Quẻ Càn

     
      Quẻ Càn, một trong 8 quẻ do ba vạch dương tạo thành, nghĩa là 'kiện' (mạnh, khỏe), vật tượng trưng cơ bản của nó là Trời (thiên). Quẻ Càn dùng ba vạch dương chồng lên nhau để ví với hình tượng của trời; căn cứ để lấy dụ tượng thì giống như sách Hoài nam tử - Thiên văn huấn đã nói: "Vũ trụ sinh ra khí, khí có bờ cõi giới hạn, khí dương trong thì bay bổng mà thành trời".
      Một trong 64 quẻ, là quẻ thứ nhất trong Kinh, do hai quẻ Càn ba vạch chồng lên nhau mà thành, đứng đầu 64 quẻ, lấy trời làm vật tương trưng cơ bản, tượng trưng cho tác dụng bản chất của nguyên tố 'dương cương cường kiện', sẵn có khí chất khai sáng cùng quy luật phát triển biến hóa của nó.

      Lời quẻ: Càn tượng trưng cho trời, nguyên thủy, hanh thông, hài hòa có lợi, trinh chính kiên cố.
      [Càn, nguyên, hanh, lợi, trinh.]
      Giải: Chu dịch bản nghĩa - Chu Hy nói: "Phục Hy ngẩng xem cúi xét thấy âm dương có số chẵn lẻ, nên vẽ một vạch lẻ (tức vạch liền) để tượng trưng cho Dương; vẽ một vạch chẵn (tức vạch đứt) để tượng trưng cho âm; thấy một âm một dương có tượng đều sinh một âm một dương, cho nên từ dưới mà lên, thêm hai lần nữa mà thành ba, để thành 8 quẻ. Thấy tính của Dương cương kiện mà thành hình to lớn là trời, cho nên dùng hình vẽ ba vạch lẻ mà gọi là Càn để ví với trời".
      Chu dịch chính nghĩa - Khổng Dĩnh Đạt nói: "Quẻ Càn này vốn để tượng trưng cho trời đất, chính là tích cóp các khí dương lại mà thành". Lại nói: "Tử hạ truyện nói: Nguyên tức là thủy (đầu tiên), Hanh nghĩa là thông, Lợi nghĩa là hòa, Trinh nghĩa là chính". Ý nói đức của quẻ Càn có tính thuần dương, tự nhiên có thể dùng khí thuần Dương mà bắt đầu sinh ra muôn vật và được nguyên thủy, hanh thông, có thể khiến cho vật tính hài hòa, thảy đều có lợi, lại có thể khiến cho vật kiên cố trinh chính được đến cùng.
      Căn cứ vào ý nghĩa nội tại của Lời quẻ, có thể thấy tác giả Kinh Dịch thông qua sự quan sát trực cảm đối với thế giới tự nhiên, cho rằng: trời thể hiện 4 đức tính: Nguyên thủy (đầu tiên), hanh thông, hài hòa có lợi, trinh chính kiên cố. Sở dĩ như vậy là vì nguyên tố bản chất của trời là khí Dương vô cùng cương kiện, Khí dương này 'vận hành chẳng nghỉ, biến hóa vô cùng', theo bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông mà tuần hoàn qua lại, chế ước, chi phối tất cả thế giới tự nhiên. Chu dịch Thượng thị học của Thượng Bỉnh Hòa đã căn cứ vào thuyết trong Thái huyền kinh, đem bốn mùa phối hợp với bốn đức của Càn, thể hiện hết mức quy luận vận hành của Khí dương. Do đó quẻ Càn ca ngợi Trời, thực ra là ca ngợi Đức của dương cương.
      Sự giải thích đối với bốn chữ "Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh" trong Lời quẻ như Chu Hy giải thích, chữ Nguyên là Đại (lớn), chữ Lợi là Nghi (nên), rồi đọc là "Nguyên hanh, lợi trinh", và ông cho rằng nghĩa của chúng là: "Đại thông và ắt lợi ở sự trinh chính kiên cố" (đại thông nhi tất lợi tại chính cố). Song ông vẫn cho rằng thuyết 'tứ đức' của Tử hạ truyện là tương đối thông hành.
      Lý Đỉnh Tộ giảng: "Theo Thuyết quái, Càn tức là Kiện (mạnh mẽ). Thiên là 'thể' mà Kiện là 'dụng', vận hành không ngừng, biến hóa vô cùng, thánh nhân đặt làm nguyên tắc, muốn cho hậu nhân noi theo cái 'dụng' của thiên, nên mới đặt tên là Càn".
      Càn là trời, là hình thể của trời, Kiện là tính tình của trời, mạnh mẽ mà không ngừng nghỉ thì gọi là Kiền. Lấy hình thể mà nói là trời, lấy chúa tể mà nói là vua, lấy công dụng mà nói là quỷ, lấy diệu dụng mà nói là thần, lấy tính tình mà nói là kiền. Nguyên là sơ thủy của muôn vật (Nguyên giả vạn vật chi thủy). Hanh là sức lớn của muôn vật (Hanh giả vạn vật chi trưởng). Lợi là cái thỏa chí của muôn vật (Lợi giả vạn vật chi toại). Trinh là cái muôn vật đã thành (Trinh giả vạn vật chi thành). Càn là tượng trời nên không có thay đổi, cái thể của hanh thông đều xứng với việc làm.  
      Ba hào dưới tạo thành 'nội quái', ba hào trên tạo thành 'ngoại quái'. Nguyên tắc của Dịch là "Nội vi Chủ, Ngoại vi Khách", nghĩa là ba hào 'nội quái' là phần cương yếu, ba hào 'ngoại quái' là phần bổ xung.

      Thoán truyện nói: Vĩ đại thay khí dương mùa Xuân khai sáng ra muôn vật ! Muôn vật nhờ đó mà bắt đầu sinh sôi ! Nó thống lĩnh cả cõi trời. Mùa Hè mây bay mưa rơi. Các loại sự vật lưu bố thành hình. Mặt trời sáng tỏ rực rỡ chuyển vận qua lại đem tới mùa Thu, sáu hào quẻ Càn tổ hợp theo các thời vị khác nhau mà thành, giống như khí dương theo đúng từng thời mà cưỡi sáu rồng để giá ngự thế giới tự nhiên. Sự vận hành của thế giới tự nhiên rước mùa Đông tới, muôn vật đều tĩnh định tinh thần, bảo toàn nguyên khí thái hòa, có lợi cho việc gìn giữ nết trinh chính kiên cố, chờ đến năm tới lại sinh trưởng. Khí dương chu lưu không ngừng, lại bắt đầu nảy sinh lại muôn vật, muôn phương thiên hạ đều hòa thuận thịnh vượng
      [Thoán viết: Đại tai Càn nguyên ! vạn vật tư thủy, nãi thống thiên. Vân hành vũ thi, phẩm vật lưu hình. Đại minh chung thủy, lục vị thời thành, thời thặng lục long, dĩ ngự thiên. Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh, thủ xuất thứ vật, vạn quốc hàm ninh.]
      Giải: 'Thoán' - Khổng Dĩnh Đạt dẫn lời họ Chử, họ Trang nói: "Thoán là đoán, đoán định về nghĩa một quẻ, cho nên gọi tên là Thoán".
      Đại tai càn nguyên! vạn vật tư thủy, nãi thống thiên - 'Càn nguyên', đức nguyên thủy của trời, nó là dương khí tràn đầy trong vũ trụ, khai sáng muôn vật, lấy mùa trong năm để ví thì nó như cảnh tượng mùa Xuân. 'thống' là thống lĩnh, Khổng Dĩnh Đạt nói: "Cực khỏe khi lúc khởi thủy, do vậy nó có thể thống lĩnh ở trời". Câu này nhằm giải thích nghĩa chữ 'Nguyên' trong Lời quẻ, hết lòng ca ngợi đức nguyên thủy của trời, tức là dương khí tràn đầy vũ trụ khí sáng muôn vật.
       Vân hành vũ thi, phẩm vật lưu hình - câu này giải thích chữ 'Hanh' của Lời quẻ, cho rằng muôn vật nhờ sự tưới nhuần của nước mưa mà không ngừng biến hóa phát triển, lớn mạnh hình thành, giống như cảnh tượng mùa hè. 'phẩm vật' tức các loại sự vật, 'lưu hình' nghĩa là lưu chuyển thành hình. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Nói Càn có thể dùng đức của trời, khiến cho khí mây trôi khắp, mưa móc chảy tràn để tất cả mọi loài thành hình đều khắp, loài nào cũng được hanh thông, không loài nào phải ứ tắc, đó là 'hanh' vậy".
      Đại minh chung thủy, lục vị thời thành, thời thặng lục long, dĩ ngự thiên - câu này giải thích chữ 'Lợi" trong Lời quẻ, cho rằng nhật nguyệt vận hành, tới thời thì thành, sáu hào biến hóa như sáu rồng  ngự ở trên trời, giống hệt như thế giới tự nhiên theo trình tự 4 mùa, mà phát triển tới mùa thu, muôn vậy thảy đều thành thục. 'Lục vị" là sáu hào trong quẻ theo 'thời vị' khác nhau mà hình thành, nói lên sự phát triển của Khí dương tuần tự thuận theo một quy luật nhất định. Hai chữ 'thời thành' hàm ngụ về cảnh tượng mùa Thu, muôn vật chuyển vật hết sức tới sự thành thục.
      Càn đạo biến hóa, các chính tính mệnh, bảo hợp thái hòa, nãi lợi trinh - câu này giải thích chữ 'Trinh' trong Lời quẻ, nói rằng sự biến hóa của thế giới tự nhiên, khiến cho muôn vật tỉnh định tinh thần, nấp lặn ngủ nghỉ, bảo toàn 'nguyên khí thái hòa', đó giống như cảnh tượng mùa đông. 'Chính', Trịnh Huyền chú là 'định', ở đây chỉ ý tĩnh định; 'tính mệnh', Khổng Dĩnh Đạt chú: "Tính là chất của trời sinh, ví như cứng mềm chậm nhanh; mệnh là cái mà người ta bẩm thụ, ví như sang hèn thọ yểu". Thượng Bỉnh Hòa chú: "Tính mệnh là tinh thần". Chủ ngữ của câu này là "vạn vật" nhưng đã tỉnh lược. 'Thái hòa' theo Chu Hy giảng là "khí có đủ âm dương hòa quyện với nhau", tức là nguyên khí thái hòa của muôn vật. 
      Thủ xuất thứ vật, vạn quốc hàm ninh - câu này lại quay lại giải thích chữ "Nguyên", nói rằng khí dương tuần hoàn không ngừng, như đông hết xuân sang, muôn vật lại nảy sinh, thịnh vượng. Tập giải dẫn lời Lưu Hiến: "Khí dương là cái khởi đầu muôn vật, cho nên nói 'thủ xuất thứ vật'. Lập vua mà thiên hạ đều yên, cho nên nói 'vạn quốc hàm ninh".
      Xét về bốn đức của quẻ Càn mà nói, đó chính là phục hồi "nguyên đức", cho nên gọi là "Trinh hạ khởi Nguyên", Mã Kỳ Sưởng chú: "Trinh hạ khởi nguyên, muôn vật lại nhờ đó mà bắt đầu từ đấy".
      Trong thiên văn của Thái huyền kinh có nói "võng, trực, mông, tù, minh", Phạm Vọng chú thích rằng: "Năm thứ này là đức của Thái huyền, giống như nguyên hanh lợi trinh trong Dịch vậy". Thái huyền còn thuyết minh: "Trực là phương đông mùa xuân; mông là phương nam mùa hạ; tù là phương tây mùa thu; võng, minh là phương bắc mùa đông. Xét kỹ ý nghĩa của các thứ đó, thì trực là 'thực', có nghĩa là phồn thực, cho nên lấy đó làm mùa xuân. Mông là mông phú (che lấp), cỏ cây mọc lớn, cho nên lấy đó làm mùa hạ. Tù là xúc tụ (tích tụ), muôn vật thành tựu, cho nên lấy đó làm mùa thu. Võng Minh là bế tàng, vô hình, cho nên lấy đó làm mùa đông".
      Thượng Bỉnh Hòa trong học thuyết của mình viết Chu dịch Thượng thị học, ra sức khẳng định thuyết của Thái huyền chỉ rõ: "Trực, Mông, Tù mà sách Thái huyền nói tới, đó là Chấn xuân, Ly hạ, Đoài thu, tức là nguyên, hanh, lợi vậy; Còn võng, minh là Khảm đông, tức là Trinh vậy". Ông còn nói: "Vì thể của trời, lấy kiện làm dụng; mà đức của trời không gì lớn hơn bốn mùa. Nguyên hanh lợi trinh tức là xuân hạ thu đông, tức là đông nam tây bắc. Chấn nguyên, Ly hanh, Đoài lợi, Khảm trinh qua lại tuần hoàn, không sai không cùng. Tên của Chu Dịch chính là căn cứ vào đó vậy. Hậu nho giải thích điều này không ai hơn được Thái huyền kinh". Thuyết này của Thượng Bỉnh Hòa đã khiến cho ngụ ý về bốn đức của quẻ Càn được rõ ràng, lại khiến cho Lời Thoán quẻ càng thêm minh xác, thật đáng theo.

      Đại tượng nói: Sự vận hành của trời cương quyết mạnh mẽ, người quân tử do vậy mà không ngừng tự cường không nghỉ.
      [Tượng viết: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức.]
      Giải: 'hành kiện', đi khỏe, ý nói 'trời' mạnh mẽ vận hành, mãi mãi chẳng hề suy kiệt. Chu dịch tập giải dẫn lời Tống Trung nói: "Ngày đêm không ngơi nghỉ, chuyển vần mạnh mẽ, cho nên lấy chữ 'kiện' mà giải thích tên". Khổng Dĩnh Đạt nói: "Hành, là chỉ sự vận động, kiện, có nghĩa là cường tráng". '', giới từ, giải tích là 'do vậy', 'như vậy' để khiến cho nghĩa phần sau rõ hơn.
      Lời Đại tượng trước tiên lấy câu 'thiên hành kiện' để giải thích Càn trên Càn dưới của quẻ Càn đều tượng trưng cho trời, sau đó suy rộng ra ý nghĩa là người quân tử học theo biểu tượng 'kiện hành' của quẻ Càn, lập thân, hành sự, trước sau phải tự cường không ngừng. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Đây là lấy việc người mà noi theo phép tắc vận hành của trời. Ý nói người quân tử  theo quái tượng này mà tự cường gắng gỏi, chẳng bao giờ ngừng nghỉ".  

      Lời hào Sơ cửu: Rồng lớn lặn ở trong nước, tạm thời chẳng thi thố tài năng công dụng.
      [Sơ cửu, tiềm long vật dụng.] 
      Giải: hào Sơ cửu quẻ Càn là hào dương, ở ngôi thứ nhất dưới thấp trong quẻ. 'tiềm', là ẩn náu. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Ở ngôi thứ nhất, nên gọi là Sơ, nó lại là hào dương, nên gọi là 'chín' (cửu). Theo sự sắp xếp từ dưới lên của sáu hào, từ đó người xưa đã tượng trưng chi sự phát triển từ thấp đến cao, từ nhỏ bé đến rõ rệt của sự vật, cho nên Chu dịch - Càn tạc độ nói 'Khí dịch sinh ra từ dưới". Trịnh Huyền chú: "Dịch, vốn vô hình, từ nhỏ bé đến rõ rệt, cho nên Khí sinh ra từ dưới, bắt đầu từ hào Sơ".
      'Long', động vật khỏe mạnh, biến hóa thần kỳ trong thần thoại. Dịch lấy nó làm vật tượng trưng của sáu hào quẻ Càn. Tập giải dẫn lời của Thẩm Dương Sỹ nói: "Gọi là Rồng, tức là mượn hình tượng vậy. Khí trong trời đất có thăng giáng, đạo người quân tử có 'hành tàng' (hành là làm ra việc cho đời, tàng là lui về ở ẩn). Rồng là loài vật có thể bay cao, có thể lặn sâu, cho nên lấy Rồng để ví với đức người quân tử vậy. Hào Sơ còn tiềm phục, nên nói là 'vật dụng".
      Hào thứ nhất là khởi đầu của sự vật, tượng trưng cho khí dương mới sinh sức còn yếu, ngôi thấp lực nhỏ, cần phải bồi dưỡng tích trữ các thứ tinh nhuệ, song mục đích của nó là nhằm phát triển thêm một bước, do đó mà Lời hào răn "rồng lặn chớ dùng". Thực thì thời cơ chưa đến, tạm thời tiềm ẩn mà thôi, một mai tình thế cho phép, thì phải từng bước tiến triển, để đạt cảnh cõi 'rồng bay lên trời'. 'Tiềm long', biểu tượng cho người quân tử chưa xuất đầu lộ diện, giữ sức đợi thời.
      'Cửu', số dương đã thịnh cho nên đặt tên cho hào Dương, lý thì không có hình nên mượn tượng để làm rõ nghĩa, có tượng ắt phải có số, đã có lý - tượng - số thì không thể không có 'từ'. Đã có 'từ' rồi thì 'dĩ' - theo đó mà bắt đầu từ đấy.
      Tiểu tượng nói: "Rồng lặn tạm thời không thi thố tài năng công dụng", nói rõ Khí dương mới sinh ở ngôi vị thấp.
      [Tượng viết: "Tiềm long vật dụng", dương tại hạ dã.]
      Giải: Tuân Sảng nói: "Khí nhỏ ngôi thấp, dẫu có đức dương, lặn giấu ở dưới, cho nên nói là 'vật dụng' vậy". Chu Hy nói: "Dương gọi là cửu, ở dưới là tiềm. Hai chữ 'tiềm long' là tượng Sơ cửu, hai chữ 'vật dụng' là lời chiêm đoán". Lấy sự ở dưới mà chưa nên dùng, Dương ở dưới là lấy Khí để mà nói, còn nói là ở dưới là lấy người để nói.

      Lời hào Cửu nhị: Rồng lớn xuất hiện ở ruộng, có lợi ở việc xuất hiện bậc đại nhân. 
      [Cửu nhị, kiến (hiện) long tại điền, lợi kiến đại nhân.]
      Chú thích: 'điền' là đất, Trịnh Huyền nói: "Hào Hai là đạo đất của tam tài, trên đất tức là đồng ruộng, cho nên gọi là đồng ruộng vậy". 'Đại nhân', nói chung có hai hàm nghĩa: thứ nhất, chỉ người có đạo đức, có bản lĩnh; thứ hai, chỉ người có đạo đức có địa vị. Ở đây lấy nghĩa thứ nhất.
      Hào Nhị dương cương tăng dần, đầu sừng vừa mới lộ đã bước được một bước quan trọng, dẫu vẫn còn cách xa thành công cuối cùng, nhưng ở ngôi giữa của hạ quái chẳng thiên lệch, đã có đầy đủ tố chất của sự thành công, cho nên được khen là bậc 'đại nhân'. Vương Bật nói: "Ra khỏi chỗ lặn, lìa khỏi chỗ ẩn, nên gọi là 'kiến long'; ở trên đất nên gọi là 'tại điền'. Đức ban cho khắp, ở giữa chẳng thiên lệch, tuy chẳng phải ngôi vua, nhưng đó là đức của vua". Chu dịch tập giải Can Bảo nói: "Hào Nhị là trên đất, ruộng ở mặt đất và có công của người. Khí dương sắp thi hành, thánh nhân sắp hiển hiện. Đó là như Văn Vương khỏi cái nạn ở Dĩu Lý. Cho nên nói rằng 'lợi kiến đại nhân". Xét, Can Bảo dùng tỷ dụ 'Văn Vương ra khỏi Dĩu Lý' để giải thích hào từ tuy chưa hẳn đã thật sự chỉ việc đó, nhưng cũng hữu ích cho việc lý giải hào này.
      Hai quẻ Càn Khôn cùng thuần một thể, nên không phân ra cương nhu, mà lấy đồng đức làm tương ứng. Có lợi về sự 'thấy,' để thì hành cái đạo của mình. Người trên cũng có lợi về sự được người có đức. Thiên hạ cũng có lợi về sự 'thấy' người có đức lớn để được ơn huệ. Hào Hai biến, chỉ có lợi về sự 'thấy' người lớn mà thôi, nói rằng hào và lời hào cùng làm chủ khách, tự làm một lệ. Do vì, Nhị mới ra khỏi chỗ ẩn thì chưa hiển hiện rõ, đó là đức thì có mà ngôi thì chưa kiên cố, cho nên Chu Hy mới nói "người thường không đương nổi". Nhị là tượng 'hiện long', lợi kiến đại nhân là lời chiêm, nên lấy tượng làm chủ, lấy chiêm làm khách là biến lệ.
      Tiểu tượng nói: "Rồng lớn xuất hiện ở ruộng đồng", chứng tỏ đức tốt ban ra khắp nơi.
      [Tượng viết: "Kiến long tại điền", đức thi phổ dã.]
      Giải: tượng hào Nhị ý chỉ về khí dương xuất hiện ở mặt đất, đức sinh dưỡng của Khí dương phổ cập đến muôn vật. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Đấy lấy việc người mà nói, dùng đức rồng ở ruộng tựa bậc thánh nhân đã ra đời, đạo đức ân huệ có thể tỏa khắp. Nếu so với Sơ vật dụng (chớ dùng) thì đó đã là khắp lượt, nhưng nếu so với Ngũ thì vẫn còn hẹp vậy". Xét, nói đức ân huệ đã tỏa khắp là ví với mặt trời mới mọc, tuy chưa ở giữa trời mà ánh sáng đã khắp cả.

      Lời hào Cửu tam: Người quân tử suốt ngày cường kiện năng nổ không ngừng, cho đến ban đêm vẫn còn cảnh giác thận trọng hành động, như vậy thì dẫu có nguy hiểm cũng không bị lỗi lầm thiệt hại.
      [Cửu tam, Quân tử chung nhật càn càn, tịch thích nhược lệ, vô cữu.]
      Giải: 'chung nhật' là kết thúc một ngày, cả ngày, vì hào Lục tam ở chỗ kết thúc của hạ quái quẻ Càn, cho nên nói thế; 'càn càn' cũng như khỏe rồi lại khỏe, cường kiện rồi lại cường kiền hơn nữa; 'lệ' có các nghĩa sau 'nguy', 'tai họa', 'tội lỗi', 'cữu hại'; Hệ từ thượng truyện nói 'vô cữu, là vô hại, là khéo sửa lỗi'.
      Hào Lục tam ở chỗ hạ quái tiếp giáp với thượng quái, địa vị của nó rất nguy, song nó biết cường kiện năng nổ không ngừng, sớm tối thận trọng hành động, nên cuối cùng được vô hại. Lý Đỉnh Tộ - Chu dịch tập giải dẫn lời Can Bảo nói: "Người quân tử căn cứ vào đó mà lo sâu nghĩ xa, sớm tối chẳng ngơi, ngẩng lên thì lo vì nỗi chẳng được dự vào sự tụ hội tốt đẹp, cúi xuống thì sợ chẳng đạt được sự hòa hợp chính nghĩa, đạo trời phản phục mưu trước tính sau. Cho nên nói 'chung nhật càn càn". Lại nói: "Hễ là vô cữu, thì tất mừng ở trong lo, khéo sửa lỗi vậy".
      Chu Hy nói: "Cửu là hào dương, Tam là ngôi dương. Hai lần cương lại chẳng ở giữa, ở ngôi trên của hạ quái, đó là địa vị nguy hiểm. Song tính thể cương kiện, có biểu tượng có thể 'càn càn thích lệ' (gắng gỏi không ngừng, sợ điều nguy hiểm). Biết lo sợ như vậy, thì tuy ở vào địa vị nguy hiểm cũng vô hại".
      Xét, quẻ Càn các hào đều lấy rồng làm biểu tượng, riêng hào Cửu tam nêu người 'quân tử'. Về điểm này, Chu dịch tập giải dẫn thuyết của Trịnh Huyền: "Tam ở Tam tài là đạo người, có đức càn mà ở tại đạo người, đó là tượng trưng cho người quân tử". Chu dịch là 'tùy sự nhi thủ tượng' (tùy theo sự việc mà lấy dụ tượng), tức là vận dụng linh hoạt các vật tượng trưng đặc định. Trong hào từ của quẻ Càn thì 'rồng' là vật 'dương cương', 'quân tử' là người 'cường kiện'. Xét từ góc độ tượng trưng, cả hai đều ngụ ý chỉ khí chất cương cường liên tục không nghỉ. Vương Bật chỉ rõ: "Các hào khác đều nói đến rồng. Riêng hào Cửu tam nêu người quân tử, đó là vì sao ? Xét ra dịch chính là tượng vậy. Tượng sản sinh là sinh từ nghĩa. Có nghĩa này thì sau mới thuyết minh bằng vật ấy. Nếu nêu chung thì thể của Càn đều là rồng, nếu kể riêng thì tượng nào theo nghĩa ấy".

      Lời hào Cửu tứ: Hoặc bay bổng lên trên, hoặc lui về dưới vực, ắt không bị lỗi lầm tai hại.
      [Cửu tứ, hoặc dược tại uyên, vô cữu.]
      Giải: 'hoặc', dùng như phó từ, biểu thị ý không xác định. Càn Văn ngôn nói: "Hoặc có nghĩa là nghi, nghi hoặc.
      Hào Cửu tứ ở hạ vị của thượng quái, dương cương tích dần đã nhiều, nhưng địa vị khó xử, cho nên phải 'nghi hoặc', xem xét cẩn thận, đáng tiến thì tiến, đáng lùi thì lùi, mới có thể khỏi bị cữu hại. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Ý hào Cửu tứ tiến dần, giống như thế rồng, muốn bay vẫn còn do dự nghi hoặc". Song, loại nghi này chẳng phải là nghi ngờ chẳng quyết, mà là cân nhắc xem xét thời thế, chờ đợi thời cơ mà hăng hái tiến lên.
      Xét, các hào thứ Ba, thứ Tư trong Dịch đều biểu thị tương đối khó xử. Hào Tam tuy ở thượng vị hạ quái, nhưng chưa lên tới thượng quái; hào Tứ tuy đã tiến vào thương quái, nhưng lại ở hạ vị của thượng quái. Hai vị trí này, nếu ở đó thì sẽ chẳng thỏa đáng, thường dẫn đến cảnh dưới chống trên ép. Bởi vậy, Hệ từ hạ truyện chỉ rõ "Tam đa hung, Tứ đa cụ" (Hào tam phần nhiều là hung, hào tứ phần nhiều là sợ sệt). Tam nói "Suốt ngày cương kiện năng nổ không ngừng, cho đến ban đêm vẫn luôn luôn cảnh giác, hành động thận trọng, Tứ nói "Hoặc bay bổng lên trên, hoặc lui về dưới vực", đó đều là nhằm vào địa vị gian nan của chúng mà phát ra. Đây là một đặc điểm quan trọng của hào vị Kinh dịch. 
      Tiểu tượng nói: Hoặc nhảy vọt mà tiến lên trên, hoặc lui về ở dưới vực, Chứng tỏ hào Cửu tứ xét thời mà tiến, ắt không bị lỗi lầm, tai hại.
      [Cửu tứ, Hoặc dược tại uyên, tiến vô cữu dã.] 
      Giải: tiểu tượng dùng câu 'tiến vô cữu' để giải thích nội hàm tượng trưng của câu 'hoặc dược tại uyên', nói rằng hào Cửu tứ khí dương khá thịnh, nếu biết xét kỹ thời thế để cầu tiến thì có thể không bị lỗi lầm, tai hại. Chu dịch tập giải - Tuân Sảng nói: "Đạo dương thích tiến, nên nói 'tiến vô cữu". Khổng Dĩnh Đạt nói: "Đây cũng là lấy nhân sự ra mà nói. Tiến thì nhảy vọt lên trên, lùi thì lặn ở dưới vực. Giống như thánh nhân nghi hoặc mà ở ngôi sang. Tâm sở dĩ muốn tiến, là có ý về việc công, chẳng phải vì tư, cho nên tiến không lỗi".

      Lời hào Cửu ngũ: Rồng lớn bay cao trên trời, lợi về việc xuất hiện bậc đại nhân.
      [Cửu ngũ, Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân.]
      Giải: 'Đại nhân', chỉ người có đạo đức mà địa vị cao, có khác với nghĩa của 'đại nhân' ở hào Nhị. Trịnh Huyền nói: "Hào Ngũ là đạo trời trong Tam tài. Trời thì trong sáng vô hình mà rồng ở đó, là tượng của sự bay nhảy".
      Hào Ngũ ở nơi tôn quý bên trên, dương cương trung chính, tượng trưng cho dương cương phát triển đến mức cực thịnh, cực mỹ. Cũng tượng trưng cho sự nghiệp có tính chất khai sáng đạt tới giai đoạn tối hoàn mỹ, cho nên Lời hào mượn hình ảnh rồng bay (phi long) làm tỷ dụ. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Ý nói Cửu ngũ, khí dương thịnh tới tận trời, cho nên nói là 'phi long tại thiên'. Đây là tượng của tự nhiên, giống như bậc thánh nhân có đức của rồng bay, bay lên mà ở ngôi trời, đức trùm thiên hạ, được muôn vật chiêm ngưỡng, cho nên thiên hạ lợi thấy bậc đại nhân này ở ngôi Vua".
      Xét, hào thứ năm ở chính giữa của Thượng quái thường thường là hào tốt nhất trong 6 hào của mỗi quẻ, thuyết cũ gọi hào này là ngôi 'vua', cho nên người xưa thương lấy 'rồng bay trên trời' trong hào Ngũ quẻ Càn để ví với việc vua chúa lên ngôi. 'Bậc đại nhân ở ngôi vua' mà họ Khổng nói là thuộc ý này.
      Tiểu tượng nói: "Rồng lớn bay cao trên trời", chứng tỏ bậc đại nhân hăm hở dấy lên thi thố tài năng.
      [Tượng viết: "Long phi tại thiên", đại nhân tạo dã.]
      Giải: Lục Đức Minh - Kinh điển thích văn dẫn lời Trịnh Huyền giải thích chữ 'tạo' là 'vi dã'. Chu Hi giải thích là 'tác dã', có nghĩa là nổi dậy mà thi thố tài năng, tạo dựng sự nghiệp. Đây là dùng câu 'đại nhân tạo' để giải thích nội hàm tượng trưng của câu 'long phi tại thiên', nói rằng Khí dương thịnh mỹ giống như bậc đại nhân quật khởi mà làm sự nghiệp to lớn. Họ Khổng nói: "Đây cũng là dùng việc người nói. Rồng bay trên trời, cũng giống bậc thánh nhân ở ngôi vua. 'Tạo' nghĩa như 'vi' (làm). Chỉ có thánh nhân mới có thể làm việc ấy và thành tựu được !"

      Lời hào Thượng cửu: Rồng lớn bay cao đến cực độ, cuối cùng sẽ có sự hối hận.
      [Thượng cửu, Kháng long hữu hối.]
      Giải: 'kháng', có nghĩa là thái quá. Tập giải dẫn lời Vương Túc nói: "Cao đến cùng cực là kháng". 'Hối', Hệ từ thượng truyện: "Hối tiếc là tượng sự lo ngại". Khổng Dĩnh Đạt giảng: "Hối là việc đã sai, có sự hối hận".
      Hào Thượng dương cương, lại ở chỗ chót của quẻ, cương kháng chí cực, cực thì ắt phản, nên có biểu tượng là 'kháng long'. Chu Hi nói: "Khi cực thịnh, cần lo tới sự bay quá cao của nó mà thịnh mãn, ý nghĩa của Dịch, nói chung là khi cực thịnh thì cần răn giới".
      Hộ Khổng nói: "Thượng cửu dương cương quá mức, lớn mà cực thịnh, cho nên gọi là 'kháng long'. Đó là tượng của tự nhiên. Lấy sự người mà nói, tựa bậc thánh nhân có đức rồng, ở trên ngôi trời, lâu mà kháng cực, cho nên có hối. Thuần dương tuy cực, chưa tới mức đại hung, chỉ có hối hận ăn năn mà thôi".
      Xét, sự vật phát triển, thịnh cực ắt suy. Hào thứ sáu trong Dịch phần nhiều chứa đựng triết lý này. 'Kháng long' trong hào tượng quẻ Càn đã bay cao cùng cực, thế tất sẽ bị va vấp giật gãy.
      Tiểu tượng nói: "Rồng lớn bay cao cực độ, cuối cùng sẽ có sự hối hận", nói rõ cương tiến thái quá không lâu ắt suy.
      [Tượng viết: "Kháng long hữu hối", doanh bất khả hữu dã.]
      Giải: tiểu tượng dùng câu 'đầy chẳng thể lâu' (doanh bất khả cưu) để giải thích nội hàm tượng trưng cho câu 'kháng long hữu hối', nói rằng hào Thượng khí dương đầy thịnh hết mức, chẳng thể giữ được lâu bền. 
      Khổng Dĩnh Đạt nói: "Đây cũng lấy nhân sự mà nói, hào Ngũ là đầy (doanh), đầy mà chẳng dừng thì khi tới Thượng là mức cùng cực thái quá, thì ắt có sự hối hận, cho nên nói 'doanh bất khả cửu dã".  

      Càn dụng cửu: Dùng số 9, xuất hiện một đàn rồng lớn đều chẳng tự coi mình là thủ lĩnh, cát tường.
     [Dụng cửu, kiến quần long vô thủ, cát.] 
      Giải: gọi là 'dụng' chính là lấy 6 hào của quẻ Càn làm ví dụ, chỉ rõ phượng diện đặc sắc của Dịch là lấy 'biến' làm chủ, đồng thời trong đó còn chứa đựng một số nguyên tắc của phép bói Dịch. 
      Trong quá trình bói Dịch, khi bói được hào Dương, thì số của nó hoặc là 7, hoặc là 9, dùng để chỉ tình trạng khả biến và bất biến, nguyên tắc của phép bói Dịch là dùng 9 mà chẳng dùng 7, tức là 9 là số khả biến còn 7 là số bất biến, có nghĩa là chiêm đoán 'hào biến'. Khi bói được cả sáu hào đều là 9 thì dùng lời hào Dụng cửu làm lời chiêm đoán.
      Chu Hi nói: "dụng cửu có nghĩa là hễ bói được hào dương thì đều dùng 9 mà chẳng dùng 7. Đại để đó là thông lệ của 192 hào dương của các quẻ.. Vì quẻ này thuần dương đứng đầu, nên xuất phát từ đó mà thánh nhân gắn thêm từ ấy vào, để khi gặp quẻ này, cả sáu hào đều biến thì căn cứ vào đó mà chiêm đoán".
      Thượng Bỉnh Hòa nói: "Kiến quần long vô thủ cát', nói rõ gặp 9 thì có nghĩa là biến. Chín vì sao ắt biến ? Số của dương 9 là cực nhiều nên gọi là quần (đàn). Dương cực lại trở về âm, đó là cái lý tự nhiên của trời đất. Càn là đầu, là dương cương đứng đầu các vật, dễ bị các vật ghét, biến thành Khôn thì không đầu, không đầu thì có thể lấy nhu mà giúp cương, cho nên cát".
      Tiểu tượng nói: Dùng số 9 có nghĩa là thiên đức của trời chẳng thể đứng đầu.
      [Dụng cửu, thiên đức bất khả vi thủ dã.]
      Giải: 'thiên đức' là đức của trời, chỉ đức dương cương. Đây là dùng câu 'đức trời chẳng thể đứng đầu' (thiên đức bất khả vi thủ), để giải thích nội hàm tượng trưng câu 'kiến quần long vô thủ, cát', ý nói rằng đức dương cương lấy việc chẳng thể tự mình đứng đầu, cương mà lại có thể nhu là tốt đẹp. 
      Vương Bật giải thích câu 'dụng cửu' và nói: "Sự cứng khỏe mà ở trên đầu người ta, đó là điều mà ta không nên làm". Đây là sự ứng dụng trực tiếp quan điểm của Lão Tử "Ta sau người mà thành ra trước người", và "Cao sang lấy thấp hèn làm gốc".
      Khổng Dĩnh Đạt nói: "Đức trời cương kiện, nên lấy nhu hòa mà tiếp đãi bề dưới, chẳng thể cậy mình là cương tôn mà đứng đầu các vật, cho nên nói đức trời chẳng thể đứng đầu".
     Chu Hi nói: "Ý nói dương cương chẳng thể là đầu của vật, cho nên sáu dương đều biến thì cát tường".   


        




5 nhận xét:

  1. ------------------------------------
    Khi học về thuyết tương đối của Anhxtanh, ta thấy nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả. Sóng sinh học chưa phát thì không thể tiếp nhận được sóng sinh học. Đó là lý do mà con người với con người tương cảm với nhau.

    ===============================

    Trả lờiXóa
  2. Quẻ Càn biến thành quẻ Cấu thì nói: "Tiềm long vật dụng".

    Quẻ Càn biến thành quẻ Khôn thì nói: "Kiến quần long vô thủ, cát".

    Trả lờiXóa
  3. Lời hào Cửu tứ, câu "Hoặc dược tại uyên", chữ "hoặc" viết thành có bộ tâm; sau "thảo mộc phồn" thừa chữ "mậu" không thể theo cả.

    Công lao của thư ký là không thể mai một.

    ============================

    Trả lờiXóa
  4. "Càn nguyên", là để lập ra cái gốc của tiêu - tức, chính Lục vị là để định ra "thể" của tiêu - tức, trình bày 64 quẻ là để làm sáng tỏ thứ tự của tiêu - tức, suy luận sự biến hoá của số 9 số 6 (âm dương), là để làm trọn cái dụng của tiêu - tức.

    Mở đầu có thể ngấm ngầm tham tán với thần minh, sau đó có thể vận dụng để trị thiên hạ.

    Phàm, "địa đạo" không có cái "thành" mà chỉ có cái kết thúc.

    ============================

    Trả lờiXóa
  5. ---------------------
    Kiền quái 乾卦

    夫大人者, 與天地合其德; 與日月合其明, 與四時合其序, 與鬼神合其吉凶, 先天而天弗違, 後天而奉天時.

    Phù đại nhân giả, dữ thiên địa hợp kì đức, dữ nhật nguyệt hợp kì minh, dữ tứ thì hợp kì tự, dữ quỷ thần hợp kì cát hung, tiên thiên nhi thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thì.

    Bậc đại nhân, hợp với đức của trời đất, hòa hợp chiếu sáng cùng với mặt trời mặt trăng, thuận theo thứ tự của bốn mùa, ứng với điềm triệu cát hung (xấu và tốt) của quỷ thần, tiên thiên thì không trái với trời, hậu thiên phụng sự thiên thời.

    =============================

    Trả lờiXóa