[Lý]: Lý hổ vĩ, bất chất nhân, hanh.
Quẻ Lý tượng trưng cho sự thận trọng trong đi lại (hành động cẩn thận), cẩn thận đi sau đuôi hổ, hỗ dữ không cắn người, hanh thông.
Chú thích: tên quẻ Lý: dưới quẻ Đoài, trên quẻ Càn, tượng trưng cho sự ‘thận trọng trong đi lại’; chất như nói ‘cắn’. Câu này mượn hình tượng người đi sau đuôi hổ mà không bị sát thương, để ví với việc ‘thận trọng trong đi lại’, thì tuy nguy cũng vô hại.
Về tượng hai thể trên dưới: quẻ Đoài ở thể dưới biểu thị sự hòa dịu, quẻ Càn ở thể trên biểu thị sự cứng khỏe. Tượng của thể trên và thể dưới là “hòa dịu để giẫm lên sức mạnh”. Trời ở trên đầm ở dưới, đó là trên dưới có phận, tôn ti có nghĩa. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Nghĩa của quẻ Lý là lấy hào Sáu Ba làm chủ, hào Sáu Ba ở thể Đoài, mà Đoài là hòa dịu vui vẻ, nó ứng với quẻ Càn cứng, tuy dẫm lên sự nguy hiểm mà không bị hại, nên được hanh thông; cũng như dẫm lên đuôi hổ nhưng người không bị cắn. Đây là lấy việc của vật để ví với việc của người”. Chu Hy nói: “Quẻ Đoài có một âm ở trên hai dương, đức của nó là đẹp, tượng của nó là cái đầm. Đoài gặp Càn thì hòa đẹp theo sau cương cường, nên có tượng và lời chiêm như vậy”.
Nghĩa chữ Lý trong tên quẻ, Tự quái truyện nói: “Sau khi đã nhóm họp nhau thì phải có lễ, cho nên tiếp theo nó nghĩa là quẻ Lý”. Lễ là chỗ người ta đi tới, là con đường thường xéo lên . Lấy nhu dựa vào cương cũng là ‘lý’, lại nói nhu lý cương mà không nói cương lý nhu, là vì cương cưỡi nhu là lẽ thường, cho nên trong Dịch chỉ nói tới nhu theo cương, mà không nói cương theo nhu – đây là nghĩa ti thuận. Nhĩ nhã – Thích ngôn viết: “Lý là lễ”, hàm ý dẫm đạp không phạm lễ giáo. Thượng Bỉnh hòa nói: “Thái Huyền đã so sánh nó với lễ, không gì to hơn lễ trong sự phân trên dưới, định tôn ti; Người ta khi xử thế, không gì lớn hơn vậy”. Chu Hy nói: “Lý, có nghĩa dẫm đạp mà tiến, còn kiêm cả ý thận trọng noi theo lễ mà đi”. Theo vậy, nay dịch ‘lý’ là ‘thận trọng trong đi lại”.
Wilhelm bình giải: “Tình cảnh hết sức khó khăn. Cái mạnh nhất và cái yếu nhất lại nằm kề bên nhau. Người yếu đi sau lưng người mạnh và làm nó lo sợ. Người mạnh tuy vậy đồng ý và không làm thương tổn người yếu, vì sự tiếp xúc đều trong tinh thần thoải mái vô hại. Trong tình huống nhân loại cụ thể, chúng ta phải xử lí những người có bản tính hoang dại, khó kiềm chế, nhưng chúng ta sẽ đạt đến mục đích nếu biết cư xử một cách ôn nhu hòa nhã. Phong cách dịu dàng thành công ngay cả với những người bẳn tính nhất”.
Thoán viết: Lý, nhu lý cương dã, duyệt nhi ứng hồ Càn, thị dĩ “Lý hổ vĩ, bất chất nhân, hanh”. Cương trung chính, lý đế vị nhi bất cữu, quang minh dã.
Thoán truyện nói: “Thận trọng trong đi lại”, cũng như kẻ âm mềm thận trong đi sau kẻ dương cứng, lấy sự hòa dựu ứng với với sự mạnh khỏe, cho nên nói “cẩn thận khi đi sau đuôi hổ, hổ dữ không cắn người, hanh thông”. Lại như những bậc dương cứng ở ngôi giữa giữ chính, cẩn thận giẫm lên ngôi vua mà trong lòng không có gì phải áy náy, bởi thế đã tỏ được đạo đức trong sáng.
Chú thích: nhu, chỉ quẻ Đoài thể nhu, cương, chỉ quẻ Càn thể cương. Nhu lý cương, câu này nói lên nghĩa của quẻ Lý chủ về mềm giẫm lên sự nguy, tức là điều mà lời quẻ nói “giẫm lên đuôi hổ”; Đoài lấy đẹp lòng thuận ứng với Càn cương mà xéo theo, đó là dưới thuận với trên, âm theo dương là chí lý trong thiên hạ. Vương Bật nói: “Thể của cả quẻ là ở hào Sáu Ba; ‘lý hổ vĩ’ nói lên sự nguy của nó. Hào Ba là chủ quẻ Lý, là mềm giẫm lên cứng, thì giẫm nguy vậy”.
Hào Sáu Ba ở thể Đoài, ứng với nó là quẻ Càn, có tượng hòa dịu ứng hợp với mạnh khỏe, lại thêm đức của Càn là cứng chính, do đó giẫm lên đuôi hổ mà hổ không cắn. Vương Bật nói: “Giẫm lên đuôi hổ mà hổ không cắn, ứng với quẻ Càn vậy”. Trong Dịch, khi xác định được hào làm chủ, thì thường các hào khác phải ứng với nó, như quẻ Mông nói ‘chí ứng’, quẻ Sư nói ‘cương trung nhi ứng’, đó là cương nhu tương ứng;
Cương trung chính chỉ hào Chín Năm; cữu, là sai sót tì vết, vết đau hại cho sự đi. Câu này nói về tượng hào Năm trung chính, tán dương cái đẹp của đức Lý, Khổng Dĩnh Đạt nói: “Lấy cứng ở giữa, được ngôi chính, ở ngôi cao, là ‘cương trung chính lý đế vị’ vậy; cứng, giữa mà ở ngôi vua, không có tì vết là do đức trong sáng vậy”. Chu Hy nói: “Lấy quái thể giải rõ nghĩa hào Năm vậy”. Ngô Lâm Xuyên nói: “Cương mà được trung chính, đó là đức không bệnh. Không bệnh thì được quang minh”.
Tượng viết: Thượng thiên hạ trạch, lý; quân tử dĩ biện thượng hạ, định dân chí.
Tượng truyện nói: Trên là trời, dưới là đầm (có sự phân biệt tôn ti), tượng trưng cho “thận trọng trong đi lại” (theo Lễ); người quân tử do vậy phân biệt danh phận trên dưới, uốn nắn ý chí theo Lễ của trăm họ.
Chú thích: Trình Di chú giải: “Trời trên cao, hồ dưới thấp, đó là có chính lý trong tôn ti cao thấp. Việc hành sự của con người cũng nên như thế, nên theo tượng quẻ này hành sử (giẫm đạp) sao cho đúng lý, do đó mới lấy tượng của nó là Lý”.
Định, là định chính, tức là ý quy định ra sự nghiêm chính, khiến mọi người theo thế mà làm; Định chí để lòng thiên hạ quy về một mối: Xưa, bậc công khanh đại phu ở ngôi dưới, đều xứng với đức mà yên phận, ngôi chưa xứng với đức thì được vua cất nhắc; kẻ sĩ học đến được tinh túy thì được vua cầu mà chẳng phải dự định của mình; còn những kẻ nông, công, thương, cố cầu ở việc mà được hanh, thì cũng có hạn định - Thời xưa là vậy. Đời sau, từ kẻ học đến bậc công khanh, thì ngày ngày chí ở chỗ được tôn vinh; những nhà nông, làm thợ, đi buôn, thì ngày ngày chí ở chỗ làm giầu, giao thiệp nhau từ vụ lợi, trên dưới chẳng định chí, như vậy thiên hạ sao được hợp nhất để quy về một mối! Cho nên, người “quân tử” phân biệt rõ định chí rồi tới định chính, chỉ rõ danh phận: ‘hạng ứng với phận’ để định dân chí. Bởi vậy Chu Hy nói: “Phân biệt trên dưới, định dân chí, là ‘lễ’ đó”.
Khổng Dĩnh Đạt nói: “Người quân tử noi theo tượng quẻ Lý này để phân rõ tôn ti trên dưới, để uốn nắn ý chí của dân, khiến tôn ti có được thứ bậc”. Về mối quan hệ giữa Lý với Lễ, theo Tuân Tử - Đại lược Huệ Đống dẫn lời: “Lễ là cái để người ta giẫm đạp. Mất cái giẫm đạp thì sẽ vấp ngã mà rơi xuống nước; cái mất thì nhỏ nhưng sự rối loạn lại lớn. Lễ, là lấy nghĩa ở chỗ đuôi hổ vậy”.
Sơ Cửu, tố lý, vãng vô cữu.
Hào Chín Đầu, chất phác trong trắng không hào hoa, thận trọng trong đi lại, cứ thẳng tiến tất không có cữu hại.
Chú thích: tố có nghĩa là phác tố = chất phác, tố chất, dung dị. Theo Hoàng Kì Thọ giảng: “Hào Đầu quẻ Lý nên giữ lễ đơn sơ chất phác của kẻ bề dưới”. Ở đây nói hào Chín Đầu ở đầu quẻ, ở yên giữ lễ, thấp kém đạm bạc, lấy đó làm cái ‘giẫm đạp’ mà đi thì tất không hại. Vương Bật cũng cho rằng: “Ở đầu quẻ Lý, mở đầu việc hành sự cẩn trọng, nguyên tắc của hành sự cẩn trọng là ghét sự tô điểm hào hoa bên ngoài, cho nên cứ giản dị tự nhiên thì không lầm lỗi”. Quẻ Tiểu súc lấy hào Đầu và hào Bốn một âm làm tương ứng (quẻ phản), mà biết ‘phục tự đạo’, cho nên được cát.
Wilhelm bình luận: “Chúng ta đang trong một hoàn cảnh không bị các nghi thức xã giao trói buộc. Nếu cư xử giản dị, sẽ tránh được các phiền toái nghi lễ. Cứ lặng lẽ đi theo sở thích cá nhân nếu chúng ta cảm thấy hài lòng và không nên đòi hỏi ở mọi người nhiều quá. Một người có thừa năng lực, nhưng vẫn giản dị trong phong cách ứng xử, vì anh ta muốn tiến bộ trong việc thành tựu đại nghiệp”.
Muốn vươn lên rũ bỏ thân phận hiện tại, đó là tượng người không yên mà quyết chí cầu tiến. Nhưng đường tiến vốn định sẵn, quá nôn nóng bạo động sẽ trở thành mù quáng lạc mất hướng đi đã có sẵn.
Tượng viết: “Tố lý chi vãng”, độc hành nguyện dã.
Tượng truyện nói: “Tố chất không hào hoa, thận trọng mà thẳng tiến”, nói lên ý nguyện của hào Đầu là một lòng đi theo lễ.
Chú thích: độc như nói ‘chuyên tâm’, như nói một mình làm theo chí nguyện là độc chuyên; Chỉ hào Chín Đầu không có tạp niệm, một lòng theo lễ, cứ ở lối cũ mà đi thì lợi chẳng vừa. Trinh Di nói: “Độc, là chuyên. Nếu lòng muốn sáng và lòng hành đạo giao chiến trong lòng, thì há có thể yên phận theo đạo ‘lý’ mà trắng trong chăng ?”.
Khi một người bất mãn với những hoàn cảnh eo hẹp của mình, anh ta sốt ruột, mang nhiều tham vọng và cố gắng thoát khỏi sự đeo bám này. Không phải do ở mục đích công to việc lớn gì, mà chỉ mong muốn làm sao vượt lên trên thân phận mỏng manh, thông qua cách xử sự của mình.
Hồ Bính Văn nói: “Hào Đầu quẻ Lý nói ‘tố’, là lễ lấy chất làm gốc. ‘Bí’ là văn sức, hào Trên quẻ Bí nói ‘bạch’, cực của văn sức phản lại chất. ‘Bạch bí vô cữu’, như vậy tức là ‘Tố lý, vãng vô cữu’ chăng ?”. Lời bình giải này, so sánh ý nghĩa giữa hào Đầu quẻ Lý với hào Trên quẻ Bí rất đáng chấp nhận.
Luận giải Dịch lệ: hào Sơ quẻ Lý biến tới cực, thì hào mang ý nghĩa phản phục với nó là hào nào ? thuộc quẻ nào? Nói về hào đang xét, đó là hào Sơ thể Đoài thuộc quẻ Lý ở vị dưới (111011), hào Sơ là hào dương nên biến thành âm, được thể Khảm (010), thành quẻ Thiên Thủy Tụng (111010), xác định quẻ phản phục từ quẻ Tụng là quẻ Địa Hỏa Minh di (000101). Theo nguyên tắc hào phản phục, thì quẻ phản phục Minh di sẽ biến hào Thượng, được quẻ quẻ Hỗ phản phục là Sơn Hỏa Bí (100101); Như vậy, hào Sơ quẻ Lý tới cực, tạo nên ý nghĩa phản phục tại hào Thượng của quẻ Bí. Đây là nguyên tắc quẻ hỗ phản phục khi hào động biến tới cực, thông qua khảo sát ý nghĩa của lời hào.
Cửu Nhị, lý đạo thản thản, u nhân trinh cát.
Hào Chín Hai, thận trọng đi trên đường lớn bằng phẳng, người điềm đạm u tĩnh biết giữ vững chính bền thì được sự tốt lành.
Chú thích: hào Chín Hai cứng, mà ở giữa thể dưới quẻ Lý, cũng như đi thận trọng trên con đường lớn bằng phẳng, mà đường bằng phẳng thường dễ khiến người ta quên điều cẩn thận. Cương trung chí chỉ muốn tiến, nhưng ở ngôi nhu nên có lời răn ‘u nhân” (điềm tĩnh). Chu Hy nói: “Cương trung mà ở dưới, không có ứng với trên nên có tượng như vậy”.
Quẻ Lý lấy chất dương ở ngôi âm mà làm tốt đẹp; hào Hai và hào Bốn đều đồng dương cương, mà hào Hai có ý thản nhiên, còn hào Bốn có dáng sợ hãi. Sợ là do hào Hai được ở giữa còn hào Bốn không được giữa. Hào Hai với hào Năm chính ứng được tiếng là trung vị, mà hào Hai được ‘trinh cát’ còn hào Năm thì ‘trinh lệ’, là vì hào Hai cương ở ngôi nhu còn hào Năm cương ở ngôi cương. Cho nên, các hào trong quẻ Lý chỉ có hào Hai làm hết nghĩa của đạo ‘lý’.
Trình Di nói: “Hào Chín Hai ở ngôi mềm, rộng rãi lại được chỗ giữa, đi trên đường bằng phẳng dễ đi; tuy đi trên đường bằng phẳng cũng phải là người điềm tĩnh, thì mới có thể chính bền mà tốt”.
Tượng viết: “U nhân trinh cát”, trung bất tự loạn dã.
Tượng truyện nói: “Người điềm tĩnh biết giữ chính thì được tốt lành”, nói lên hào Chín Hai có lòng tin theo lễ, thì tự lòng mình không rối loạn.
Thuyết minh: hào Hai dương cứng lại ở ngôi âm, được ‘trung’ không lệch mà có thể giữ chính được ‘cát’. Hào Đầu với hào Hai đều ở thể ‘duyệt’ đẹp, cho nên đều có lời răn ‘lố lý u nhân’, lại cả hai hào đều không có ứng ở trên, cho nên hào Đầu nói “độc hành nguyện”, còn hào Hai nói “trung bất tự loạn”. Lương Dần nói: “Những kẻ đi trên đường, đi ở giữa thì bằng phẳng, đi ở bên thì gồ ghề. Hào Chín Hai cứng mà ở giữa là kẻ đi trên đường bằng phẳng. Cần giữ mình như vậy, do người quân tử không dễ tự bán mình mà có được sự yên tĩnh, điềm đạm, cho nên là ‘u nhân trinh cát”.
Wilhelm bình luận: “Đây là hoàn cảnh của bậc hiền triết cô độc. Ông lẩn tránh sự huyên náo ồn ào của đời sống, thu mình lại, không bị các mục tiêu quyến rũ làm cho lóa mắt. Trung thực với chính bản thân, ung dung đi trong cuộc sống không bị kẻ khác tấn công trên con đường bằng phẳng. Tự hài lòng và không thách đố với số mệnh, như vậy tránh được biết bao hệ lụy”.
Lục Tam, diểu năng thị, phả năng lý, lý hổ vĩ chất nhân, hung; vũ nhân vi vu đại quân.
Hào Sáu Ba, mắt chột mà cứ cố nhìn, chân què mà cứ cố đi, dẫm lên đuôi hổ bị nó cắn, có hung hiểm; kẻ vũ dũng muốn làm như một bậc đại nhân quân chủ.
Chú thích: diểu theo Thuyết văn giải tự giảng là ‘một mắt nhỏ’; Hoàng Kì Thọ giảng là ‘mắt quáng lòa’.Câu này ví với hào Sáu Ba là âm, ở ngôi dương, không thể thận trọng trong đi lại mà hành động một cách mù quáng, cho nên có tượng ‘hung’. Vương Bật nói: “Ở vào thời của quẻ Lý, là dương mà ở ngôi dương, còn bị cho là bất khiêm, huống hồ lại là âm ở ngôi dương, là mềm mà lại đội cứng thì sao được? Cho nên là chột mà tự phụ là sáng, là què mà tự phụ là đi nhanh; như vậy là giẫm nguy, sẽ bị ‘hổ cắn’ thôi”.
Vũ nhân, tức kẻ vũ dũng, ví với hào Sáu Ba; vi nghĩa là ‘dâng hiến sức’; đại nhân chỉ hào Chín Trên. Câu này nói từ mặt chính diện, nếu hào Ba đi giữa được chính đạo, đem chí vũ dũng phục vụ cho hào Chín Trên, thì trên dưới tương ứng. Khổng Dĩnh Đạt nói: “với sự nhỏ bé của hào Ba, mà muốn làm được như chí của hào Năm thì thật là thậm ngu”. Lý Đạo Bình nói: “Hào Ba ứng với hào Trên, cho nên nói ‘vũ nhân vi vu đại nhân”.
Hào Ba lấy chất âm ở ngôi dương, chí muốn cứng mà thể lại mềm thì làm sao giữ được bền sự đi. Tài đã chẳng đủ lại không được giữa, như thế là xéo không vào chỗ chính. Lấy thể âm nhu mà làm việc cương, xéo như vậy thì vào nơi nguy, vào chỗ nguy ắt có họa hoạn. Dương loại phần nhiều là người khoan hòa nhân hậu; Âm loạn thì phần nhiều là người dũng cảm cường bạo. Dương thì chủ sinh, Âm thì chủ sát; khí dương thì ôn hậu, khí âm thì nghiêm ngưng; như vậy nói hào Ba âm nhu chẳng phải là tượng vũ nhân sao?
Wilhelm bình luận: “Chột mắt thì có thể nhìn thấy, nhưng nhìn không thể rõ ràng. Thọt chân thì có thể đi, nhưng không thể đi nhanh. Nếu bất chấp những khuyết tật như thế và tự cho minh mạnh mẽ, mà lao đầu vào chốn nguy hiểm thì tổ rước họa vào thân, vì làm việc vượt quá sức mình. Cách làm liều lĩnh, đâm đầu vào chốn nguy hiểm như vậy, chỉ có thể biện minh được trong trường hợp một chiến sĩ đấu tranh cho đấng quân vương”.
Tượng viết: “Diểu năng thị”, bất túc dĩ hữu minh dã; “phả năng lý”, bất túc dĩ dữ hành dã; “chất nhân chi hung”, vị bất đáng dã; “vĩ nhân vi vu đại nhân”, chí cương dã.
Tượng truyện nói: “Mắt chột mà cứ cố nhìn”, không đủ để phân biệt rõ vật; “chân què mà cứ cố đi”, không đủ để đi trên dường dài; “sự hung hiểm của việc hỗ dữ cắn người”, nói lên hào Ba ở ngôi không thích đáng; “kẻ vũ dũng muốn làm như một bậc đại nhân”, nói lên chí hướng của hào Ba cứng mạnh.
Thuyết minh: ở ngôi cương là âm nhu nên tài yếu, chí thì cứng, chí cứng thì hay động càn bậy, đó là đi không đúng đường chính, như vũ dũng mà lại làm đại nhân. Hào thì lấy vị làm chí – ví như hào Ba chí ở cương cứng cho nên phải họa, hào Bốn chí ở đi cho nên tránh được họa.
Lời hào Ba dùng liền bốn tượng để ví, ba tượng đầu ‘chột’, ‘què’, ‘hổ cắn’ đều biểu thị ý cảnh báo từ mặt phản diện; còn tượng ‘người vũ dũng’ riêng chỉ sự răn giới từ mặt chính diện; Ba phản diện một chính diện đã khiến cho ý nghĩa của hào thể hiện một cách rõ ràng và thông suốt.
Cửu Tứ, lý hổ vĩ, tố tố, chung cát.
Hào Chín Bốn, thận trọng đi sau đuôi hổ, nén được sự sợ hãi, giữ được sự thận trọng, cuối cùng sẽ được tốt lành.
Chú thích: tố tố (sách sách), có nghĩa là dáng vẻ ‘lo sợ, sợ hãi’, kiêm thêm nghĩa thận trọng. Câu này ví với hào Chín Bốn ở đầu quẻ Trên, không đáng ngôi mà lại gần vua, tuy gần mà không ở, gần vua là chỗ nhiều sợ hãi, lại không có nghĩa tương đắc, nên có nguy cơ ‘giẫm lên đuôi hổ’; nhưng là dương ở ngôi âm, nên có tượng khiêm tốn cẩn thận, biết răn sợ thì cuối cùng sẽ tốt. Chu Hy nói: “Hào Chín Bốn cũng với sự bất trung, bất chính của mình, giẫm lên cái cứng của hào Năm; nhưng nó lấy cứng ở ngôi mềm nên có thể lấy sự răn sợ mà được tốt về sau”.
Tượng viết: “Tố tố chung cát”, chí hành dã.
Tượng truyện nói: “Nén được sự sợ hãi, giữ được sự thận trọng, cuối cùng được tốt lành”, nói lên ý hào Bốn đi với ý thức thận trọng theo lễ.
Thuyết minh: chí ở sự đi mà không ở, đó là dương cương thì hay đi; ở chỗ nhu thì lấy thuận tự xử, đó là cầu tránh chỗ nguy để được cát. Câu ‘lý hổ vĩ’ xuất hiện ba lần trong quẻ; 1 xuất hiện ở lời quẻ, vì tượng của thể trên và thể dưới là “hòa dựu để giẫm lên cứng mạnh”; 2 xuất hiện ở hào Ba chỉ hào Ba đội cứng manh động, làm trái với đạo ‘lý’, nên ‘chất nhân, hung’; 3 xuất hiện ở hào Bốn, vì hào này tuy ở chỗ nguy (?), nhưng lại là cứng ở chỗ mềm, cho nên ‘chung cát’. Sự xuất hiện ở lời quẻ là biểu thị nghĩa của một quẻ; xuất hiện ở lời hào thì làm sáng ý của một hào, ta theo đó để phân biệt.
Cửu Ngũ, quải lý, trinh lệ.
Hào Chín Năm, quả quyết cứng rắn, thận trọng trong đi lại, giữ vững chính bền để phòng nguy hiểm.
Chú thích: quải thông nghĩa với ‘quyết’ dịch chú ở quẻ Quải. Ở đây nói về tượng hào Chín Năm dương cứng trung chính, đàng hoàng trên ngôi vua, ở thời quẻ Lý, có tượng cương quyết cứng rắn, thận trọng trong hành sự; nhưng vì là hào dương cứng ở ngôi cứng, nếu như cương quyết thái quá ắt vi phạm chính đạo, nên lời hào khuyên răn phải giữ chính phòng nguy cơ. Bậc quân vương trong thiên hạ, sáng đủ để chiếu ra ngoài, cương đủ để quả quyết, thế đủ để chuyên trị, vậy mà chưa từng hết những lời nghị luận. Cán Bảo nói: “Quải là quyết, ở ngôi giữa lại giẫm nơi chính, là người chủ quý của quẻ Lý; giẫm lên muôn phương, nhất quyết đi lên trước, sợ rằng cương quyết quá sẽ mất chính, luôn sợ có sự nguy”.
Chu Hy nói: “Hào Năm lấy cương, trung, chính giẫm lên ngôi vua, mà ở dưới có thể hòa đẹp ứng theo, nên quả quyết mà đi, tự lấy làm không nghi ngại, như vậy thì dẫu chính cũng nguy”. Cương quyết quá cứng rắn không khoan nhượng, luôn đi kèm theo sự bất chắc nguy hiểm. Chỉ khi nào ý thức được sự nguy hiểm này, ta mới có thể thành công.
Tượng viết: “Quải lý, trinh lệ.
Tượng truyện nói: “Cương quyết cứng rắn, cẩn trọng hành sự”, nói lên hào Chín Năm ở ngôi chính đáng.
Thuyết minh: Chiết trung nói: “Phàm khi Thoán truyện tán dương thì lời hào của nó sữ không có ‘hung’, không có ‘lệ’, vì sao hào này lại không vậy ? Có thể là đạo ‘lý’ quý mềm, hào Chín Năm là cứng ở ngôi cứng, nên rất cương quyết; tuy nhiên nó có đức trung chính, cho nên thường có tâm trạng lo nguy, bởi vậy khi cương quyết mà hành động cũng không thể quá mức được. “Thượng thư” viết: ‘Trong lòng ưu nguy, như giẫm lên đuôi hổ’, đây phải chăng là ý ‘Giẫm lên ngôi vua mà không áy náy’? Phàm trong Dịch mà viết ‘trinh lệ’, ‘hữu lệ’, thì đều có nghĩa: ‘thường có tâm trạng lo nguy’; như câu ‘trinh lệ, vô cữu’ trong quẻ Phệ hạp, như câu ‘kì nguy nãi quang’ trong quẻ Quải. Tuy nhiên, ‘trinh lệ’ ở đây thì ‘hữu lệ’ ở hào Năm quẻ Đoài đương nhiên theo vậy cả”.
Thượng Cửu, thị lý khảo tường, kì tuyền nguyên cát.
Hào Chín Trên, nhìn lại quá trình hành sự cẩn trọng, soát xét mọi hoha phúc được mất, quay mình xuống dưới ứng với âm mềm, hết sức tốt lành.
Chú thích: tường nghĩa là điềm, tức sự thể hiện cát hung họa phúc; Câu này nói hào Chín Trên ở cuối quẻ Lý, dương ở ngôi âm, có thể bình tĩnh tổng kết những điều được mất của đạo ‘lý’. Vương Bật nói: “Điềm họa phúc, sinh ở nơi Lý, ở cuối quẻ Lý, như thế là đạo ‘lý’ đã thành vậy; cho nên có thể xem quẻ Lý mà xét điềm lành dữ”.
tuyền có nghĩa là ‘xoay chuyển’ giống như xoay người, quay mình. Câu này tiếp ý câu trước, nói hào Trên ở cao, tận cùng của thể Càn, có thể quay cuống phía dưới ứng với hào Ba thể Đoài, là cứng mà muốn quay xuống với mềm, ở quẻ Lý mà giữ được sự cẩn trọng, cho nên được sự tốt rất lớn. Vương Bật nói: “Ở nơi cùng cực mà ứng với Đoài, cao mà không nguy, đó là do việc quay xuống của nó; đạo ‘lý’ như vậy là thành lớn, cho nên ‘nguyên cát’ vậy”. Việc ‘cát hung’có điềm, điềm ấy sinh ra từ sự ‘xéo giẫm’, họa phúc cũng từ đây, nhưng cũng khó mà định được.
Hào Trên của quẻ Tiểu súc và quẻ Lý đều không lấy nghĩa của bản hào. Tiểu súc thì lấy sự nuôi chứa đã cùng, Lý thì lấy sự xéo giẫm đã cùng, nhưng sự cùng chót của hai quẻ lại có khác, Tiểu súc thì nói ‘hung’ mà Lý thì được ‘nguyên cát’. Phầm là các việc thiện được chín phần thiện mà một phần chẳng thiện, thì cũng là chưa hoàn toàn, chưa đạt tới chí thiện. Cho nên Chu Hy nói xem họa phúc là ở chỗ xéo giẫm cũng thật khó mà định được vậy.
Tượng nói: “Nguyên cát tại thượng”, đại hữu khánh dã.
Tượng truyện nói: “Hết sức tốt lành, ở ngôi cao trên cùng”, nói lên hào Chín Trên có phúc lớn.
Thuyết minh: đại hữu khánh chỉ thời của hào Chín Trên, đạo Lý đã thành công lớn, cho nên trên dưới đều có phúc. Ngu Phiên nói: “Bậc vương giả Lý Lễ ở trên, thì muôn phương được phúc ở dưới”. Người ta xéo giẫm vào điều thiện thì tốt, giữ được chu toàn cho đến cùng là người có phúc lớn vậy. Khâu Kiến An nói: “Thoán nói ‘lý hổ vĩ’ là tượng giẫm, đạp, xéo. Hào Đầu và hào Trên là đầu cuối của sự ‘giẫm xéo’, hào Đầu thì nói ‘vãng’ hào Trên thì nói ‘nguyên cát’. Bốn hào giữa thì lấy cương giẫm xéo nhu thì cát, nhu giẫm xéo cương thì hung, cương xéo cương thì nguy. Cương thì hay nhưng chẳng khing thường mà đi. Hào Hai nói ‘u nhân trinh cát’, hào Bốn nói ‘tố tố chung cát’. Lấy nhu xéo cương thì có đi cũng là đi gượng mà không đi được. Hào dương ở ngôi âm là khiêm, cho nên quẻ Lý lấy dương ở ngôi âm làm tốt”.
Hào Sáu là hào cuối cùng, hào Trên cùng của quẻ Dịch, phần nhiều mang triết lý ‘vật cực tất phản’, do vậy các hào thường có tượng ‘hung’. Nhưng hào Trên quẻ Lý lại là ‘nguyên cát’, có thể thấy nghĩa tùy “thời” trong Dịch thật là sâu rộng.
LỜI BÀN
Quẻ lấy tên là Lý, được dùng để ví với lẽ khi đối nhân xử thế ta phải theo lễ giáo mà hành động. Lời quẻ “Lý hổ vĩ, bất chất nhân” thể hiện một hình tượng ngụ ý cẩn trọng trong hành xử, thận trọng trong đi lại, dù nguy cũng vô hại.
Sau hào trong quẻ, tùy theo ngôi vị, tính chất khác nhau, lần lượt nói từng tình trạng khác nhau: hào Đầu ở dưới phải giữ sự ‘tố’; hào Hai phải kiên trì chữ ‘trung’ mà không loạn; hào Bốn phải kìm nén sợ hãi, cần thận trọng; hào Năm cương quyết theo lễ; hào Trên đạo ‘lý’ đại thành. Cả năm hào này, đều lấy chất dương cứng của mình, xử lý tốt đẹp mọi việc của bản thân mình, hành xử không phạm lễ giáo, nên phần lớn được ‘vô cữu’, ‘cát’, ‘nguyên cát’, trong đó hào Năm tuy được răn là ‘nguy lệ’, nhưng nếu có thể ‘trinh’ thì vô hại. Duy hào Ba âm mềm mà hăng hái tiến lên, có hung là ‘lý hổ vĩ, chất nhân’, nhưng nếu cố gắng ‘sửa sai theo chính’ thì tránh được nguy
Nhìn suốt toàn quẻ, đều từ hai mặt chính diện và phản diện mà răn giới, dùng ‘nguy từ’ để răn giới một cách rất sâu. Hồ Bính Văn nói: “Khi người ta vào đời, phần lớn là có nguy cơ, nếu bị thương tổn, thì không thể thấy được cách ăn ở phải như thế nào. Đại truyện nói ‘Dịch mà dấy lên được phải chăng là việc của Văn Vương và Trụ Vương, bởi thế nên lời của nó là nguy. Nhưng nguy, thì cũng không gì nguy bằng lời ‘lý hổ vĩ’. Trong chín quẻ có sự ưu hoạn, thì quẻ Lý ở đầu”
Chu dịch bản nghĩa thông thích viết: “Trong thoán truyện, nếu ta phân tích câu ‘cứng, trung, chính; giẫm lên ngôi Vua mà không áy náy’ , thì có thể thấy ý nghĩa tượng trưng của quẻ này hàm ý khuyên cáo, răn giới kẻ thống trị”. Tân tự - Tạp sự tứ có ghi chép: “Khổng Tử nói với Lỗ Ai Công rằng ‘Khâu này nghe nói: vua là thuyền, dân là nước. Nước có thể trở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền’. Nếu nhà Vua lấy đó mà nghĩ tới sự nguy, thì nguy sẽ thành an, nó sẽ không xảy ra nữa ! Ôi, nắm vận mệnh quốc gia, ở ngôi trên của dân, đáng sợ sao như cầm cương mục mà ngồi trên ngựa phi. Dịch nói ‘lý hổ vĩ’; Thi nói ‘như lý nhạc băng’ (như giẫm lên băng): chẳng cũng nguy sao !”.
Có thể thấy ý nghĩa tượng trưng trong quẻ Lý bao hàm rất sâu rộng, điểm này cũng là thực tế đặc trưng chung của 64 quẻ trong Dịch.
Không ai chết về pháp luật, mà chỉ chết về đường ăn lẽ ở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét