởng , thì các hào âm lấy nó làm bạn, cho nên nói ‘bằng lai’; ‘phản phục’ chỉ dương cương quay lại hồi phục; ‘đạo’ cũng như nói quy luật; ‘thất nhật’ tượng trưng cho sự hồi phục nhanh chóng, cũng như nói ‘không đến 7 ngày’.
      Trình Di nói: “Xuất nhập nghĩa là sinh trưởng. Sinh, rồi quay trở lại bên trong, là nhập; lớn rồi tiến ra ngoài, là xuất. Nói xuất trước là nói cho thuận mà thôi. Dương sinh ra không phải từ bên ngoài, mà là đến ở bên trong, cho nên gọi là nhập. Lại nói “ Khí dương mùa xuân phát ra khí âm lạnh tan dần đi, cứ xem cây cỏ vào lúc sớm tối có thể thấy rõ. ‘Xuất nhập vô tật’, nghĩa là khí dương nhỏ sinh ra rồi lớn lên, không có gì làm hại nó”.
      Vương Bật giải thích về “thất nhật” nói: “Khởi đầu thì Khí dương bị ‘bác’ hết đến khi hồi phục là 7 ngày”. Ý nói là hồi phục nhanh.
      Toàn văn Lời quẻ có thể chia làm ba phần để lý giải: Một, trước tiên nói Khí dương bắt đầu hồi phục thì tất lưu thông mà được hanh thông; Hai, nêu rõ Khí dương khi đã phục hồi thì tất là có lợi mà không thể có hại, Khí âm có được Khí dương, thì phát huy tác dụng mà hướng tới giá trị có ích, không gây nên tai hại. Con đường ‘phục dương’ lại thuận với quy luật nội tại, gặp thời thì hồi phục rất nhanh; Ba, đó là tổng kết ý nghĩa ‘phục, hanh’, nói rõ việc vào thời ‘hồi phục’, khí thế dương cương phát triển thuận lợi, mạnh mẽ, cho nên có lợi cho việc tiến tới. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Với sự phương trưởng của Khí dương, nếu mà có sự đi, thì đạo của tiểu nhân sẽ bị tiêu mòn”.
      Cùng ở trên thì trở xuống dưới, dương bị Bác cực ở trên thì ở dưới sinh. Cùng ở bên ngoài thì trở lại bên trong, dương bị Bóc đến tận cùng ở bên ngoài thì bên trong lại sinh. Đây là quy luật của đại tự nhiên.
      Một dương lại sinh ở trong đất, đó là thời điểm tháng 10 âm đã cực thịnh. Chu Hi nói: “Tháng 10 là quẻ Khôn, thuần âm tự giao. Quá tháng 10, tiết khí vẫn là thuần âm nhưng dương đã ngầm sinh ở dưới đất, chứa tích đầy tháng. Vả lại một tháng chia làm 30 phân, lại chia ra Giờ là 360 phân, đó là thời Dương đến. Đến tháng 11 tiết Đông chí mới sinh được một vạch dương, đó là một phần trong sáu phần trong quẻ, mà ở dưới đất có hai vạch, lại cứ đi lên đến ba vạch, là đã đủ cả ở trên đất, đến 4 dương, 5 dương, 6 dương, cứ chồng lên mãi cho tới Đông chí thì đủ sinh một dương. Đó là cơ mật chuyển vận của trời đất. Phàm một khí tiến lên cũng chẳng thấy, một hình bớt đi cũng chẳng biết. Cũng như thân thể người ta từ trẻ tới già vậy”. Xét, tháng 5 quẻ cấu một âm mới sinh, đến hào Sơ quẻ Phục là hào 7, dương lại đến, cũng là thiên vận tự nhiên.
      “Thất nhật lai phục”, Bùi Văn Nguyên đưa ra một kiến giải: “Thất biến viết lai phục” (Bảy lần biến gọi là phục).
       Theo truyền thống tượng số học, số 7 tượng trưng cho chu kỳ tuần hoàn trong vũ trụ, sự tuần hoàn mặt trời với mặt trăng, cứ theo chu kỳ 7 tháng lại giao hoán vị trí một lần, từ tháng Ngọ tới tháng Tý, hoặc từ tháng Tý tới tháng Ngọ gồm 7 tháng. Trong một quẻ Dịch chỉ có sáu hào, đến hào thứ 7 tức là bắt đầu lại từ đầu (tức là bắt đầu hào mới), đây là nguyên tắc vận hành sinh hóa trong vạn vật. Từ quẻ Cấu, kế tiếp đến quẻ Phục, đứng hàng thứ 7 trong thứ tự nói trên.

      Thoán truyện nói: Hồi phục là hanh thông, nói dương cương vừa mới quay lại; dương động quay trở lại mà tiến tới thuận lợi, thông suốt, cho nên dương khí sinh ra từ bên trong, lớn lên ở bên ngoài, không bệnh tật gì, bạn bè cương kiện đến không tai hại gì. Trở lại hồi phục theo quy luật nhất định, không quá 7 ngày thì sẽ quay trở lại. Đây là quy luật vận hành của tự nhiên. Lúc này có lợi cho sự tiến tới, nói rõ dương cương ngày càng lớn mạnh. Quy luật hồi phục là thể hiện tấm lòng trời đất sinh sôi và nuôi dưỡng muôn vật chăng ?
      [Thoán viết: Phục, hanh, cương phản; động nhi thuận hành, thị dĩ xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục, thiên hành dã. Lợi hữu du vãng, cương trưởng dã. Phục, kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ ?]
      Giải: ‘Phục, hanh, cương phản’ như nói ‘dương quay trở lại’ chỉ hào Sơ dương quay trở lại rồi đi lên. Câu này nêu tượng một hào dương ở dưới quẻ phục hồi đi lên, ý chỉ dương cương quay trở lại rồi phát triển, cũng là để giải thích tên quẻ là gọi là Phục.
      Động nhi thuận hành, thị dĩ xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu – câu này nêu tượng quẻ  hạ là quẻ Chấn động, quẻ thượng Khôn là thuận, nói rõ ở vào thời ‘hồi phục’, dương động mà phát triển đi lên, thuận lợi không có trở ngại, quần âm vui mừng nhận âm là bạn
      Phản phục kỳ đạo, thất nhật lại phục, thiên hành dã – câu này nói rõ quy luật vận hành của đại tự nhiên là ‘bác’ hết thì ‘phục’ đến.
      Lợi hữu du vãng, cương trưởng dã – câu này dụ ý chỉ thế của dương cương trong quẻ Phục ngày càng lớn mạnh.
      Phục, kỳ kiến thiên địa chi hồ ? – nêu rõ ‘dương phục’ là tấm lòng của trời đất sinh sôi nuôi dưỡng muôn vật, ca ngợi đại nghĩa của quẻ Phục.

      Đại tượng nói: Tiếng sấm cựa mình trong lòng đất, tượng trưng dương khí phục hồi; bậc tiên vương vì thế trong ngày Đông chí, dương khí bắt đầu lay động thì đóng cửa quan để tĩnh dưỡng; người buôn bán khách lữ hành không được đi xa, vua chúa không đi tuần thú bốn phương.
     [Tượng viết: Lôi tại địa trung, Phục, tiên vương dĩ chí nhật bế quan, thương lữ bất hành, hậu bất tỉnh phương.]
     Giải: ‘chí nhật’ tức là ngày Đông chí, ‘bế quan’ là đóng cửa ải; ‘tỉnh phương’ là đi thị sát bốn phương. Lời Đại tượng trước hết nêu tượng quẻ Phục, Chấn dưới là Lôi, Khôn trên là đất, chỉ sấm nổ trong lòng đất, chính là tượng trưng cho dương khí hồi phục; sau đó suy ra việc tiên vương nhìn tượng đó, thì vào ngày Đông chí dương khí bắt đầu hồi sinh, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để giúp cho sự phát triển đi lên được thuận lợi, khách buôn đều không đi xa, vua chúa cũng không đi tuần sát bốn phương, cả thiên hạ cùng nghỉ ngời tĩnh dưỡng, nhằm giúp cho dương khí phục hồi.
      Bạch hổ thông – Chu phạt thiên viết: “Vì lẽ gì mà ngày Đông chí không xuất quân, không làm việc, đóng cửa quan, thương nhân lữ khách không đi xa. Bởi ngày đó dương khí còn nhỏ yếu, bậc vương giả tuân theo lý trời, để cho thiên hạ được yên tĩnh, không làm công việc gì nhằm cho giúp dương khí còn nhỏ bé, thành tựu muôn vật”.
      Xét, ‘chí nhật’, Vương Bật nói là ‘Đông chí Hạ chí’. Thượng Bỉnh hòa cũng nói: ‘Cả hai ngày chí’, lại nói ‘có lẽ ngày xưa trọng nhất hai ngày chí’. Đông chí ở nửa giờ Tý, tức là ở chỗ một nửa của tháng 11.
      Lý Đỉnh Tộ - Chu dịch tập giải dẫn lời Tống Trung nói: “Thương gia lữ khách không đi xa, từ thiên tử đến công hầu không đi tuần thú bốn phương, cốt để nâng đỡ dương khí, giúp cho dương khí được toại ý, để thành tựu vương đạo. Định ra chế độ là việc của vương giả, chấp hành chế độ là phận sự của quân hậu, cho nên trên thì nói ‘tiên vương’ mà dưới nói ‘hậu”.
      Sấm là âm dương gần nhau mà thành tiếng. Chu Hi nói: “Đóng cửa ải, ý nói như người đi vào đường mê mà biết trở lại, đó là cái mối thiện đã nảy mầm, phải nên bồi dưỡng cho lớn, nếu không thì các mầm thiện sẽ mất”.

      Lời hào Sơ cửu: Chưa đi xa (trên đường mê) mà biết quay lại chính đạo, thì không có tai họa hối hận gì, sẽ dẫn đến tốt lành.
      [Sơ cửu, Bất viễn phục, vô kỳ hối, nguyên cát.]
      Giải: ‘Bất viễn phục’ chỉ hào Sơ cửu một mình là dương ở dưới cả bầy âm, là ngôi đầu quẻ Phục, thể hiện rõ đạo ‘Phục’, có tượng chưa đi xa đã biết quay lại, cho nên vô tai vô hối, mà được nguyên cát. Vương Bật nói: “Chưa đi xa đã biết quay lại, vì hối hận mà biết quay trở lại, lấy đó sửa mình, tai ương hoạn nạn ắt lùi xa”.
      Lục Đức Minh – Kinh điển thích văn – dẫn lời Trịnh Huyền, giải thích ‘kỳ’ là ‘bệnh’. Thượng Bỉnh Hòa đã khảo sát kỹ trường hợp này, nói có lẽ Trịnh Huyền căn cứ vào Mao thi truyện, sau đó chỉ rõ ‘bệnh’ tức là tai họa; ‘Phục’ xuất nhập vô tật’ cho nên vô tai hối. Thuyết này nên theo. Chứng tỏ Lời quẻ giá trị hơn Lời hào.
      Xét, Tiểu tượng truyện của hào Sơ cửu nói nghĩa của lời hào ‘bất viễn phục’ là ‘tu thân’ (sửa mình) là suy diễn phát huy ngụ ý tượng trưng của lời hào. Hệ từ hạ truyện dẫn lời Khổng Tử giải thích nghĩa đó là ‘tri bất thiện vị thường phục hành’ (biết rõ là không tốt thì không bao giờ lặp lại). Trình Di theo đó mà bàn rằng: “Chưa đi xa đã biết quay trở lại, đó là con đường tu thân của người quân tử. Con đường học vấn không có gì khác, chỉ có một điều là biết là không tốt thì sửa ngay để theo cái tốt mà thôi”.
      Tiểu tượng nói: “Chưa đi xa thì quay lại đường ngay”, chứng tỏ hào Sơ cửu đã biết sửa mình vậy.
      [Tượng viết: “Bất viễn chi phục”, dĩ tu thân dã.]
      Giải: tượng truyện lấy câu ‘sửa mình’ để giải thích câu ‘không xa đã quay trở lại’, đây là phát triển và làm sáng tỏ ngụ ý tượng trưng trong lời hào. Khổng dĩnh Đạt nói: “Sở dĩ đi chưa xa đã quay trở lại sớm, là vì biết sửa mình cho tốt, biết lỗi thì sửa ngay”.

      Lời hào Lục nhị: Sự hồi chuyển trở lại tốt đẹp, cát tường.
      [Lục nhị, hưu phục, cát.]
      Giải: ‘hưu’ là tốt.
      Lời hào nói hào Nhị ở vào thời dương khí hồi phục, nhu trung đắc chính, cũng như gần người nhân, dưới người hiền, cho nên nhờ hồi phục sự tốt đệp mà được cát. Vương Bật nói: “Đắc vị, cư trung, ở trên gần hào Sơ mà phục thuộc vào nó, nên thuận theo nó, như vậy tức là ‘hạ nhân’ (ở dưới người nhân). Đã ở ngôi giữa, gần nhân, cạnh thiện, đó là ‘hưu phục”.
      Xét, dương cương là tượng trưng cho ‘nhân’ và ‘thiện’, hào Lục nhị lại khéo gần người nhân, đây là mấu chốt của cát. Chu Hi chỉ rõ: “Học không gì thuận tiện hơn là gần người nhân, đã có người nhân gần gũi, nhờ đức thiện của người ấy bồi đắp cho mình, thì sức đỡ tốn mà học tốt”.
      Tiểu tượng nói: “Quay trở lại một cách tốt đẹp thì được cát tường”, chứng tỏ hào Nhị có thể hạ mình xuống gần gũi với người có đức nhân.
      [Tượng viết: “Hưu phục chi cát”, dĩ hạ nhân dã.]
      Giải: Khổng dĩnh Đạt nói: “Đắc vị xử trung, gần gũi nhất với Sơ. Dương là đức nhân, mình lấy đức đó, hạ mình xuống thuận theo nó, thì là ‘hạ nhân’, là hồi phục một cách tốt đẹp, vì hạ mình xuống với người nhân, cho nên cát”.

      Lời hào Lục tam: Cau mày gắng gượng quay trở về, tuy có nguy hiểm nhưng không có tai hại.
      [Lục tam, Tần phục, lệ vô cữu]
      Giải: ‘tần’ là nhíu mày, cau mày; Vương Bật chú: “Tần, là dáng vẻ buồn bã nhăn mày”; Trình Di giải thích “tần là tần số” (nhiều lần). ‘Lệ’ là nguy.
      Lời hào nói hào Lục tam ở vào thời ‘dương khí hồi phục’, là hào âm, ở ngôi vị trên cùng của hạ quái, thất chính vô ứng, trên dưới đều là âm, có nhiều khó khăn trong việc ‘phục thiện’, cho nên có tượng ‘cau mày hồi phục’; lúc này ngôi vị của Lục tam tuy nhiều nguy hiểm, nhưng nếu biết là nguy mà cố gắng hồi phục thì cũng không có tai hại. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Lục tam thất vị, cho nên ‘tần phục’. Vì là ‘thất vị’, trên dưới đều âm, lại vô ứng, khó khăn có thẻ nói là cùng cực, cho nên ‘tần phục, lệ’. Biết nguy hiểm mà phấn đấu hồi phục, thì sẽ được vô cữu”. Thể nhu mà ở ngôi cương, thì thường dẫn tới ‘lẫn’, ‘lệ’, ứng với người thì có tượng cứ sửa lỗi rồi lại sửa tiếp lỗi, loại người không can đảm.
      Trình Di cho rằng Lục tam âm táo, ở ngôi vị động cực, nhiều lần ‘phục’ mà không được vững chắc. ‘Phục’ quý ở vững chắc, nhiều lần ‘phục’ thì nhiều lần hỏng, không thể yên ổn hồi phục. Phục thiện mà thất bị liên tiếp, thì con đường nguy. Tháng nhân mở ra con đường quay về thiện, nay ‘phục’ mà nguy vì liên tiếp thất bại, cho nên nói ‘lệ vô cữu’. Thuyết này khảo chứng thấy mang tính thực tiễn, tham cứu thêm.
      Tiểu tượng nói: “Cau mày gắng gượng hồi phục vì có nguy hiểm, nhưng Lục tam cố gắng quay lại chính đạo”, xét về ý nghĩa của vật, thì không có hại gì.
      [Tượng viết: “Tần phục chi lệ”, nghĩa vô cữu dã.]
      Giải: ‘nghĩa’ như  nói ‘ý nghĩa của sự phục thiện’. Trình Di giảng: “Nhiều lần hồi phục nhiều lần thất bại (tần phục). Tuy có nguy hiểm, nhưng về ý nghĩa của sự phục thiện thì vô cữu”.
      Lý Sỹ Trân nói: “Sửa lỗi mà hướng thiện, tuy nguy nhưng vô cữu”. Lễ ký nói: Hoặc ở yên mà trở lại, là tượng của hào Sơ. Hoặc lợi mà trở lại, là tượng của hào Nhị. Hoặc gắng gượng trở lại, là tượng của hào Tam. Những câu này dẫn lời trong Lễ KýTrung dung để giải thích tượng của ba hào Hạ quái, cũng có thể chấp nhận.

      Lời hào Lục tứ: Ở ngôi trung vị thực hành chính đạo mà chuyên tâm hồi phục.
      [Lục tứ, Trung hành, độc phục.]
      Giải: ‘Trung’ chỉ hào Lục tứ ở ngôi vị giữa trong 5 hào âm quẻ Phục. ‘Độc’, cũng như nói ‘chuyên tâm’ chỉ ý duy có Lục tứ ứng với Sơ cửu, ý tình chuyên nhất, cho nên có tượng ‘độc phục’. Hán thượng Dịch truyện dẫn lời Trịnh Huyền nói: “Hào ở giữa năm hào âm, ở giữa mà vào hàng chính vị, riêng có hào Tứ là ứng với hào Sơ thôi”. Trong Dịch, hai chữ ‘trung hành’ còn được nói tới ở lời hào Tam quẻ Ích: “trung hành cáo công dụng khuê’, và trong lời hào Ngũ quẻ Quải: “nghiễn lục, quải quải, trung hành, vô cữu”. Cao Hanh giải thích ‘trung hành độc phục’ là: “Cùng với người đồng hành, đến giữa đường thì bản thân lại một mình quay trở lại”.
      Lời hào nói hào Lục tứ ở vào thời ‘phục’, ở ngôi vị giữa năm hào âm, lại ở chính vị, trong năm hào âm chỉ mình hào này là ứng với hào dương Sơ cửu, tình càng chuyên nhất. Vương Bật nói: “Hào Lục tứ, trên dưới mỗi bên có hai hào âm, mà ở vào giữa lại được chính, dưới ứng với Sơ cửu, riêng một mình có thể hồi phục. Thuận đường này mà quay trở lại, không gì xâm phạm được, cho nên nói ‘trung hành độc phục”.
      Chu dịch chiết trung dẫn lời Liêu Xương Kỳ nói: “Đại để ‘phục’ sở dĩ là ‘phục’, toàn là ở hào Sơ, cũng như ý nghĩ ban đầu của con người vậy. Năm hào âm đều phục thế thôi, chỉ có Tứ trong các hào âm là có hướng riêng, cho nên có nghĩa ấy”. Lấy chất âm mà ở ngôi âm thì rất nhu nhược, tuy có chí theo cương mà cũng chẳng giúp được, cho nên không thể nói ‘vô cữu’. Ở giữa bầy âm cho nên cũng không nói là ‘cát’ hay ‘hung’.
      Hào Tam ở quẻ Bác và hào Tứ ở quẻ Phục về nghĩa cũng giống nhau, quẻ Bác thì lấy ‘thất thượng hạ’ để ứng với dương, quẻ Phục thì lấy ‘độc phục’ để theo đạo dương cương.
      Tiểu tượng nói: “Ở ngôi trung vị, thực hành chính đạo mà dốc lòng hồi phục”, chứng tỏ hào Lục tứ tuân theo chính đạo.
      [Tượng viết: “Trung hành độc phục”, dĩ tòng đạo dã.]
      Giải: lời Tiểu tượng truyện hào Tứ  giải thích nội hàm tượng trưng của lời hào Lục tứ “Trung hành độc phục”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Theo đạo mà quay trở lại, cho nên tượng nói ‘dĩ tòng đạo dã”. Trình Di giảng là: “Nói ‘độc phục’ là do nó theo đạo thiện của quân tử dương cứng”.

      Lời hào Lục ngũ: Hồi phục một cách chân thành đôn hậu, thì không có hối hận.
      [Lục tứ, đôn phục, vô hối.]
      Giải: ‘đôn’ là đôn hậu. Lục Đức Minh dẫn Hàn thi ngoại truyện giải nghĩa ‘đôn’ là ‘ép buộc’. Cao Hanh giải nghĩa ‘đôn’ nguyên gốc là ‘đôn đốc ép buộc’. Khi ta coi đây là chính sách thu phục nhân tâm của ngôi tôn quý, thì ta hiểu ‘đôn phục’ có nghĩa là ‘bị người đôn đốc ép buộc thì mới chịu quay về’. Lưu ý trong Mạnh Tử, thì ‘đôn’ cũng được dùng theo nghĩa ‘đôn đốc, giám sát’.
      Đây nói hào Lục ngũ ở vào thời ‘Phục’, thể nhu mà ở vào ngôi vị tôn quý, giữ được trung chính, có tượng chân thành tự xét mình, thành khẩn vươn tới thiện, cho nên tuy thất vị, vô ứng, vẫn có thể ‘đôn phục’, mà tránh được hối hận. Vương Bật nói: “Đôn hậu mà lại ở ngôi trung thì có thể tự xét mình, tuy chưa đến mức ‘hưu phục’ để được ‘cát’, nhưng đôn hậu hồi phục thì cũng tránh được hối”. Trình Di nói: “Lục ngũ có trung thuận, ở ngôi quân vị, là biết đôn hậu chân thành phục thiện, cho nên vô hối. Tuy vốn là thiện, nhưng vẫn có sự nhắc nhở trong đó. Khi dương phục đang yếu, với chất âm nhu mà cư tôn vị, dưới không có phụ trợ, chưa thể hanh cát, chỉ có thể ‘vô hối’ mà thôi”.
      Tiểu tượng nói: Quay trở lại một cách đôn hậu, thành khẩn thì không hối hận gì”, chứng tỏ hào Lục ngũ cư trung và có thể tự xét mình để quay về điều thiện.
      [Tượng viết: “Đôn phục vô hối”, trung dĩ tự khảo dã.]
      Giải: ‘khảo’ theo Trịnh Huyền giảng là ‘thành’, theo Hướng Tú giải thích ‘khảo là sát’, ‘Tự khảo’ như nói tự phản tỉnh xem xét mình, thành tựu mình.
      Trần Mộng Lôi đưa ra thuyết phân tích nghĩa hào rất sát rõ: “Hào Ngũ và hào Sơ không gần gũi, không ứng nhau mà trở lại, đó là biết nguy khốn song mệt mỏi gắng gượng mà làm, cho nên nói ‘tự khảo’. ‘Tự’ tức ý nói là ‘người thì một phần ta thì trăm phần’. Cho nên hào Ngũ vốn xa hào dương, nhưng vốn ở ngôi giữa mà có thể thuận. Nhờ hào Tứ tự trở lại mà mình càng có quyết tâm hơn, lại thêm có được sự đôn hậu, cho nên có thể thành tựu cho mình”.

      Lời hào Thượng lục: Vào lối mê mà không biết trở lại, có hung hiểm, có tai họa. Dùng vào việc hành quân đánh giặc, sẽ thất bại thảm hại. Dùng vào việc trị nước, thì nước loạn vua nguy, đến mười năm sau cũng không thể chấn hưng phát triển được.
      [Thượng lục, Mê phục, hung, hữu tai sảnh. Dụng hành sư chung hữu đại bại; dĩ kỳ quốc, quân hung, chí vu thập niên bất khắc chinh.]
      Giải: ‘mê phục’ là mê không biết quay trở lại. ‘Tai sảnh’ là tai ương hoạn nạn. Trịnh Huyền chú giảng là : “Tai dị sinh ra từ bên trong gọi là ‘sảnh’, từ bên ngoài gọi là ‘tường’. Hại vật gọi là ‘tai”. Trình Di tiếp theo ý của Trịnh Huyền nói: “Tai là thiên tai từ ngoài đưa đến; ‘sảnh’ là lỗi của mình, tự mình gây ra”. ‘Dụng’ là dụng vào. ‘Thập niên’ ý nói thời gian dài. ‘Chinh’ là tiến lên, như nói chấn hưng phát triển.
      Lời hào nói rõ về hào Thượng ở vào thời ‘Phục’, thể âm ở cuối quẻ, không ứng với hào dương Sơ cửu, không thừa theo ai ở trên, là tượng mê muội không biết quay lại, cho nên nói ‘hung, hữu tai sảnh’, có nghĩa là hoạn nạn vừa ở trong vừa ở ngoài. Lúc này hào Thương lục đã bước vào lối mê mà không biết quay lại, nếu dùng để hành quân, trị nước, thì tất sẽ thất bại, hại vua, sẽ đem lại hậu quả rất nguy hại, cho nên nói ‘chung hữu đại bại’, ‘quân hung’, ‘thập niên bất khắc chinh’.
      Trình Di nói: “Thể âm nhu ở ngôi cuối quẻ Phục, đó là mê mà không biết quay lại, mê mà không biết quay lại thì sự hung không nói cũng rõ. ‘Hữu tai sảnh’, ‘tai’ là thiên tai, sinh ra từ ngoài, ‘sảnh’ là lỗi của mình, do mình gây ra. Đã mê mà không biết phục tỉnh, thì với mình, làm gì cũng sai, tai họa cũng tà ngoài đến, và cũng do tự mình vời gọi lại. Lạc đường không quay trở lại, không làm còn đỡ, dùng vào việc hành quân ắt sẽ đại bại; dùng vào việc trị nước thì nguy cho vua. Mười năm, là cực số chỉ sự nhiều nhất, còn như nói ‘thập niên bất khắc chinh’, chính là nói ‘cuối cùng không thể làm gì được”.
      Thượng Bỉnh Hòa giảng là: “Bất khắc chinh’ là nói ‘không thể hưng khởi được’. Nước và vua chịu tai họa, cái gốc chịu lay chuyển, cho nên hung đến mười năm”.
      Hồ Bính Văn nói: “Mê phục’ là trái với ‘bất viễn phục’; ‘thập niên bất khắc chinh’ là trái với ‘thất nhật lai phục”. Có thể thấy hào Thượng quẻ Phục ở mãi tận cùng quẻ Phục, đã hoàn toàn lìa bỏ con đường hồi phục, cho nên Lời hào dùng ‘hung’, ‘tai sảnh’ để cảnh cáo.
      Tiểu tượng nói: “Sự hung hiểm của việc lạc vào đường sai lầm mà không biết quay trở lại”, chứng tỏ hào Thượng lục đi ngược lại con đường của bậc quan chủ dương cương.
      [Tượng viết: “Mê phục chi hung”, phản quân đạo dã.]
      Giải: ‘Phản’ là đi ngược lại. Âm là bề tôi, Dương là vua. Hào Thượng đi sai đường mà không biết con đường phục dương, cho nên nói ‘phản quân đạo’.
      Tả truyện – Tương công năm thứ 28 giải thích ‘mê phục hung’ là ‘bỏ mất gốc’. Mã Kỳ Sưởng nói: “Âm không theo dương”. Thuyết này có thể theo.
      Lời hào Thượng cho thấy hào Thượng một thái độ khăng khăng mù quáng, không chịu cải hối, thuộc thành phần bất trị, và hậu quả của thái độ u mê đó là nước mất nhà tan.

      LỜI BÀN
      Quẻ Phục biểu thị rõ tình trạng chính khí quay trở lại, nêu rõ sự phục hưng của chính đạo là quy luật tự nhiên không gì ngăn cản được. Lời quẻ ca ngời Khí dương cương mới hồi phục, thông suốt không trở ngại, nhanh chóng có lợi cho muôn vật và sức sống tái phát của sự vật, chứng tỏ ‘Phục’ tất nhiên dẫn đến ‘hanh’.
      Sáu hào trong quẻ, thì hào Sơ là gốc của sự hồi phục, là biểu tượng cho đức ‘nhân’ và ‘thiện’. Tấm lòng của trời đất sinh sôi nuôi dưỡng vạn vật mà Thoán truyện nói, chính là ở hào dương Sơ cửu này. Do đó trong năm hào âm, hào nào tương đắc với Sơ dương thì đều được tốt lành ‘phục thiện’. Hào Nhị gần gũi hào Sơ, được gọi bằng tên đẹp ‘hạ nhân’ (đức nhân ở dưới). Hào Tứ ứng với Sơ, được khen là ‘tòng đạo’. Ba hào âm còn lại, với hào Sơ chưa từng tương đắc, nhưng hào Tam ở ngôi vị dương, có thể cố gắng phục thiện mà được vô cữu. Hào Ngũ cao cư tôn vị, đôn hậu phục thiện nên được vô hối. Chỉ có hào Thượng là đi ngược lại với hào Sơ dương, mê muội không biết ‘Phục’, cuối cùng gặp tai hung.
      Qua đó, thấy được quẻ Phục, với sự giúp đỡ của dương cương, là nói về sự ‘mỹ thiện’, ý nghĩa tượng trưng của nói coi việc ‘phục thiên xu nhân’ (trở lại đường thiện, đi theo đức nhân) là mục đích. Chu dịch thiển thuật – Trần Mộng Lôi nói: “Sự bắt đầu lay động của một hào dương trong trời đất, cũng như sự manh nha ý niệm thiện của con người, là điều thánh nhân coi trọng nhất”. Đây chính là nghĩa của quẻ Phục.
      Hệ từ hạ truyện dẫn lời Khổng Tử khen Nhan Hồi nói: “Chưa từng không biết sự bất thiện, biết rồi chưa từng phạm lại”. Khuất Nguyên – Ly tao nói: “Hồi trẫm xa dĩ phục lộ hề, cập hành mê chi vị viễn” (Quay đầu xe trở lại đường cũ chừ, kịp khi chưa đi xa trên lối mê). Hai lời nói của Khổng Tử và Khuất Nguyên đều thể hiện cụ thể mỹ đức ‘phục thiện’ của quẻ Phục đã nói tới trong Dịch.

  
     
     

3 nhận xét:

  1. Trong Dịch, có 3 quẻ nói về "thất nhật"

    - Hào Nhị quẻ Chấn: "Chấn lai, lệ, ức táng bối, tễ vu cửu lăng, thất nhật đắc".

    - Hào Nhị quẻ Ký tế: "Phụ táng kỳ phất, vật trục, thất nhật đắc".

    - Lời quẻ Phục: "Phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục, lợi hữu du vãng"

    Trả lờiXóa
  2. Hai hào Nhị và Tam đối nhau về mặt ý nghĩa:

    - Hào Nhị "hưu phục" (vui vẻ quay lại)

    - Hào Tam "tần phục" (buồn rầu quay lại)

    Trả lờiXóa
  3. Dịch có 3 quẻ nói về "trung hành":

    - Quẻ Ích, hào Tam: "trung hành cáo công dụng khuê".

    - Quẻ Ích, hào Tứ: "trung hành cáo công tòng".

    - Quẻ Quải, hào Ngũ: "nghiễn lục, quải quải, trung hành, vô cữu".

    - Quẻ Phục, hào Tứ: "Trung hành, độc phục".

    Trả lờiXóa