Khốn: hanh ; trinh, đại nhân cát, vô cữu ; hữu ngôn bất tín.
Quẻ Khốn tượng trưng cho sự khốn cùng: cố gắng vượt tất được hanh thông ; nên giữ vững chính bền, bậc ‘đại nhân’ sẽ được tốt lành, không bị cữu hại ; lúc này có nói vị tất đã được người tin.
Chú thích: khốn là tên quẻ, dưới quẻ Khảm dương trên quẻ Đoài âm, tượng trưng cho sự khốn cùng. Thích văn nói: “Khốn là cùng, có nghĩa cùng khốn, tiều tụy, bị che lấp, mỏi mệt, thiếu hụt”.
Tạ Điệp Sơn nói “Khốn với Tỉnh cũng như trong với ngoài. Khốn thì trong đầm không có nước, Tỉnh thì trên cây có nước. Khốn có nghĩa Vị tế bế tắc, Tỉnh có nghĩa Ký tế thông sáng.”
Khổng Dĩnh Đạt chú “Khốn thể hiện sự cùng ách, uốn mình, đường cùng sức kiệt, không thể tự vượt được, cho nên gọi là Khốn.”
Hanh – câu này nói lên người quân tử ở cảnh ‘khốn’ thì nên tự vượt, tất sẽ hanh thông. Vương Bật chú “Khốn tất sẽ thông ; ở cảnh khốn mà không tự làm cho thông là kẻ tiểu nhân”. Nỗ lực tự cứu, vì nói ra thì có ai tin.
Trinh, đại nhân cát, vô cữu – câu này tiếp chữ ‘hanh’ nói lên ở vào thời ‘khốn’, chỉ có bậc đại nhân giữ chính mới có thể được ‘cát’ khỏi ‘cữu hại’, hào Chín Hai và Chín Năm dương cứng ở ngôi giữa, chính là tượng cụ thể về bậc ‘đại nhân’. Khổng Dĩnh Đạt nói “Ở thời khốn mà có thể tự thông, tất là người ‘xéo’ chính, thể (chất) lớn ; vượt qua được thời khốn, sau đó mới được ‘cát’ mà ‘vô cữu”. Chu Hy chú “Khốn cùng là tự mình chẳng thể dấy lên được, như thể trong quẻ Khảm hào Hai dương bị hai hào âm che lấp, còn thể ngoài quẻ Đoài hào Bốn dương và Năm dương bị hào Trên âm che lấp. Trong thì hiểm mà ngoài thì duyệt ở chỗ hiểm, thì mình dẫu bị khốn mà đạo lại hanh.”
Hữu ngôn bất tín – câu này nói ở thời ‘cùng khốn’, có nói điều gì cũng khó được người tin. Cho nên lúc này nên sửa đức mình, ít nói là tốt. Vương Bật chú “Ở vào thời khốn, không phải lúc nói mà được tin ; không phải là lúc làm theo lời nói, mà nếu muốn dùng lời nói để qua khỏi (được thời này), thì tất cùng khốn thôi”. Dương cương ở chỗ tối tăm thì nên yên lặng.
Trong Bạch Thư Chu Dịch, thứ tự quẻ Khốn là 45, đối với bản Dịch thông lệ thì thứ tự là 47. Trương Lập Văn dịch “Hưởng tế. Gieo quẻ hỏi đại nhân chắc có may mắn, không có tai họa gì, người ta có nói gì cũng không nên tin” (Hưởng tế, chiêm vấn đại nhân tắc cát tường, một hữu tai hoạn, tha nhân hữu ngôn, kỳ ngôn bất khả tín)
Đặng Cầu Bá giảng ‘hữu ngôn bất tín’ là “có lời mà không thốt ra được”, ông giảng ‘tín’ là giả tá cho ‘thân’, tức là ‘bất thuyết xuất khứ’ (không thể nói ra được), và ông dịch như sau “Thân bị lâm vào cảnh tù tội, tế cúng gieo quẻ để hỏi, được quẻ đoán đại nhân rất tốt và không có tai họa gì. Những điều này, tuyệt đối không thể nói ra được”. Khi ta chấp nhận cách giải thích này, thì có thể đây là quẻ nói về hoàn cảnh Chu Văn Vương khi bị giam trong ngục Dữu Lý.
Wilhelm bình luận “Quẻ trên thuộc âm (bóng tối), quẻ dưới thuộc dương (ánh sáng). Như vậy ở khắp nơi, người quân tử đều bị tiểu nhân chèn ép và khống chế.”
Thoán viết: Khốn, cương yểm dã. Hiểm dĩ duyệt, khốn nhi bất thất kỳ sở hanh, kỳ duy quân tử hồ ! ‘Trinh, đại nhân cát’, dĩ cương trung dã ; ‘hữu ngôn bất tín’, thượng khẩu nãi cùng dã.
Thoán truyện nói: Khốn cùng, biểu thị dương cứng bị che lấp, không thể phát triển. Gặp hiểm nạn mà trong lòng vui tươi, như vậy tuy ở cảnh khốn cùng cũng không mất một viễn cảnh hanh thông, nói chung chỉ người quân tử mới được như vậy ! “Giữ vững chính bền, bậc đại nhân sẽ được tốt lành”, nói lên sự vượt khốn, cầu hanh nên có đầy đủ đức đẹp dương cứng, trung hòa ; “lúc này có nói vị tất đã được người tin”, nói lên chuộng miệng nói thì không những vô ích mà ngược lại, lại càng cùng ách.
Chú thích: Yểm là câu giải thích tên quẻ Khốn, nói lên ‘khốn cùng’ là do dương cứng bị lấp mà không thể phát triển. Hãm ở dưới mà che ở trên đó là Khốn, có nghĩa là quân tử bị tiểu nhân che lấp, là thời đạo quân tử khốn tắc vậy. Khảm dưới là dương, Đoài trên là âm, dương ở dưới âm, chính là tượng “cứng bị yểm”. Khổng Dĩnh Đạt chú “Câu này lấy hai thể để giải thích tên quẻ, quẻ âm Đoài là mềm, quẻ dương Khảm là cứng ; Khảm dưới Đoài, là cứng bị che lấp bởi mềm vậy. Cứng lẽ ra là tiến lên, nay bị mềm che lấp, ứng dụng vào người, cũng như bậc quân tử bị kẻ tiểu nhân che lấp, thế là khốn cùng đó.”
Án, về nghĩa của ‘cương yểm’, các nhà giải thích khác nhau, như ‘Tập giải’ dẫn lời Tuân Sảng nói “Nghĩa là hào Hai hào Năm bị hào Âm che lấp ; hào Bốn hào Năm bị hào Trên che lấp” ; ‘Thượng Thị học’ viết: “Khảm cứng bị che lấp, hào Ba hào Trên che lấp”. Những thuyết chú giải của các nhà nên tham khảo.
Hiểm là chỉ quẻ Khảm dưới, duyệt là chỉ quẻ Đoài trên, câu này lấy tượng quẻ trên dưới để giải thích nghĩa của lời quẻ “hanh”, có nghĩa là người quân tử ở thời ‘khốn’, tuy ở cảnh hiểm mà vẫn vui tươi, là dấy hiệu cho sự lạc quan, cho nên có thể tự vượt qua cảnh hiểm mà ‘hanh’. Trương Trung Khê nói “Ở cảnh hiểm mà đẹp lòng, như thầy Nhan Hồi ở trong ngõ hẹp mà chẳng đổi được sự vui, ông Liễu Hạ Huệ bị khốn cùng mà chẳng buồn, đức Phu Tử bị nguy ở nước Trần nước Khuông, thầy Mạnh Tử bị bỏ ở Tang Thương, mình càng khốn mà đạo càng hanh, chỉ có người quân tử mới có được như vậy.” Vương Bật cũng nói “Ở cảnh hiểm mà không đổi (long) vui, ‘khốn’ mà không mất điều hanh”.
Dĩ cương trung dã – câu này lấy tượng hào Hai và hào Năm dương cứng ở ngôi giữa, để giải thích lời quẻ “trinh, đại nhân cát, vô cữu”, nếu không cương trung mà gặp phải cảnh ‘khốn’, thì ắt sẽ mất chính. Trình Di chú “Khốn mà vẫn chính bền, cho nên bậc đại nhân được cát, đó là vì họ có đạo ‘cương trung’. Đây là chỉ hào Hai và Năm. Nếu không ‘cương trung’, thì gặp cảnh khốn đã mất sự chính vậy.”
Hồ Vân Phong chú “Cương bị khốn ở nhu cũng như người ta bị khốn ở tật bệnh, mà Dịch chỉ chuyên luận về cảnh khốn là chẳng thông, cũng như biết là tật mà chẳng biết dùng thuốc, như vậy thì sao mà dùng được Dịch, cho nên Thánh nhân nói ‘khốn hanh’, Dịch truyện nói ‘khốn’ mà chẳng mất hanh.”
Thượng khẩu nãi cùng dã – câu này giải thích lời quẻ “hữu ngôn bất tín”. Khổng Dĩnh Đạt chú “Ở cảnh khốn, cầu điều thông, là ở chỗ phải đức, không thể dùng lời nói để thoát khỏi cảnh khốn ; chỉ chuộng về miệng nói thì lại càng khốn cùng, cho nên nói ‘chuộng miệng nói thì cùng’ là vậy”. Theo Chu Hy những câu này là lấy quái đức và quái thể để giải thích quái từ.
Tượng viết: Trạch vô thủy, khốn ; quân tử dĩ chí mệnh toại chí.
Tượng truyện nói: Trên đầm không có nước, tượng trưng cho sự khốn cùng ; người quân tử nhân vậy ở thời cùng khốn, thà mất đi mạng sống cũng phải thực hiện cho được chí hướng cao cả.
Chú thích: Vương Bật chú “Đầm không nước, thì nước ở dưới đầm ; nước ở dưới đầm, là tượng quẻ Khốn”, thời khốn cùng đã hết đạo phòng lo mà chẳng thoát được, ấy là mệnh. Chí mệnh theo Chu Hy “Như nói thụ mệnh (thụ là đưa, trao, khác với nghĩa thụ là nhận), ý nói đưa nó cho người, coi như không có nó”, hàm nghĩa ‘bỏ mất mạng sống’; toại là thành tựu, như nói ‘thực hiện’. Người biết mệnh nên học cách biết chấp nhận, gặp cảnh cùng tắc họa hoạn, chẳng lấy làm động lòng, người không biết mệnh mới sinh ‘lo sợ’
Khổng Dĩnh Đạt chú “Người quân tử, giữ đạo thà chết, tuy găp đời khốn ách, dù phải hy tính mạng táng thân cũng phải thực hiện chí hướng cao cả cho bằng được, không phải do nao núng hay khuất phục mà làm biến đổi được”, cho nên nói ‘chí mệnh toại chí’ vậy”, đi sâu phân tích về lẽ ‘khốn’ mà đến ‘hanh’.
Trí mạnh có tượng là Khảm hiểm, toại chí có tượng là Đoài duyệt, Lai Tri Đức viện dẫn sử chứng nói rằng “Hoạn nạn mà đến, chỉ cần bàn về đúng hay sai, chứ không cần bàn về lợi hay hại ; chỉ cần bàn về sự coi nó là việc thường hay coi nó là việc trọng, chứ không cần bàn về sự do nó mà sống hay chết. Sát thân thành nhân, bỏ mạng sống giành điều nghĩa, may mà thân này còn thì tiếng thơm còn mãi, không may thân này chết đi, thì tiếng (thơm) cũng bất hủ ; Như vậy, há chẳng phải thân tuy ‘khốn’ mà chí ‘hanh’ sao ? Các bậc đó mà thân còn, ấy là chùy sắt của Trương Lương, khí tiết của Tô Thức, các bậc đó mà thân chết, ấy là Tỉ Can, Văn Thiên Tường, Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt vậy.”
Không có nước trong hồ, hình tượng của sự cạn kiệt. Vậy vì sao phải hy sinh tính mạng để bảo toàn chí hướng (trí mệnh toại chí) ?
Sơ Lục, đồn khốn vu chu mộc, nhập vu u cốc, tam tuế bất dịch.
Hào Sáu Đầu, mông bị khốn ở dưới gốc cây không thể ở yên, chỉ lui vào nơi sơn cốc u tối, ba năm không thấy ló mặt.
Chú thích: chu là thân cây, theo Trình Di “Chu mộc là gốc cây không có cành, không có lá”, ví như cây khô không có bóng râm che cho vật. Câu này, ý nói hào Sáu Đầu ở ngôi đầu quẻ Khốn, mềm yếu ở phía dưới, tuy chính ứng với hào Chín Bốn, nhưng hào Bốn là dương ở ngôi âm, nên mất ngôi là bất chính mất cương, lại Sơ đã ở vào cảnh dưới khảm hiểm, bị khốn ở âm, cho nên cùng ánh không thể tự giải quyết, thì làm sao cứu được sự khốn của người. Ví như mông bị khốn dưới ‘gốc cây’, chỗ ở khó yên. Vương Bật chú “Ở nơi thấp nhất, chìm hãm nơi khốn cùng phía dưới, ở không yên ổn, cho nên nói ‘đồn khốn vu chây mộc’ vậy”.
Nhập u vu cốc, tam tuế bất địch – tam tuế như nói ‘nhiều năm’, địch nghĩa là ‘thấy’, hai câu này tiếp nghĩa câu trước, rồi làm đảo lộn nghĩa cho nó, ý nói lên hào âm Đầu đi lên trước thì không có ứng viện, hào Chín Bốn có tượng như cây trơ trụi không cành lá, bị hào Thượng âm che lấp, không thể che đỡ được. Mông bị khốn ở gốc cây là tượng nói không được, khó nói, khó giải trình tại sao lại như vậy (?). Phải vào hang tối là chỉ người âm nhu chẳng được yên cảnh ngộ, đang bị mê ám vọng động, dẫn tới xa lầy trong u mê không thể tự thoát ra được, vậy là đành phải đợi cho tình hình khốn cùng qua đi. Vương Bật chú “Tiến thì không được cứu giúp, tất phải ẩn trốn vậy, cho nên nói ‘nhập u vu cốc’ ; Đạo khốn chẳng qua chỉ một số năm thôi, vì khốn mà ẩn, khốn hết thì ra, cho nên nói ‘tam tuế bất địch’ vậy”.
Tượng viết: “Nhập u vu cốc”, u bất minh dã.
Tượng truyện nói: “Chỉ còn cách lui vào nơi sơn cốc u tối”, nói lên hào Sáu Đầu ẩn thân tạm bợ ở nơi u ám, không sáng sủa.
Thuyết minh: hào Sáu Đầu âm mềm, nhu nhược, ngôi thấp mà lại thiếu khí chất dương cứng, chính là tượng ngồi vào nơi khốn cùng ách tắc, không thể tự đứng dậy được. Trương Thanh Tử nói “Khi người ta đi thì ngón chân ở dưới, khi ngồi thì mông ở dưới, hào Sáu Đầu khốn mà không đi, đây là tượng khốn mà phải ngồi”. Kinh Thi nói ‘Ra khỏi hang tối, chuyển lên nơi cây cao lá cả’. Hào Đầu không thể tự chuyển dời lên trên cây cao, mà phải ngồi chựu khốn dưới gốc cây, ví như gốc cây bị rỗng dưới lòng đất sụp đổ như ở trong hang tối, Âm mềm ở ngôi dưới cùng quẻ Khốn, nên có tượng như vậy. Ở người trong tình trạng thấp kém tối tăm, cùng khốn mà không làm sao thoát khỏi được. Nói là ‘đồn’, huống chi là hào này ngồi, mà không dời đi nơi khác được”. Tối thì chẳng sáng, là nói càng vào chỗ tối tăm là tự hãm vào sâu trong cảnh khốn ; đã là sáng thì không đến nỗi là chỗ tự hãm vậy.
Bạch Thư Chu Dịch ghi chép hào Đầu hơi khác: Thần khốn vu chu mộc, nhập vu yếu cốc, tam tuế bất dịch, Trương Lập Văn dịch “Mông bị thọ hình trượng, lại còn bị tống giam trong ngục, ba năm không thấy mặt, chắc chắn là có tai họa”. Đặng Cầu Bá dịch “Sau khi mông bị một trận đòn nhừ tử còn bị tống giam trong ngục, ba năm chưa được phóng thích, bói cỏ thi thấy rất xui xẻo”.
Cửu Nhị, khốn vu tửu thực, chu phất phương lai, lợi dụng hưởng tự ; chinh hung, vô cữu.
Hào Chín Hai, riệu thịt nghèo nàn cùng khốn, vinh lộc sẽ tới, lợi về sự chủ trì đại lễ tế tự ; lúc này tiến thủ tuy nhiều hung hiểm, nhưng không có gì cữu hại
Chú thích: phất là đai áo y phục khi tế thời xưa, ‘chu phất’ dụ ý chỉ sự ‘vinh lộc’, Thượng Bỉnh Hòa chú “Vật mà các bậc tôn quý mặc khi tế tông miếu”. “Chu phất phương lai” ý nói sẽ được ban thưởng, hay ‘sẽ được trao lệnh’. Lý Kính Trì giảng ‘chu phất’ là “trang phục mầu hồng, nói chung là chỉ các dân tộc mặc áo mầu đỏ, quần áo man di “. Câu này nói lên, hào Chín Hai ở vào thời Khốn, tuy riệu thịt trong cảnh nghèo nàn gian nan không thuận lợi, nhưng có thể cứng giữa tự giữ, yên cảnh nghèo vui vì đạo ; cuối cùng thân được vinh lộc cũng đến, được cử giữ phần việc trọng yếu khi đại lễ. Ăn uống là việc mà người ta muốn để thi ân huệ, hào Hai chỉ khốn ở lòng dục muốn làm ơn cho người, cứu khốn cho người nhưng chưa thỏa lòng mà khốn đến cả khi ăn uống, hào Hai có đức chựu khốn ở trong, lợi dụng sự chí thành như cúng tế để thông và cảm với người trên, mưu cầu đồng đạo hợp đức.
Ở mọi quẻ, lệ của Dịch lấy hào Hai và hào Năm là âm dương tương ứng làm ‘cát’, duy có hai quẻ Tiểu súc và quẻ Khốn thì bị làm ‘ách’ ở âm, cho nên nói ‘đồng đạo tương cầu’. Quẻ Tiểu súc thì dương bị âm chứa, ở quẻ Khốn thì dương bị âm che lấp.
Lai Tri Đức chú “Hào Chín Hai với đức cương trung, ở vào thời khốn, cam lòng chựu khốn để giữ đức trung nên được vua tin dùng, cho nên có tượng ‘khốn vu tửu thực, chu phất phương lai”.
Chinh hung, vô cữu - câu này có nghĩa hào Chín Hai yên cảnh nghèo, trong cảnh ‘khốn’ cầu tiến xuất binh chinh phạt có nhiều hung hiểm, còn các chuyện khác không có tai họa gì lớn; nhưng lấy đức đẹp ‘cương trung’ để nỗ lực vượt cảnh khốn, mà không nề hà gì về yên hay nguy, xả thân để ‘toại chí’, cho nên cuối cùng được ‘vô cữu’. Nếu không chí thành ở yên đợi mệnh, nếu chẳng lựa thời mà đi thì tự mình rước lấy nạn hung, sẽ khốn vì động làm mất đức ‘cương trung’. Lai Tri Đức chú “Răn cho người xem bói nên có lòng chí thành, thì tuy có ‘hung’ mà vẫn được ‘vô cữu’ vậy.”
Tượng viết: “Khốn vu tửu thực”, trung hữu khánh dã.
Tượng truyện nói: “Riệu thì nghèo nàn mà khốn cùng”, nói lên Chín Hai chỉ cần giữ vững đạo giữa thì sẽ có phúc khánh.
Chú thích: Ý lớn của hào này chủ về người (quân tử) thân tuy bị ‘khốn’ mà đạo lại ‘hanh’. Tuy bị ‘khốn’ về lòng muốn làm ơn cho người, dẫu ở thời chưa được hanh thông, chỉ giữ được đức “ trung ” để mọi sự thông là đủ.
Lai Tri Đức dẫn sử chứng nói rằng “Đây tức như việc của Khổng Minh, khốn tửu thực là hình tượng nằm ở đất Nam Dương; chu tất phương lai là hình tượng Lưu Bị ba lần đến mời (ra giúp); lợi dụng hưởng tự là tiếp nhận sự thăm viếng; chinh hung là đến chết mới thôi; vô cữu nghĩa là vua tôi không lỗi".
Lục Tam, khốn vu thạch, cứ vu tật lê ; nhập vu kỳ cung, bất biến kỳ thê, hung.
Hào Sáu Ba, khốn ở dưới đá lớn (đá rắn khó vào), dựa vào cây tật lê (nhiều gai khó dẫm) ; dù có chạy về nhà cũng không thấy vợ, có hung hiểm. (Bị giam trong ngục đá, nằm trên đám cỏ gai, khi được thả về nhà thì chẳng thấy vợ đâu. Bói được hào này là xui tận mạng)
Chú thích: thạch ví với hào Chín Bốn, tật lê là loài thảo mộc một năm ra một lần, quả có gai, ví với hào Chín Hai; cung là cư thất, tức là nhà; kiến kỳ thê Vương Bật nói là “thấy được người phối ngẫu”, ở đây nói người phối ngẫu như là vợ.
Hào Sáu Ba âm mềm, mất chính, lấy chất âm ở ngôi dương, có chí ‘cương vũ’ (dùng kiểu cứng), do không có ứng, thân kề hào Chín Bốn muốn cầu hào này làm phối ngẫu, nhưng Chín Bốn đã ứng với hào Đầu; ở nơi cực hiểm mà dùng cương cứng là nơi chẳng làm chẳng tiến được, sức không thắng được, bền chẳng phạm được với hai hào dương ở trên, sức chẳng phạm được mà cứ mạo phạm là tự hãm vào khốn, tự rước lấy khốn theo nghĩa ‘khốn vu thạch’. Hào Ba lại cưỡi lên trên hào Chín Hai mà lấy đức bất thiện, cũng lại muốn cầu phối ngẫu, nhưng hào Hai cương cường không chựu. Tiến thoái đều bị khốn mà muốn yên cũng chẳng được – nghĩa của hào này chủ về lâm vào chỗ khốn, mất chính đạo, tất có hung hiểm.
Vương Bật chú “Đá là vật rắn mà không thể vào được, là hào Bốn vậy; Hào Ba lấy chất âm ở ngôi dương, chí ở chỗ ‘cương vũ’. Hào Bốn tự nạp hào Đầu không nhận hào Ba ; hào Hai không phải là nơi dựa được, cứng không phải là hào cưỡi được. Trên thân kề với ‘đá khốn’, dưới dựa vào cây ‘tật lê’, không ứng mà vào, làm sao mà phối ngẫu được ? Ở ngay cảnh khốn, ‘hung’ là đúng vậy”.
Trương Lập Văn theo Bạch Thư Chu Dịch dịch “Người có tội, bị trói trên đống đá, sau đó bị tống giam vào ngục nằm trên cỏ gai. Khi được tha về nhà chẳng thấy vợ đâu. Tất nguy hiểm”. Đặng Cầu Bá giảng “Đúng là cảnh nhà dột lại gặp thêm mưa đêm rả rích, đã cùng cực lại gặp thêm khó khăn chồng chất, bói cỏ thi thấy quá xui”.
Tượng viết: “Cứ vu tật lê”, thặng cương dã ; “nhập vu kỳ cung, bất kiến kỳ thê”, bất tường dã.
Tượng truyện nói: “Dựa vào cây tật lê”, nói lên hào Sáu Ba lấy chất âm mềm cưỡi lên kẻ cương cường ; “dù có chạy về nhà cũng không thấy vợ”, đây là hiện tượng chẳng lành.
Thuyết minh: Sự ‘hung’ của hào Sáu Ba, một mặt do vì mất ngôi, không ứng ; một mặt lại càng do vì nơi không phải nơi mình khốn, chỗ đó không phải là chỗ mình dựa. Bất tường là điềm chẳng lành tức là mất nơi ở yên.
Hệ Từ Hạ Truyện dẫn lời Khổng Tử khi giải thích nghĩa của hào này “Không phải chỗ đáng bị khốn mà mình bị khốn, thì danh ắt bị nhục ; không phải chỗ đáng dựa mà mình dựa vào, thì thân tất nguy. Đã bị nhục lại bị nguy thì sắp chết tới nơi rồi, còn thấy sao được vợ nữa.”
Chu Hy chú “Đá chỉ hào Bốn, tật lê chỉ hào Hai, Cung là chỉ hào Ba, vợ là hào Trên vậy.”
Vương Đông Khê nói “Hào Ba là âm ở ngôi dương, tự cho mình là dương cương, cho nên đi cầu sánh đôi với hào Trên, hào Trên là ‘cung’ mà chẳng phải là vợ”. Cung là nơi ở yên, người vợ làm chủ, nay âm nhu thể hiểm đường cùng, đi cầu âm nhu ở thể ‘vui’ tới cực thật là tối nghĩa !
Cửu Tứ, lai từ từ, khốn vu kim xa, lận, hữu chung.
Hào Chín Bốn, do đến từ từ (chậm trễ), bị một cỗ xe sắt chặn lại, có điều hối tiếc ; nhưng cuối cùng được phối ngẫu như nguyện.
Chú thích: lai chỉ hào Bốn đến ứng với hào Đầu. Thích Văn giảng từ từ chỉ trạng thái chậm có nghi sợ; kim xa chỉ hào Chín Hai.
Hào Chín Bốn lấy chất dương cứng ở ngôi đầu thể trên là thể ‘duyệt’, muốn xuống dưới ứng với hào Sáu Đầu, nhưng bản thân mất chính, đường trước mặt bị hào Hai chặn, có tượng ‘khốn vu kim xa’, do vậy mà nghi sợ nên đi từ từ. Đặng Cầu Bá giảng “Nhân vì đi trậm nên đến trễ, do đó bị cấm không cho đi”. Nhưng vì hào Đầu và hào Bốn là chính ứng, hào Bốn tuy chựu khốn, có điều tiếc không thể đến nhanh, nhưng do đến một cách khiêm cẩn nên đã gặp được nhau, vì vậy tuy ‘thẹn tiếc’ mà ‘có sự gặp nhau tốt đẹp’.
Vì sức chẳng đủ nên chựu khốn, tài chẳng đủ để cứu khốn cho người, mà đạo hanh khốn ắt do ở viện trợ, trong cảnh khốn trên dưới cùng cầu là lẽ đương nhiên. Nhưng đã đi cầu ở với ứng, lại còn nghi ngờ mà muốn đi theo người khác chăng, cánh ứng xử này để lại hệ lụy đáng lo ngại. Hào Hai có tài cương trung đủ để cứu khốn, hào Đầu liền kề với hào Hai, làm cho hào Đầu chí ở hào Hai vậy.
Vương Bật giảng “Kim xa là hào Hai, hào Hai cứng để chuyên chở, cho nên gọi là kim xa, từ từ là lời nói lên sự nghi sợ, chí ở nơi hào Đầu, mà bị ngăn cách bởi hào Hai, ‘xéo’ không đáng ngôi, uy lệnh không thi hành được ; hào Bốn bỏ nó (hào Đầu) thì không thể được, muốn tới lại sợ hào Hai. Có ứng mà không thể vượt qua hào Hai, cho nên nói ‘lận’ vậy ; tuy nhiên lấy chất dương ở ngôi âm, ‘xéo’ đạo Khiêm, lượng sức xử thế, không tranh với hào Hai, tuy không đáng ngôi, những được các hào khác giúp đỡ nó, cho nên nói ‘hữu chung’ vậy.”
Tượng viết: “Lai từ từ”, chí tại hạ dã ; tuy bất dương vị, hữu dữ dã.
Tượng truyện nói: “Đến một cách từ từ nghi ngại”, nói lên tâm chí hào Bốn ở nơi cầu hợp với hào Đầu ; mặc dù ngôi vị không thỏa đáng, nhưng do đến một cách khiêm cẩn, nên rất có thể đẹp lòng như nguyện.
Chú thích: hữu dữ - là ý nói do được mọi người giúp đỡ, khiến nó đẹp lòng như nguyện. Ở chẳng đáng ngôi là chưa thể được thiện.
Ngô Lâm Xuyên giảng “Dưới là nói Sơ, chí ở cứu Sơ. Chẳng đáng ngôi là nói về âm nhu, cho nên đi đến từ từ, dẫu có đến chậm cũng cứu được khốn cho Sơ.” Khổng Dĩnh Đạt giảng “Tuy không đáng ngôi, nhưng do giữ được đức khiêm, nên mọi người đều giúp đỡ.”
Hào Bốn sở dĩ mất ngôi, chựu khốn mà lại ‘hữu chung’, là do nguyên nhân quan trọng: âm dương tương ứng, cho nên cuối cùng khó có sự ngăn trở. Du Viêm giảng “Trong sáu hào thì hào Hai và hào Năm đều cứng, hào Ba và hào Trên đều mềm, chỉ có hào Đầu và hào Bốn chính ứng âm dương tương đắc với nhau, cho nên đặc biệt nói là ‘hữu dữ’ vậy”.
Cửu Ngũ, tị ngoạt, khốn vu xích phất ; nãi từ hữu thoát, lợi dụng tế tự.
Hào Chín Năm, dùng hình phạt xẻo mũi, chặt chân để trị chúng dân, đến nỗi ở ngôi tôn quý mà bị khốn cùng ; nhưng có thể dần dần thoát khỏi cảnh khốn, lợi về sự làm lễ tế.
Chú thích: tị là hình phạt cắt mũi, nghĩa giống hào Ba quẻ Khuê; ngoạt là hình phạt chặt chân; xích phất là vật để trang phục cho quý tộc thời xưa, khẳng định đẳng cấp, dụ chỉ về hào Năm ở ngôi tôn quý. Trong bản Bạch Thư Chu Dịch không chép tị ngoạt, mà chép là ‘nhị chuyên’ (rui gác đôi trên xà nhà), ‘chuyên’ là rui gác trên đòn tay mái nhà. Đặng Cầu Bá giảng “Đem rui nhà làm cho mới lại, nhưng bị phạm phép mà khốn đốn vì tế phục, là vì việc tế tự phải rất thành kính mới thọ được phúc”. Xẻo mũi là bị thương ở trên, chặt chân là bị thương ở dưới, tức là trên dưới đều bị âm làm cho thương hại. Hào Năm bị khốn là do bởi cả trên lẫn dưới, cùng với áo đỏ là tượng đồ mặc của hạ thần theo nghĩa ‘cận thần đi lại’. Hào Năm lấy chất dương ở ngôi dương, việc làm cứng mạnh, do vậy đã dùng hình phạt quá mức để trị kẻ dưới, đến nỗi chúng dân phản lại, người thân phân ly, ngôi tôn quý bị cùng khốn.
Thôi Cảnh giảng “Xẻo mũi chặt chân, là loại hình phạt nhẹ. Ở vào thời khốn không chuộng đức mềm, lấy cứng gặp cứng, tuy gia hình loại phạt nhẹ, nhưng lại mất đi quyền lớn, cho nên nói tị ngoạt vậy. Xích phất là vật trang sức của thiên tử. Sở dĩ nói ‘khốn’ là vì bị đoạt mất quyền chính, Vua chỉ còn chức năng hình thức là tế tự mà thôi. Ví như Xuân Thu truyện nói ‘Chính (quyền) do ở họ Ninh, (chỉ có) tế là ở quả nhân’, cho nên nói ‘khốn là ở tại cái phất đỏ’ vậy.” Câu nói này đã trở thành điển cố “chính do Ninh thị, tế tắc quả nhân”.
Hào Năm tuy ‘khốn vu xích phất’, nhưng vì có đức cương trung, cho nên đã cải sửa việc làm quá mạnh, dần dần thoát khỏi cảnh khốn ; lúc này nên thủ tín cho rộng với người với thần, mới có thể giữ được xã tắc, cho nên nói ‘lợi dụng tế tự’. Vua nên nghĩ tới sự cùng khốn của thiên hạ, cầu người hiền cũng phải hết lòng, phải có giải pháp ví như việc tế tự mới có được người hiền, đó là tượng hào Hai đồng đạo hợp đức. Hào Hai và hào Năm đều là hào dương cương, không phải âm dương tương ứng, nhưng lại là định phận tự nhiên, hào Hai nói “hưởng tự”, hào Năm nói “tế tự”, là đều đề cao lấy nghĩa thành kính được phúc, để đạt chính ứng trong thời cảnh khốn cùng. Song “tế” với “hưởng” cũng hàm nghĩa khác nhau, hào Năm ngôi vua nói “tế”, là tế trời đắc thần kỳ ; hào Hai ngôi dưới nói “hưởng”, là nói thần địa quỷ, còn ‘hưởng’ là chỉ về nhân thần. Phàm Dịch nói tế tự, thì các hào phần nhiều là nghĩa “trung thực” hoặc là “trung hư”. Trung thực là tượng thành tín, trung hư là lý thành tín. Đương thời khốn mà lấy chất dương ở ngôi Năm thì trăm việc chẳng lợi, duy chỉ có trung thực thì lợi về tế tự, để quy tụ được sức mạnh quyền lực. Nên nói ‘lợi tế tự’, là theo cái lý hanh thông gia phả dòng họ, những dòng được coi là chính thống đã khẳng định làm nên giá trị lịch sử.
Tượng viết: “Tị ngoạt”, chí vị đắc dã ; “nãi từ hữu thoát”, dĩ trung trực dã ; “lợi dụng tế tự”, thụ phúc dã.
Tượng truyện nói: “Dùng hình phạt xẻo mũi chặt chân”, nói lên tâm chí vượt khốn của hào Năm chưa thể gọi là đạt ; “có thể dần thoát khỏi cảnh khốn”, đây là kết quả của sự giữ vững đạo cương trung chính trực ; “lợi về sự làm tế tự”, như vậy thì có thể thừa hưởng được phúc trạch của thần linh ban giáng.
Chú thích: hào Hai nói ‘trung’ mà hào Năm nói ‘trung trực’, là để giải thích nghĩa chữ ‘trinh’ của Thoán từ ; hào Hai nói ‘hữu khánh’, hào Năm nói ‘thụ phúc’, là để giải thích nghĩa chữ ‘cát’ của Thoán từ. Khi mới bị âm che lấp, thì trên dưới chưa đồng lòng cùng chí hướng với nhau, cho nên từ từ mà có thể chuyển nguy thành an, dần dần thì có cơ hội thoát thân vậy.
Thượng Lục, khốn vu cát lũy, vu niết ngột, viết động hối hữu hối, chính cát.
Hào Sáu Trên, bị khốn trong đám dây leo chằng chịt trên cao (nghiêng ngả không biết rơi xuống lúc nào), đang ở nơi chốn rất nguy hiểm bất an, lòng hối hận chợt nghĩ lại; đã hành động rồi sau mới hối, thì nên tỉnh ngộ ngay, như vậy thì đi lên tất được tốt lành.
Chú thích: cát lũy Khổng Dĩnh Đạt giảng là cây họ dây leo, thuộc loại song mây; niết ngột là hình dung trạng thái nghiêng ngả không yên; động hối là động rồi sinh hối như nói ‘sau đó thì hối hận’, động càn bậy không chỗ nào không khốn; viết là từ mở đầu hàm ý suy sét, vạch kế sách. Câu này nói hào Sáu Trên lấy chất âm ở ngôi cuối cùng quẻ Khốn, cưỡi hai hào cứng, dưới không ứng viện như khốn cùng do bị quấn bởi các sợi dây chằng chịt có tượng trói buộc, lại như ở nơi sắp bị nghiêng đổ. Vật đến cực thì phản, việc đến cùng thì biến.
Vương Bật giảng “Ở ngôi cuối quẻ Khốn mà cưỡi hào cứng, dưới không có hào ứng, đi thì càng bị quấn lại. Đi thì bị dây quấn chằng chịt, ở thì không được yên, cho nên hào từ nói ‘khốn vu cát lũy, vu niết ngột’ vậy”, lại nói “Phàm sự việc đến lúc cùng thì phải nghĩ đến biến, khốn phải tính đến thông. Ở vào nơi rất khốn, chính là lúc phải có mưu mô vậy. Viết là lời nhắc ta phải nghĩ đến mưu mô kế sách. Thực hiện mưu của ta, có hối hận thì sẽ được việc. Nói rằng làm gì để thông được khi rất khốn? Nói: động đâu sẽ hối đấy, như vậy sẽ sinh ra sự ‘hữu hối’, rồi ‘chinh’ thì sẽ vượt qua cảnh khốn vậy. Cho nên nói ‘động hữu hối, chinh cát’ vậy.”
Chỉ cần ‘động hối’ có thể ‘hữu hối’, tiếp thu mọi lời giáo huấn, cẩn thận suy xét, tính toán trong mọi hành vi của mình, thì ắt thoát được cảnh khốn, sẽ ‘chinh’ mà được ‘cát’. Hào Ba và hào Trên đều âm nhu ở thế chính ứng, mà sao hào Ba hung mà hào Trên không hung ? Vì hào Ba là nhu ở thể hiểm cực, ở ngôi cương, ở nơi hiểm nạn mà dùng cương hiểm thì thường rất hung; hào Trên là nhu ở thể ‘duyệt’, chỉ vì khốn cùng mà có biến vậy. Hào Trên ở quẻ Khốn và quẻ Truân đều không có ứng, quẻ Truân thì nói ‘khấp huyết liên như’, quẻ Khốn thì nói ‘hữu hối chinh cát’, đó là vì quẻ Truân ở thể ‘hiểm cực’, còn quẻ Khốn ở thể ‘duyệt cực’, lấy đẹp thuận mà tiến là lìa khỏi Khốn vậy.
Bạch thư Chu Dịch chép có khác với bản truyền thống đến năm chữ: “Khốn tại hạt, luy vu nhị chuyên, viết hối di hữu hối, chinh cát.” Đặng Cầu Bá chú giảng “Buộc phải mặc y phục bằng vải thô, bị vướng nơi xà nhà; tự mình lẩm bẩm: xúi quẩy thật xúi quẩy. Người nhà vì chuyện đó bói cỏ thi được quẻ bói tốt.” Từ Tử Hùng dịch “Bị dây leo quấn chân chạt cứng, lại thêm cọc gỗ nhỏ đâm bị thương. Xử lý tình huống này rất khó, không thể hành động gì, vì đã hối càng thêm hối. Nhưng bói về chuyện xuất chinh thì có lợi.” Trương Lập Văn dịch “Người bị dây leo quấn chặt, tuy trong tay đã nắm cây gậy nhỏ, nhưng trong lòng hối hận tràn đầy, xuất binh chinh phạt thì có lợi.”
Tượng viết: “Khốn vi lũy cát”, vị đáng dã ; “động hối hữu hối”, cát hành dã.
Tượng truyện nói: “Khốn trong đám dây chằng chịt”, nói lên địa vị hào Sáu chưa từng ổn đáng ; “động rồi sau hối thì sẽ biết hối ngay”, nói lên cứ làm ngay đi thì có thể giải trừ khốn mà được tốt lành.
Chú thích: cát hành như nói “làm thì tốt”.
Trong quẻ chỉ có hào Sáu là nói ‘cát” thể hiện lẽ “Khốn cực tất thông”. Chu Dịch Tổng nghĩa - Di Phất nói “Dương cứng cuối cùng không thể khốn, mà hào Hai, hào Bốn, hào Năm đều không nói ‘cát’ ; Âm mềm không tránh khỏi khốn, mà riêng hào Sáu lại nói ‘cát’ ; khốn cực thì có thể biến, như Bĩ qua thì đến Thái, tuy ‘hiểm’ mà cuối cùng qua được.”
Khâu Kiến An nói “Khốn là vì cương bị che lấp vậy, quẻ Khốn thì lấy ba nhu che lấp ba dương làm tượng. Cương bị che lấp thì cát, mà Nhu đi che lấp cương thì hung. Thể ‘Khảm hiểm’ thì hào Đầu và hào Ba lấy nhu che lấp cương của hào Hai, lời từ nói hào Đầu ‘khốn ở cây khô’, hào Ba nói ‘khốn ở đá’, hào Hai nói ‘khốn ở uống ăn’ mà tượng thì lấy ‘trung’ làm phúc. Đó là Sơ và Tam hung còn Nhị thì cát. Thể ‘duyệt’ hào Trên lấy nhu mà che lấp cái cương của hào Bốn và hào Năm, mà lời từ hào Bốn nói ‘từ hữu chung’, hào Năm nói ‘từ hữu duyệt’, hào Trên nói ‘khốn ở dây chằng’ mà tượng thì lấy về sự làm chưa đáng. Đó là Tứ và Ngũ thì cát còn Thượng thì hung. Thoán nói khốn mà chẳng mất được hanh, duy có người quân tử mà thôi, đó là chỉ về ba hào dương cương trong quẻ vậy.”
BÌNH LUẬN
Văn Thiên Tường trong Chính khí ca nhiệt tình tán tụng những người của thời xưa, đã vì chính nghĩa mà đấu tranh, lời tán đó thể hiện được tinh thần dân tộc cao cả của thi nhân. Trong thơ có hai câu:
Thời cùng tiết càng rõ,
Nhất nhất sáng họa đồ.
Câu thơ miêu tả rõ khi khốn khổ cùng ách, chính là khi kiểm nghiệm rõ nhất phẩm chất con người. Ý nghĩa chính của quẻ Khốn cũng chính là thể hiện cái lẽ con người ở vào lúc “khốn cùng”.
Lời hào trong quẻ thể hiện ý chỉ có người “quân tử” mới có thể “thân đương cảnh khốn cùng mà đạo vẫn hanh thông”; đề cao sự bậc “đại nhân” giữ vững chính bền thì được tốt lành, không gặp cữu hại; đồng thời lại chỉ thêm rằng, lúc này mọi lời ta nói thì khó được mọi người tin. Vì vậy chỉ nên tự giữ mình cho trong sạch, sửa đẹp đức mình.
Thoán truyện lấy hai chữ cương yểm, để nêu rõ nguyên nhân chính đưa đến sự “khốn cùng”, là dương cứng bị che lấp không thể phát triển, cũng tức người quân tử bị kẻ tiểu nhân lấn áp và khống chế, lần lượt được thể hiện các tình trạng khác nhau trong sáu hào.
Trong đó, ba hào âm nhu ám bạc nhược, mắc khốn rất sâu ; hào Đầu ở cảnh khốn không làm sao thoát được; hào Ba thì nơi đó không phải nơi mình khốn, chỗ đó không phải chỗ mình dựa, cả hai hào này khó thoát khỏi hung hiểm; duy có hào Trên ở vào thời khốn đã tới cùng cực thì sẽ thông nếu kịp thời sớm biết hối hận mà tỉnh ngộ, thì có thể khỏi khốn được cát.
Ba hào dương cương tuy cũng trong cảnh khốn, nhưng đều lấy khí chất dương cứng mà có thể giữ chính thoát khốn; hào Hai và hào Năm bẩm sinh có đức đẹp cương trung, hào Hai thì ở vào lúc nghèo khốn gian nan, xả thân toại chí mà được không lỗi; hào Năm thì lấy chí thành tín trung chính, chuyển nguy thành yên, dần thoát cảnh khốn; hào Bốn đường phía trước bị khốn ngăn trở, do vì khiêm cẩn thận hành, mà có thể toại được chí nguyện của mình.
Có thể thấy, ở cảnh khốn là có sự âm dương khác nhau, theo người mà dị biệt !
Ngô Viết Luật bàn rằng “Không phải khốn đến với ta, là do thời thế gặp phải thôi, khi đó nên giữ đức cương trung, là nói ‘khốn nhi bất thất kỳ sở hanh’ vậy, đạo của nó chủ ở sự ‘trinh’ (chính); nếu khốn do ở mình nhu ám mà đến, thì nên thay đổi cung cách làm việc của ta để tránh cảnh khốn, đạo chủ ở nơi ‘hối’; Kẻ học giả xét sâu điều này, thì trong đạo sử cảnh khốn, nên tùy theo sự khác biệt mà mỗi người làm theo cách riêng.”
Để lĩnh hội được một cách tinh tế “ý ngoài tượng” của quẻ này, ta còn có thể phát hiện ngụ ý sâu xa của người làm Dịch: “Khốn cũng có khi khó tránh được, chính khí lại không thể một khắc tiêu tan ! Đại tương truyện nói ‘người quân tử thà mất đi mạng sống cũng phải thực hiện cho được chí hướng cao cả’, chính là thể hiện ý này.”
Luận Ngữ - Khổng Tử nói “Một vị thống soái lãnh ba quân, đối phương có thể bắt được, nhưng chí khí của kẻ thất phu ai mà đoạt được”, rất phù hợp với nghĩa này của quẻ Khốn này.
Chí khí của kẻ thất phu ai mà đoạt được !!!
Trả lờiXóaVấn đề cá nhân là một trong các vấn đề trung tâm của toàn bộ hệ thống nhân văn. Nghiên cứu cá nhân, mỗi bộ môn lý luận đều phác họa diễn tả nó theo cách của mình, thông qua các khái niệm đặc thù dưới góc độ riêng của mình.
Các nhà luật học nói tới cá nhân khi tách biệt quyền và nghĩa vụ của con người.
Các nhà sư phạm viết về cá nhân khi xem xét quá trình hình thành cá nhân trong quá trình đào tạo và giáo dục.
Các nhà tâm lý học nghiên cứu cá nhân theo cách của mình, khi vạch ra các quy luật của hoạt động tâm lý cá thể, các đặc điểm của thế giới nội tâm, tính cách và những năng lực của con người.
Các nhà xã hội học ghi nhận cá nhân như một yếu tố xã hội của hệ thống xã hội, như một kiểu nguyên tử của chỉnh thể xã hội.
Vấn đề cá nhân, dưới những giác độ khác nhau, làm cho các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần học, chuyên gia về thẩm mỹ học, về đạo đức học, các nhà tôn giáo học và thần học, các nhà sử học và dân tộc học đều phải quan tâm.
Hệ thống nhân học đã hình thành một phân nhánh như "chủ nghĩa nhân cách" - quan niệm triết học về cá nhân và về địa vị phổ biến, sự phát triển tự do của nó.
Trả lờiXóaTheo "chủ nghĩa nhân cách", cá nhân không phải là khách thể giữa những khách thể khác, vật giữa những sự vật khác. Không thể nhận thức nó từ bên ngoài. Cá nhân là chỉnh thể duy nhất mà chúng ta vừa nhận thức, vừa tạo ra từ bên trong.
Chủ nghĩa nhân cách xem xét cá nhân như một cái không lặp lại, độc đáo, có giá trị tự thân. Cần thấu hiểu nó chỉ nhờ vào xuất phát của bản thân nó, chứ không phải từ một cái gì đó từ bên ngoài.
Bản chất cá nhân chính là tự do của nó.
Cá nhân là thực tại tinh thần, cá thể để trở thành cá nhân khi không khép kín ở bản thân mình, mà tham gia vào các quan hệ phức tạp với những người khác, bộc lộ ra trong tổng thể các quan hệ xã hội, thể hiện như là cá thể xã hội.
Sự đối lập giữa cuộc sống bên trong và cuộc sống bên ngoài của con người cá thể bị vượt bỏ trong cá nhân, do vậy về triết học, thì không nên nói tới một cá nhân, mà nên nói về những cá nhân, có liên hệ với nhau như là các "đơn vị" của một hệ thống xã hội cụ thể - cũng như lý thuyết "nhóm".
Mỗi cá thể có thể khẳng định là cá nhân, nhưng ngược lại, không phải mọi người đều có thể được coi là cá nhân. Thí dụ: đối với nhà luật học thì đứa trẻ mới sinh, là cá nhân được luật pháp bảo vệ và có một tổng thể các quyền về tài sản, quyền bảo vệ danh dự, v.v... Còn đối với nhà sư phạm hau nhà tâm lý học thì đứa trẻ mới sinh, chỉ là tiềm năng của cá nhân có đầy đủ giá trị, nó còn cần phải "tách biệt", để trở thành cá nhân.
Do vậy, ba khái niệm đặc trưng cho con người riêng biệt: Cá thể - đó là sự biểu hiện con người như một "cá thể", đại diện đơn nhất của loài "homo sapiens" ; Cá nhân - đó là sự lý giải của xã hội học về cá thể, bao hàm việc cá thể đó được tổ hợp các vai trò văn hóa xã hội, và sự chín muồi tổng thể các định hướng giá trị trong thế giới nội tâm ; Cá tính - đó là quan niệm văn hóa về cá thể, khi người ta đặt lên hàng đầu tính đặc biệt, không lặp lại, độc đáo, "bản ngã" và tính không thay thế được của nó.
Nếu tiếp cận với vấn đề cái Tôi từ góc độ ngôn ngữ học thuần túy, thì câu trả lời thật đơn giản: "cái Tôi là đại từ nhân xứng ngôi thứ nhất số ít". Nhưng đối với triết học xã hội học, thì vấn đề cái Tôi được phác họa một cách sâu rộng hơn.
Trả lờiXóaCái Tôi bao hàm trong mình quan niệm về thực thể đơn nhất, có liên hệ với thế giới và đứng đối lập với nó. M.Buber nói "chỉ có sự đồng tham gia vào tồn tại của những thực thể khác, mới làm bộc lộ mục đích và cơ sở tồn tại của riêng mình". Cái Tôi - đó là năng lực trí tuệ, tình cảm, đạo đức và hiện thực trong việc ghi nhận "tính đồng nhất" của riêng mình (tự đồng nhất), và tách biệt mình khỏi cái Anh và cái Chúng ta.
Trên thực tế, người lớn tuổi nhìn vào ảnh thời trai trẻ của mình và nói với mình: cậu thanh niên này cũng là Tôi. Cho dù mọi thứ trong Tôi có biến đổi đến đâu, thì tính đồng nhất trong Tôi vẫn còn lại.
Nắm bắt thế giới là khó, nhưng nhận thức bản thân mình còn khó hơn nhiều.
Ở Tôi in lại toàn thế giới, "người khác", "những người khác". Tất cả những gì được tha giác, được nhận thức, được cải biến, được tưởng tượng, được hồi tưởng, tất cả những cảm hứng sáng tạo và mọi điều viễn tưởng, mọi hy vọng và thất vọng - tất cả đều ở trong tôi. Và tất cả những điều dó là cái Tôi.
Sự phản tư, sự tự phân tích, sự thâm nhập vào thế giới tinh thần của mình - đây là một đặc điểm quan trọng bậc nhất, đặc trưng cho chính con người đã sinh thành (chứ không phải đang sinh thành), khác với động vật hay người máy.
Nghiên cứu về các vấn đề Nhân học, P.S.Gurevich đã trả lời cho câu hỏi "tôi là ai", đã xây dựng và bảo vệ cho mô hình lý luận về sự "tự đồng nhất hóa", quan niệm mang tính xây dựng rõ ràng về bản thân mình.
Trả lờiXóaCơ chế tự nhận thức này ghi nhận tuần tự: các đặc trưng về thể chất của riêng mình, các đặc điểm về độ tuổi, giới tính, các đặc điểm dân tộc - sắc tộc, v.v... Quá trình này diễn ra tính cách bản thân: tri thức và niềm tin vốn có của mình, định hướng của cá nhân vào các thang giá trị và những điều thiêng liêng, kỹ năng và thói quen. Tất cả những gì cùng nhau phản ánh tính không lặp lại, tính độc đáo, tính đầy đủ tự thân, giá trị tự thân của cái Tôi.
Và cái Tôi là kết cấu phức tạp nhất, có thể có nhiều cách lý giải khác nhau về thế giới cá nhân.
"Cương yểm" dương bị che lấp và không thể tự phát triển, lấn áp và khống chế - sự bộc lộ của cái Tôi.
E.Muner là người theo chủ nghĩa nhân cách Pháp, đã xây dựng cấu trúc "thế giới cá nhân" bằng những yếu tố: sự hiện sinh, sự giao tiếp, tình cảm, sự đối kháng, sự hiện diện của tự do và phẩm giá, sự tham dự vào hoạt động.
Trả lờiXóa"Tìm tòi bản thân", nghiên cứu hiện đại về Nhân học, I.S.Kon đã xây dựng mô hình cấu trúc về "bản ngã" như sau:
Trả lờiXóa1. Bản nguyên chủ thể - hoạt động là cái Tôi hiện sinh, hay là Ego
2. Quan niệm của cái Tôi về bản thân mình là cái Tôi - quan điểm, hay cái Tôi phản tư.
3. Cái Tôi "cảm tính", không hòa vào mạng lưới các khái niệm suy lý logic.