Chấn là một trong 8 quẻ, do hai vạch âm ở trên, một vạch dương ở dưới hợp thành, nghĩa của quẻ là 'động', vật tượng trưng cơ bản là 'lôi' (sấm). Hai vạch âm ở trên, một vạch âm ở dưới, biểu thị âm dương xung đột, bạo phát ta thành sấm. Hoài nam tử - Địa hình huấn viết: "Khí âm và Khí dương bức bách nhau mà sinh ra sấm" là ý nghĩa đó.
Một trong 64 quẻ, là quẻ thứ 51 trong Kinh, do hai quẻ Chấn ba vạch chồng lên nhau tạo thành, tượng trưng cho 'sấm động'.
Lời quẻ: Chấn tượng trưng sấm động, hanh thông, sấm động dồn dập, muôn vật kinh hoàng sợ hãi. Thế là thận trọng hành động, giữ vững phúc lành, nên có tiếng nói cười vui vẻ. Giáo lệnh của Vua như sấm động vang xa trăm dặm, như thế việc tế tự tông miếu có thể giữ được lâu dài.
[Chấn, hanh, chấn lai khích khích, tiếu ngôn á á; chấn hành bách lý, bất táng chủy xưởng.]
Thuyết minh: 'khích khích', Kinh điển thích văn - dẫn lời Mã Dung nói: 'Tình trạng kinh sợ'; 'á á', là 'tiếng cười'; 'bách lý', chỉ khu vực rộng, kiêm chỉ nước chư hầu cổ đại lấy 'trăm dặm' làm đất phong, Tuân Duyệt - Hán kỳ - Ai Đế kỷ luận viết: "Thời xưa, nước chư hầu chỉ có trăm dặm, nên Dịch nói 'chấn kinh bách lý' để tượng trưng cho nước chư hầu". 'chủy', chỉ vật đựng thức ăn, như đĩa, muôi, khi tế tự thời xưa dùng để đựng thức ăn ở vạc, 'chủy xưởng' trong câu là chỉ việc tế tự. Chấn, giống như sấm, nghĩa của nó là động, còn được dùng để chỉ Giáo lệnh uy nghiêm. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Chấn nghĩa là động, lấy sấm tượng trưng cho quẻ trời ra oai chấn động, nên đặt tên là Chấn. Chấn đã động, mọi vật đều kinh sợ; dùng uy để kinh động thì mọi vật đều nghiêm chỉnh, do đó mà được hanh thông, cho nên Chấn có đức hanh". Lại nói: "khích khích' là dáng vẻ sợ hãi, 'á á' là tiếng cười nói. Có tác dụng của sấm, có uy nộ của trời, nên sửa đổi lười biếng, vì thế sấm rung gió dật, quân tử biến sắc, áp dụng vào việc người thì là giáo lệnh uy nghiêm được ban hành trong thiên hạ. Vì thế, sấm tới, mọi vật đều kinh sợ, nên nói 'Chấn lai khích khích'. Vật đã kinh sợ, không dám làm điều sai trái, giữ yên phúc mình, nên có tiếng cười nói vui vẻ, vì thế nói 'tiểu ngôn á á'. 'Chủy' là thứ đựng thức cúng, 'xưởng' là riệu ngon, chỉ việc thờ cúng tông miếu thịnh soạn. Quẻ Chấn áp dụng với người lại là con trưởng. Con trưởng thì sửa mình; ở trên, để chờ nhận trọng trách; ra ngoài để chỉ huy quân, giữ việc giám quốc. Sấm kinh động trăm dặm, có thể thờ phụng tổ tông, giữ vững đồ thờ cúng. Nên nói 'Chấn kinh bách lý, bất táng chủy xưởng".
Toàn văn Lời quẻ lấy hình tượng Sấm sét chấn động, mục đích nêu rõ đạo lý: sự vật nhân kinh sợ, có thể dẫn tới hanh thông. Cho nên, trước thì nêu chung: 'Chấn, hanh'. Sau đó chia làm hai lớp để tỏ rõ đạo lý Chấn sở dĩ được hanh thông. Lớp một: nói Sấm động nổi lên thì thiên hạ kinh hoàng, thế là hành động thận trọng, không dám manh động, nên có phúc và vui vẻ, vì thế nói 'Chấn lai khích khích, tiểu ngôn á á'. Lớp hai: nói Giáo lệnh của chư hầu như sấm động vang rền trăm dặm thì trong nước bình yên, nên có thể 'không mất việc tế tự tông miếu', xã tắc do đó lâu bền, nên nói 'Chấn kinh bách lý, bất táng chủy xưởng'. Lý Đỉnh Tộ - Chu dịch tập giải - dẫn lời Trịnh Huyền nói: "Chấn là sấm. Sấm là khí của vật động. Sấm phát ra, như vua phát ra chính giáo để huy động người trong nước, nên nói là Chấn". Lại nói: "Sấm rền vang trăm dặm', là biểu tượng của chư hầu ngày xưa. Chư hầu ban bố giáo lệnh, có thể cảnh giới nước mình, trong thì giữ tông miếu xã tắc làm tế chủ, không để làm mất vật thờ cúng linh thiêng".
Thoán truyện nói: Sấm động có thể dẫn tới hanh thông. Sấm động dồn dập muôn vật kinh hoàng sợ hãi, nói rõ sự kinh sợ thận trọng ắt có thể dẫn tới phúc trạch; cẩn thận giữ phúc nên có tiếng cười vui vẻ, nói rõ sau khi kinh sợ thì hành vi có thể tuân theo phép tắc. Giáo lệnh của quân chủ như sấm vang trăm dặm, nói rõ bất luận xa gần đều kinh hoàng sợ hãi; việc tế tự tông miếu lâu dài không dứt, nói rõ lúc này dẫu quân chủ ra ngoài thì con trưởng cũng giữ được tông miếu xã tắc, trở thành người chủ trì tế lễ.
[Thoán viết: Chấn, hanh. 'Chấn lai khích khích', khủng chí phúc dã; 'tiểu ngôn á á', hậu hữu tắc dã. 'Chấn kinh bách lý', kinh viễn nhi cụ nhĩ dã; xuất, khả dĩ thủ tông miếu xã tắc, dĩ vi tế chủ dã.]
Chú thích: hai chữ 'Chấn, hanh' là dùng chữ 'hanh' để giải thích tên quẻ Chấn. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Chỉ nêu Kinh, mà không giải thích nguồn gốc tên và nội dung quẻ, chính là làm rõ do việc 'lo sợ' mà hanh thông, nên nói 'chấn, hanh'. Ngoài ra không còn nghĩa gì khác, có bản chép không có hai chữ này". 'khủng chí phúc', câu này nói rõ vật biết kinh sợ, thì có thể được hanh thông, sau khi kinh sợ thì có thể giữ theo phép tắc. Quẻ Chấn thì thượng và hạ đều là Chấn, là biểu tượng cho 'con cả', để nói rõ giáo lệnh của quân chủ như sấm gầm, oai động xa gần, 'trưởng tử' cũng kế thừa được nghiệp lớn.
'Chấn, hanh' - Dương sinh ở dưới mà tiến lên có nghĩa là hanh. Chấn là động, là sợ hãi, là có chủ, là phấn phát. Động mà tiến, sợ mà chẳng yên nên phải tu tỉnh, có chủ mà giữ được đến lớn; thì đến được 'hanh'. Chấn vốn thể Khôn. Càn lấy một dương giao, Khí âm ngưng tụ, Khí dương kết chứa ở trong mà muốn thông được ra, nên mới động gầm dữ làm sấm mở đầu, tức mở cửa sinh dục cho vạn vật. Quẻ Chấn tự có nghĩa 'hanh thông', chẳng phải do quái tài, đột nhiên gặp mà động ở ngoài là 'kinh', lo sợ mà biến ở trong là 'cụ'. Lời quẻ theo nghĩa lớn là truyền nối, con trưởng được truyền nối 'vị hiệu', nên nói là 'chủ khí', theo nghĩa làm chủ của vật - dụng. Khi sấm động thì lo sợ mà giữ được yên vui, đó là trọng trách của truyền nối.
Đại tượng nói: Sấm rền dồn dập, tượng trưng 'chấn động'. Quân tử do vậy luôn luôn kinh hoàng lo sợ mà tự sửa mình tu tỉnh.
[Tượng viết: Tiến lôi, chấn; quân tử dĩ khủng cụ tu tỉnh.]
Chú thích: 'tiến', như 'tái', nghĩa là lại lần nữa, liên tiếp, dồn dập, cùng nghĩa với 'Thủy tiến chí' của Đại tượng truyện quẻ Khảm. Ở đây trước hết nêu rõ hai quẻ trên dưới của quẻ Chấn đều là biểu tượng của 'sấm', nói 'sấm' rền dồn dập là tượng trưng cho "Sấm động". Sau đó suy ra việc quân tử xem tượng này, phải giác ngộ rằng mình nên lo sợ "uy trời" mà tự sửa mình. Phàm gặp việc đáng 'kinh - cụ' đều nên như vậy.
Khổng Dĩnh Đạt nói: "Tiến, nghĩa là trùng (chồng, trùng lập). Sấm liên tiếp là uy chấn. Đó là hai quẻ Chấn chồng lên nhau, nên nói 'tiến lôi, chấn dã'. Quân tử phấp phỏng lo âu, không dám lười nhác, nay thấy trời nổi giận, sợ uy của sấm tự sửa mình, xét lỗi lầm, nên nói 'quân tử dĩ khủng cụ tu tỉnh"; tức là nói quẻ này, trước là Chấn mà sau hanh. Dương Thành Trai nói: "Đã biết sợ ắt phải tu tỉnh. Nghĩa là sửa mình xét điều lỗi, thì sợ mà lại chẳng sợ, hãi mà lại chẳng hãi. Như Chu Tuyên Vương là vua một nước lớn, gặp tai nạn mà sợ phải nghiêng mình sửa nết. Tống Cảnh Công là vua một nước nhỏ, bị người làm mê hoặc cũng phải phản thân tu đức. Đó đều là sợ hãi mà biết tu tỉnh vậy".
Lời hào Sơ Cửu: Sấm động dồn dập, kinh hoàng sợ hãi, rồi sau biết hành động thận trọng, thì giữ phúc được, nên có lời nói cười, tốt lành.
[Sơ Cửu, chấn lai khích khích, hậu tiếu ngôn á á, cát.]
Chú thích: Lời hào Sơ so với Lời quẻ chỉ khác nhau có thêm chữ 'hậu', ý nghĩa hai câu cũng gần giống nhau. 'khích khích', hình dung tình trạng kinh sợ, 'á á', tiếng cười vui vẻ.
Hào Sơ cửu ở vào thời 'Chấn', dương cương ở dưới, thận trọng giữ gìn không dùng, không làm gì, cũng như nghe sấm động mà kinh hoàng cảnh giác, tăng cường tu tỉnh bản thân, thì được phúc, vui cười, nên được tốt lành. Vương Bật nói: "Đức cương ở dưới quẻ là biết lo sợ sửa đức". Khổng Dĩnh Đạt nói: "Cương thì không ám muội trước thời cơ, ở dưới thì biết trước, cho nên lúc mới chấn kinh, biết lo sợ tự tu mà được tốt lành".
Xét, hào Sơ cửu của quẻ Chấn, có đức dương cương, ở dưới cùng của quẻ, là biểu tượng của sự thận trọng lúc đầu, lo sợ lúc mới. Chu dịch chiết trung dẫn lời Phạm Trọng Yêm nói: "Quân tử lo lắng trong lòng, suy nghĩ thận trọng từ đầu , thì ý chí không trái với đạo. Lo sợ ở bản thân, tiến lui không vấp nguy hiểm thì mọi hành vi không sa vào tai họa. Nên Sơ cửu 'Chấn lai' mà được phúc, là vì biết thận trọng ngay từ lúc đầu vậy".
Sơ cửu làm chủ quẻ Chấn, ở dưới quẻ là ở lúc mới bắt động, lời hào nói về hình tượng trước thì 'khích khích' sau thì 'á á', đó là do khả năng biết đánh giá đúng tình hình, suy xét sấm sắp dậy, sấm sắp đến, đó là tượng trước động sau định, trước sợ sau yên, nên được cát.
Tiểu tượng nói: "Sấm động dồn dập mà biết kinh hoàng lo sợ", nói rõ hào Sơ cửu lo sợ, thận trọng ắt có thể đạt tới hạnh phúc. "Sau đó cẩn thận trong mọi hành động, giữ phúc trạch của mình, nên có tiếng cười nói vui vẻ", nói lên hào Sơ cửu sau khi lo sợ, hành vi đã biết tuân thủ theo phép tắc.
[Tượng viết: "Chấn lai khích khích", khủng chí phúc dã; "Tiếu ngôn á á", hậu hữu tắc dã.]
Thuyết minh: do Sấm mà sau có phép tắc, đã có phép tắc thì không lấy sự lo sợ mà mất đi thường độ. Trình Di nói: "Sấm động mà biết lo sợ đề phòng thì không có tai họa. Đó là biết nhân lo sợ mà đạt tới phúc trạch. Nhân lo sợ mà tự tu tỉnh, không dám vi phạm phép tắc, nên giữ được yên lành, tốt đẹp mà cười nói vui vẻ".
Lời hào Lục nhị: Sấm động liên tiếp, có nguy hiểm, mất nhiều tiền của. Nên leo lên ẩn lánh ở Cửu lăng trên cao, không nên đuổi tìm, chưa quá 7 ngày nhất định của mất rồi lại tìm được.
[Lục nhị, chấn lai, lệ; ức táng bối, tễ vu cửu lăng, vật trục, thất nhật đắc.]
Chú thích: 'Chấn lai, lệ' - câu này nói Sơ cửu ở thời 'chấn', lấy chất mềm cưỡi cứng, nên 'chấn lai' sẽ có nguy. Chu Hy nói: "Hào Lục nhị cưỡi lên hào cứng Sơ cửu, cho nên Chấn tới mà nguy vậy". 'ức', Kinh điển thích văn dẫn lời Trịnh Huyền nói: "10 vạn là 1 ức", nghĩa như lớn, làm phó từ. Tập giải dẫn lời Ngu Phiên nói: "ức, nghĩa là lời thương tiếc", thêm một nghĩa là ước lượng. 'Bối', ngày xưa gọi tiền là 'bối', thêm nghĩa là của cải. 'tễ' nghĩa là lên, trèo lên. Từ Tử Hùng giảng "tễ vu cửu lăng" là 'qua chín tầng núi cao, ý nói rất xa'. 'Cửu' là cực của số dương, ý chỉ rất cao, 'cửu lăng' nghĩa như núi rất cao, 'trục' nghĩa là tới với vật, lấy mình tới vật thì mất cái mình giữ. Lục Đức Minh dẫn Kinh điển thích văn nói: "Vốn biết là 'ý', ở đây đều giải thích là ngữ khí, từ cảm thán vậy". 7 ngày, mượn chu kỳ của ngày là 7, đây là kỳ hạn tự nhiên của lý - số, để tượng trưng thời cơ chuyển vần mau chóng, cũng như nghĩa 'thất nhật' trong lời quẻ Phục. Quẻ Chấn và quẻ Ký tế đều lấy Lục nhị mà nói, từ Nhị tới Thượng, rồi lại từ Thượng đến Nhị là 7 số.
Toàn văn lời hào nói rõ hào Lục nhị ở vào thời 'chấn', lấy nhu thừa cương, như tiếng sấm đột ngột nổi lên, gặp phải nguy hiểm nên nói 'chấn lai, lệ'. Lúc này Lục nhị nguy cấp nghiêm trọng, bản thân sắp bị tổn thất lớn như là người bị mất nhiều tiền của. Nhưng nhờ bẩm thụ đức 'nhu trung', dẫu gặp nguy hiểm lại biết 'thủ trung' không hấp tấp, 'ẩn náu' ở cửu lăng mà không tuy tìm, chỉ 7 ngày sẽ lại tìm được tiền của. Mã Kỳ Sưởng dẫn lời họ Phí nói: "Vật trục', nghĩa là hào Nhị trung chính, không thể biến đổi. 'Thất nhật lai phục' là kỳ hạn tự nhiên của lý số, lược chỗ này thấy chỗ kia". Xét, hào Lục nhị của Chấn, vào lúc 'chấn lai' vì cưỡi lên cương, nên có nguy hiểm, vì nguy hiểm nên kinh sợ, rồi biết thận trọng giữ nhu trung, không tiếc vật mất, rốt cuộc mất lại tìm được. Đây cũng có nghĩa 'lo sợ tu tỉnh', 'sợ hãi được phúc'.
Theo Bạch thư Chu dịch - Trương Lập Văn dịch lời hào: "Vừa ra khỏi cửa đã gặp sấm sét rất lớn, thật nguy hiểm. Trong lúc kinh hoảng đánh mất cả tiền bạc, đây chính là lúc leo lên như vượt qua chín tầng núi cao, không cần phải truy cầu, trong vòng bảy ngày là có được".
Tiểu tượng nói: "Sấm động dồn dập và có nguy hiểm", nói rõ hào Lục nhị là cưỡi lên trên dương cương.
[Tượng viết: "Chấn lai, lệ", thặng cương dã.]
Thuyết minh: Chu dịch tập thuyết - Du Diễm nói: "Thừa cương là nói cưỡi lên Sơ cửu dương cương. Cương ở vị trí thứ nhất mà Nhị ở trên, thì sấm cũng là động bất ngờ, nên kinh hoàng thất thố mà không yên".
Hồ Vân Phong nói: "Truân, hào Lục nhị; Dự, hào Lục ngũ; Phệ hạp, hào Lục nhị; Khốn, hào Lục tam và Chấn, hào Lục nhị thì đều nói cưỡi lên cương, duy chỉ có Khốn hào Lục tam là cưỡi giữa Khảm; còn lại thì đều cưỡi Chấn hào Sơ, nên chẳng nói cát".
Lời hào Lục tam: Khi sấm động, kinh hoàng không yên. Gặp sấm động, mà biết thận trọng tiến tới thì sẽ không bị tai họa.
[Lục tam, chấn tô tô, chấn hành vô sảnh.]
Chú thích: 'tô tô', Kinh điển thích văn dẫn Trịnh Huyền nói: "nghĩa là không yên", 'chấn hành' nghĩa là 'sợ chấn' mà đi. 'Sảnh' nghĩa là họa hoạn.
Lời hào nói rõ Lục tam ở vào thời Chấn, ngôi vị không chính đáng, lo sợ không yên, nên có biểu tượng 'chấn tô tô'. Nhưng vì không có lỗi cưỡi lên cương, nên có thể vì kinh sợ mà thận trọng hành động, cuối cùng tránh được tai họa, nên nói 'hành chấn vô sảnh'. Vương Bật nói: "Ở ngôi không thích đáng, ngôi ở không phải chỗ mình, nên lo sợ, nhưng không có lỗi cưỡi lên cương, nên có thể lo sợ thận trọng hành động mà không có tai họa". Khổng Dĩnh Đạt nói: "Chú giải thích Chấn là sợ, vì sợ ở đây không phải là tự mình sợ, mà do 'chấn' nên sợ".
Xét, hào Lục tam, ở dưới không cưỡi lên cương, trên lại không thừa theo dương, tuy không đáng vị, nhưng biết lo lắng sợ hãi, hành động thận trọng, suốt ngày kinh hoàng tu tỉnh, nên có thể tránh được tai họa. Chiết trung dẫn lời Triệu Quang Đại nói: "Thiên hạ không lo có lúc kinh sợ, mà lo là không biết tu tỉnh. Nếu biết nhân lo sợ mà hành động thì giữ mình không vọng động, xử việc đúng quy luật, còn lo gì hoạn nạn nữa".
Chỗ không nên ở, thời bình còn chẳng yên huống hồ ở thời 'chấn', lúc sấm sợ mà đi, bỏ chỗ bất chính đến chỗ chính, Tam đi thì đến Tứ là chính, động để đến chính là thiện, cho nên Nhị nói chớ đuổi rồi lại được, Tam nói đi thì không lỗi.
Tiểu tượng nói: "Khi sấm động, kinh hoàng không yên", nói rõ hào Lục tam ở vào ngôi vị không chính đáng.
[Tượng viết: "Chấn tô tô", vị bất đáng dã.]
Thuyết minh: cái sợ hãi tự mất là 'tô tô' vậy, chỗ ở chẳng đáng vị thì nên bỏ mà đi đi. Trình Di nói: "Nỗi lo sợ phấp phỏng là do ở vào ngôi vị không chính đáng, không trung, không chính thì yên ổn sao được".
Lời hào Cửu tứ: Khi sấm động, kinh hoàng thất thố ngã xuống vũng bùn.
[Cửu tứ, chấn toại nên.]
Chú thích: chữ 'toại', theo Thượng Bỉnh Hòa giảng: "Toại', là chữ viết gọn của chữ 'tụy', tức là 'trụy'. Luận ngữ: 'Đạo của vua Văn vua Võ chưa rơi xuống đất'; còn trong sách Liệt tử nói: 'mũi tên rơi xuống đất mà bụi không bốc lên', đều lấy chữ 'tụy' làm chữ 'trụy' vậy". Thêm nghĩa 'toại' là không có ý trở lại, không tự thủ được.
Lời hào nói rõ Cửu tứ ở thời Chấn, dương cương thất vị, cương đức không đủ, lại hãm vào giữa 4 âm ở trên và dưới, đến nỗi gặp phải sấm động, kinh hoàng thất sách, ngã xuống bùn lầy, không thoát ra được, nên nói 'chấn toại nên'. Xét về nghĩa của quẻ Chấn là nhân sợ mà tu tỉnh, lo lắng mà tự cường. Như hào Tam tuy thất vị, biết thừa theo dương, thận trọng hành động, nên có thể khỏi tai nạn. Hào Tứ cũng thất vị, nhưng dương cương suy yếu, hãm vào trong âm, sợ hãi mà không có thể làm gì được, đúng là thuộc về tượng rơi ngã, suy đồi.
Ở ngôi nhu thì mất đi đạo cương kiện, nên không thể dấy động lên được, muốn chấn động mà không thể được là do đã mất đạo 'chấn', Sơ và Tứ đều bẩm tính dương cứng, Sơ ở trong thì giữ được đạo, Tứ ở ngoài mất đạo nên đường đi trở thành bùn lầy.
Tiểu tượng nói: "Khi sấm động kinh hoàng thất thố ngã vào bùn", nói rõ đức dương cương của hào Cửu tứ chưa phát huy được.
[Tượng viết: "Chấn toại nê", vị quang dã.]
Thuyết minh: Trình Di nói: "Dương là vật cứng, chấn nghĩa là động, lấy cương xử động vốn có đường hướng sáng sủa, nhưng vì mất cương chính, mà hãm vào hai âm, nên sa lầy, làm sao phát huy được ? Nói 'vị quang' (chưa thể sáng tỏ) là đã nói dương cương vốn có thể chấn động, nhưng vì mất đức nên sa lầy vậy".
Lời hào Lục ngũ: Khi sấm động, bất luận là lên xuống, đi lại, đều có nguy hiểm. Nhưng nếu thận trọng giữ đức trung thì không hề gì, có thể giữ mãi việc tế tự.
[Lục ngũ, chấn vãng lai, lệ; ức vô táng hữu sự.]
Chú thích: 'ức', nghĩa là 'lớn, nhiều', như nghĩa chữ 'ức' ở hào Nhị. 'Ức vô táng', theo Lai Tri Đức giải thích là không mất gì, nhe nói 'không hề gì'. 'Sự', Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Ngu Phiên nói: "là việc tế tự".
Lời hào nói rõ hào Lục ngũ, ở vào thời Chấn, âm nhu cư tôn, trên thì gặp âm là gặp 'địch', dưới thì cưỡi lên cương là thất thế mà có sự mất mát, nên lui tới đều nguy (lệ). Nhưng Lục ngũ vốn có đức nhu trung, biết lo sợ thận trọng giữ đạo trung, không mạo hiểm đi lại, nên không thất thố gì, giữ mãi được việc tế tự, là nghĩa 'bất chủy xưởng' của Lời quẻ, nên nói 'ức vô táng, hữu sự'. Chu dịch chiết trung nói: "Việc tế tự Xuân Thu đều nói là 'hữu sự", nên ở đây, 'hữu sự' là nói việc tế tự. Lại nói: "Nhưng Nhị thì nói 'táng bối', mà Ngũ thì nói 'vô táng', vì Nhị ở dưới, vật sở hữu chỉ có 'bối' (tiền của) thôi, Ngũ cư tôn vị, là giữ tông miếu xã tắc. Tiền của có thể mất (bối). Tông miếu xã tắc có thể mất được không ? Nên Nhị lấy 'táng bối' làm trung, Ngũ lấy 'vô táng hữu sự' làm trung. Thượng Bỉnh hòa nói: "Đi gặp địch, về gặp cương, nên đi lại đều nguy hiểm".
Xét, hào Lục ngũ là âm nhu cư tôn, xử vào thời Chấn. Mỗi hành vi đều biết cảnh giác, lo sợ thận trọng giữ đạo trung, nên 'vô táng, hữu sự'. Đây là nghĩa "Nguy hành, kỳ sự tại trung" của Tiểu tượng truyện. Chu dịch chiết trung dẫn lời Hùng Lương Phụ nói: "Chấn đi cũng nguy hiểm, về cũng nguy hiểm, đều lo sợ xử trí, nên được 'vô táng, hữu sự', là không mất những thứ đã có. Quái từ quẻ này nói 'Bất táng chủy xưởng', có thể làm chủ bảo khí mà làm vua thiên hạ chăng ?"
Tiểu tượng nói: "Khi sấm động bất luận lên xuống đi lại đều có nguy hiểm", Nói rõ hào Lục ngũ phải lo sợ trong lòng mà thận trọng tiến lên; "giữ vững việc tế tự lâu dài là ở chỗ thận trọng giữ đạo trung", nói lên hào Lục ngũ nếu làm được như vậy thì không bị mất gì.
[Tượng viết: "Chấn vãng lai lệ", nguy hành dã; "kỳ sự tại trung", đại vô táng dã.]
Thuyết minh: Chu dịch tập chú - Lai Tri Đức nói: "Nguy hành có nghĩa là đi cũng nguy, mà đến cũng nguy, đi lại đều nguy. 'Kỳ sự tại trung' nghĩa là tuy đi có nguy hiểm, nhưng vẫn giữ được tế tự tông miếu, là vì có đức trung. Nhờ có đức trung này mà có thể 'hữu sự' nên không mất gì".
Chẳng mất trung thì chẳng trái với chính, vì vậy lấy trung làm quý. Nhị và Ngũ ở các quẻ khác, thì dẫu chẳng đáng ngôi, phần nhiều lấy trung làm tốt đẹp. Tam và Tứ dẫu có đáng ngôi hoặc lấy bất trung làm quá, là vì trung thường trọng ở chính vậy. Lại nói, đã trung thì không trái với chính, đã chính bất tất phải trung. Cái lẽ trong thiên hạ chẳng gì thiện bằng trung, coi ở Lục nhị Lục ngũ thì thấy. Ngũ muốn động đi lên, nhưng vì là 'nhu', nên không thể ở được chỗ 'cực động'. Ở ngôi tôn quý làm chủ sự động, mà 'nhu' làm chủ sự động thì chẳng được 'hanh'. Nhị thì nói độ chừng mất của, Ngũ thì nói độ chừng chẳng mất ! Do vậy, nên tự giữ đừng để mất đức trung, có nghĩa là, chỉ nên đừng làm mất việc của mình. Chu Hy nói: "Lục ngũ thì sống ở sự lo nghĩ, mà chết ở sự yên vui".
Lời hào Thượng Lục: Khi sấm động, kinh hoàng đến nỗi hai chân co quắp khó đi, hai mắt nhớn nhác không yên, mạo hiểm tiến lên ắt gặp nguy hiểm. Nếu khi sấm động, chưa động đến bản thân mình, mới gần đến mà biết phòng bị sẵn, thì không đến nỗi tai hại. Nhưng nếu mưu cầu âm dương hôn phối, thì sẽ có chuyện tranh cãi nói nhau.
[Thượng lục, chấn sách sách, thị quyết quyết, chinh hung. Chấn bất vu kỳ cung, vu kỳ lân, vô cữu; hôn cấu hữu ngôn.]
Chú thích: Kinh điển thích văn - Lục Đức Minh dẫn lời Trịnh Huyền chú giảng: 'sách sách' như 'súc súc', nghĩa là chân không ngay ngắn, hình dung quá lo sợ mà hai chân sợ co lại, không đi được. Cũng chỉ về tình trạng tiêu tan, với người như nói chí khí không còn. 'quyết quyết', nghĩa là 'mắt không nhìn thẳng', tức là mắt nhớn nhác không yên, thần trí không ổn định như nói mất thần. 'Cung', nghĩa là bản thân mình. 'Hữu ngôn' chỉ sự tranh cãi nhau, không hòa hợp nhau, cũng gần nghĩa với câu 'tiểu hữu ngôn' của hào Nhị quẻ Nhu.
Lời hào nói rõ hào Thượng lục ở thời Chấn, là hào âm ở ngôi trên cùng của quẻ, kinh hoàng cực độ, không biết đi đâu, đến nỗi 'hai chân co quắp, hai mắt nhớn nhác'. Cứ thế mà đi, ắt gặp hung hiểm. Nhưng thượng lục nếu biết lo sợ sửa mình trước, biết sớm đề phòng khi sấm chưa tới mình, mới động ở gần cạnh, thì có thể tránh được tai họa. Cho nên Lời hào lại khuyên rằng "chấn bất vu kỳ cung, vu kỳ lân, vô cữu", mà Thượng lục đã ở vào lúc quá sợ này, ắt lo phiền nghi ngại, khó hợp với ngoại vật, nên Lời hào lại răn không thể hấp tấp mưu cầu âm dương ứng hợp, nếu cứ muốn 'hôn cấu', thì khó tránh khỏi cãi nhau, chú ý là Lời khuyên lúc này không nên vọng động, phát triển lời khuyên lúc 'chinh hung' ở trên.
Vương Bật nói: "Ở chỗ cùng cực của Chấn, là chịu chấn động cực mạnh. Ở 'cực' của Chấn cầu trung không được, nên sợ hãi co quắp, mắt nhìn nhớn nhác không chỗ an thân. Đã ở vào lúc động cực lại tiến lên, thì hung là phải. Nếu sợ hãi không phải do mình tạo ra, mà do sấm động nên sợ, sợ bên cạnh mà răn mình, có dự phòng trước, nên 'vô cữu'. Cực sợ mà ngờ nhau, nên tuy 'hôn cấu' mà vẫn 'hữu ngôn".
Xét, hào Thượng lục quẻ Chấn, ở vào lúc cực sợ có hung hiểm, Lời hào lại khuyên nhân lúc lân cận kinh hoàng mà lo tu tỉnh trước, ắt có thể 'vô cữu', ý khuyên răn của câu này thật sâu sắc. Đông cốc dịch dực truyện - Trịnh Nhữ Hài chỉ rõ: "Người ta quá sợ hãi thì có khi không nhấc được chân; vào những lúc bình thường, đương nhiên chẳng thể theo; nhưng khi hành động, nếu biết thấy sự vật chưa hình thành mà biết cảnh giác thì cũng là điều thánh nhân cho phép".
'Hôn cấu' ý chỉ về hào Ngũ, như có lời oán trách (?)
Tiểu tượng nói: "Khi sấm đông, kinh hoàng hai chân co quắp", nói lên hào Thương Lục chưa thể ở vào vị trí thích trung; "dẫu có hung hiểm nhưng không đến nỗi nguy hại", nói lên hào Thượng lục biết lo sợ ở nơi bên cạnh mình bị kinh sợ mà có đề phòng trước.
[Tượng viết: "Chấn sách sách", trung vị đắc dã; "tuy hung vô cữu", úy lân giới dã.]
Thuyết minh: đã quá trung, như qua được thời sấm động đột ngột rồi tiêu tan, do vì quá sợ để tự mất, nếu ở được trung thì không đến mức phải tiêu tan. Đã cùng cực mà đi thì hung, nếu khi chưa đến mức cùng cực thì không lỗi. Hào Thượng ở chỗ động đã cùng cực, thì có nghĩa là biến. Trình Di nói: "Trung, là trung đạo". Chu Hy nói: "Trung, là trung tâm, Lục là âm nhu, ở chỗ chấn cụ đã cực, trong lòng có chỗ chẳng yên, cho nên thấy ở ngoài như vậy".
Khổng Dĩnh Đạt nói: "Tượng nói 'trung vị đắc dã' nghĩa như 'vị đắc trung dã'. 'úy lân giới dã' nghĩa là biết hàng xóm chấn động, lo sợ mà tự đề phòng thì được vô sự".
LỜI BÀN:
Hoài nam tử - Nhân gian huấn chép lời Nghiên Giới nói: "Lo lo, sợ sợ, ngày ngày cẩn thận, người ta không ngã trên núi cao mà ngã ở gò thấp". Đây là lấy việc leo núi không đến nỗi ngã, thế mà ở đất bằng lại thường hay bị ngã làm dụ tượng, nói rõ việc gì cũng cần cảnh giác đề phòng, thận trọng cẩn thận; Cố thi nguyên - Thẩm Đức Tiềm cho rằng đây là những lời khuyên răn lo lắng siêng năng, đề phòng cảnh giác của bậc đại thánh nhân.
Quẻ Chấn, lấy biểu tượng từ 'sấm động' dữ dội, chính là vạch rõ quy luật 'kinh hoàng sợ hãi, có thể dẫn tới hanh thông'. Lời quẻ có hai tầng thí dụ bổ xung ý nghĩa cho nhau: Trước nói sấm động nổi lên, muôn vật lo sợ, nên hành động thận trọng, được phúc, cười nói vui vẻ; rồi nói giáo lệnh của vua chấn động muôn dặm, dẫn tới muôn phương kinh sợ, mà xã tắc giữ vững được lâu dài. Đại tượng truyện dùng 4 chữ 'khủng cụ tu tỉnh' để khái quát được nghĩa lớn của toàn quẻ, chỉ rõ mối liên hệ bên trong giữa 'hoàng khủng kinh cụ' (hoảng hốt kinh sợ) với 'tu thân tỉnh quá' (sửa mình hối lỗi).
Sáu hào trong quẻ lần lượt chỉ rõ tình trạng khác nhau ở vào thời Chấn. Sơ cửu dương cương ở dưới biết sợ, nên có phúc; Lục nhị vì nguy nghi giữ trung, nên mất bảo bối rồi lại tìm được. Lục tam phấp phỏng không yên mà thận trọng hành động tránh được tai họa. Lục ngũ nhu trung 'nguy hành' mà giữ được tôn vị. Bốn hào này đều thấy được kết quả của sự 'lo sợ sửa đức', nên 'cát' nhiều mà không có hại. Chỉ có Cửu tứ hãm vào âm, lo sợ mà không phấn chấn lên được, khó mà tự thoát. Thượng lục quá lo sợ, có hung hiểm, nhưng nếu nhân lo sợ mà có thể đề phòng trước thì cũng được 'vô cữu'.
Rõ ràng, ý nghĩa tượng trưng của quẻ Chấn là xây dựng trên cái nền 'chấn cụ' (sợ hãi), sau đó thận trọng tiến tới, mở mang cảnh giới hanh thông. Trong đó bao hàm một triết lý biện chứng- Ở vào thế 'nguy' rồi sau mới 'an'. Chu dịch học thuyết - Mã Chấn Bưu bàn rằng: "Khi người ta vấp váp khó khăn, đáng sợ như dẫm băng mỏng, như đứng trước vực sâu, khi đất nước bị gió mưa trao đảo, có cả thù trong lẫn giặc ngoài. Sự nguy hiểm rồi sẽ qua. Răn giữ sau trước, thì ắt như hào tượng của quẻ Chấn này, thủy chung cảnh giác lo sợ thì có thể thoát nạn được phúc".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét