Quẻ Quải

        Quải, dương vu vương đình, phu hiệu hữu lệ ; cáo tự ấp, bất lợi tức nhung ; lợi hữu du vãng.
        Quẻ Quải tượng trưng cho sự quyết đoán: có thể công bố (công khai) tội ác ở trốn pháp đình, đồng thời kêu gọi chúng dân cảnh giới với sự nguy hiểm; lúc này nên ban bố chính lệnh, bất lợi về sự dấy binh xuất quân dùng vũ lực; như vậy sẽ lợi về có sự đi.
      Thuyết minh: Án, nghĩa chữ “quải” là “quyết đoán”, “quả quyết”, ở đây chỉ “dương cứng” xử tội một cách quyết đoán đối với “âm mềm”, trong quẻ cấu trúc năm hào dương và hào Sáu là hào âm, chính hợp với tượng quẻ Quải. Khổng Dĩnh Đạt nói “Quải là xử tội. Quẻ này thì âm giảm dương tăng, dương tăng lên đến năm hào, năm hào dương cùng xử tội một hào âm, cho nên gọi là Quải”.
        Lấy hai thể để xét, đầm hồ là nơi chỗ nước quy tụ, mà ở trên là chỗ rất cao nên có tượng vỡ lở. vương đình theo Khổng Dĩnh Đạt giảng là 'Nơi ở của trăm quan', ở đây ý chỉ khi xử tội, nên tuyên bố một cách quang minh chính đại nơi 'vương đình', lấy sự việc này để ví với tình trạng 'công chính vô tư' ở thời 'cứng xử tội mềm' - Khổng Dĩnh Đạt nói "Với việc người quân tử xử tội kẻ tiểu nhân, mà đề cao được việc quyết đoán nơi vương đình, để tỏ rõ sự công chính mà vô tư".  
        Phu hiệu theo Trình Di giảng "Phu là điều tin ở trong lòng, tức là thành ý; hiệu là ra lệnh cho nhiều người. Đạo người quân tử tuy lớn thịnh, mà không dám quên sự răn ngừa, cho nên dùng sự chí thành để ra lệnh cho mọi người, khiến họ biết còn có sự nguy . Tuy dùng sự quá thịnh ở bên này để xử tội sự quá xuy ở bên kia, nhưng nếu thấy việc dễ không phòng ngừa thì sẽ hối hận vì không có sự dự phòng; là nếu như còn có điều nguy tất phải có lòng răn sợ, như vậy sẽ không có sự lo lắng". Thánh nhân đặt ra lời răn là có thâm ý vậy.
       Từ Tiến Trai bàn luận "Dương cương thật lớn ở chót, chẳng nên có âm mềm chưa hết, trừ ác phải trừ tận gốc, tuy thời thịnh trị cũng chẳng nên thấy kẻ tiểu nhân thế cô mà bảo chẳng làm gì, được mà chẳng trừ hết thì ác nghiệt vẫn còn, mà sau sinh loạn chẳng xoay chuyển được thì cái họa càng thêm dữ, cho nên thánh nhân răn rất sâu xa".
        Tức nhung có nghĩa là dấy binh, ra quân; câu này nói sâu thêm "cứng xử tội mềm" là lấy "đức" để xử, chứ không dành thằng lợi bằng vũ lực, vì nó bất thiện. Vương Bật nói "Lấy dương cứng để xử một cách quyết đoán, tuyên bố tội ác trước công chúng, rồi lấy lòng chí thành để ban lệnh là khả dĩ vậy. Cáo tự ấp nghĩa là ban hành mệnh lệnh tới tận thôn ấp. Dùng cứng mà dấy binh xuất quân, tức là chuộng sức để thủ thắng, thì kẻ tiểu nhân sẽ đồng tật vậy" (đồng tật có nghĩa là kẻ tiểu nhân cũng sẽ phạm tội). Năm hào dương quyết một âm thì sức có thừa, nhưng chẳng nên dùng cương thái quá, thái quá như hào Thượng quẻ Mông thì biến làm giặc.
        Vương Bật nói "Đức cứng dần tăng lên, nhu tà dần mất đi, cho nên 'lợi hữu du vãng', đạo do vậy thành", chỉ rõ ở thời 'quải' thì lợi ở sự cứng không lợi ở sự mềm.
        Chu Hy nói "Quải là quẻ về tháng Ba, dương quyết âm ắt phải kể tội chính của nó, để hô hào quần chúng cùng hợp sức lại; nhưng cũng có sự nguy, chẳng nên yên mà phóng túng, nên trước trị riêng mình, mà chẳng nên chuyên dùng uy võ, thì có lợi ở sự đi".
        Lập ý của quẻ Quải bao hàm triết lý đấu tranh mâu thuẫn giữa các sự vật đối lập trong giờ phút then chốt, hoặc còn hoặc mất không thể điều hòa, chính khí phải áp đảo thắng thế trừ sạch tà khí (cương quyết làm rõ vấn đề phế bỏ, chấm dứt chính sự lớn).

       Thoán viết: Quải, quyết dã, cương quyết nhu dã; kiến nhi duyệt, quyết nhi hòa. "Dương vu vương đình", nhu thặng ngũ cưng dã; "phu hiệu hữu lệ", kỳ nguy nãi quan dã; "cáo tự ấp, bất lợi tức nhung", sở thượng nãi cùng dã; "lợi hữu du vãng", cương trưởng nãi trung dã.
        Thoán truyện nói: Quải, có nghĩa là quyết đoán, cũng như quân tử dương cứng quả quyết xử tội tiểu nhân âm mềm; do vậy có thể dùng sự cứng khỏe khiến mọi người lòng vui mà chân thành thuận phục, thông qua khí thế quả quyết đưa đến sự hài hòa cho chúng dân; "Công bố tội ác ở chốn pháp đình", nói lên một hào mềm của quẻ này mặc sức cưỡi trên năm hào dương cứng; "lấy lòng thành tín kêu gọi chúng dân cảnh giới với sự nguy hiểm", nói lên ý mọi người phải luôn lo nguy thì mới có thể xử sự với đạo Quải quang minh chính đại; "ban bố chính lệnh tới tận thành ấp, bất lợi về sự dấy binh xuất quân", nói lên nếu lạm dụng vũ lực sẽ khiến cho việc xử sự đạo Quải phải khốn cùng; "lợi về có sự đi", nói lên dương cứng thịnh trưởng, cuối cùng tất sẽ chiến thắng âm mềm.
        Chú thích: cương chỉ năm hào dương trong quẻ; nhu chỉ một hào âm Sáu Trên. Câu này lấy tượng sáu hào, nói rằng "quải" có nghĩa là quyết trừ, ý chỉ dương cứng quyết trừ âm mềm, có nghĩa quân tử quyết trừ tiểu nhân. kiện chỉ quẻ Càn dưới, duyệt chỉ quẻ Đoài trên, câu này chỉ về thời "quải", với chất cứng khỏe là có thể quyết trừ, khiến mọi người phải vui lòng thuận phục, khiến chúng dân vui cùng hòa nhịp điệu. Vương Bật nói "Mạnh mà vui, là quyết trừ mà lại hòa hiệp đó", Khổng Dĩnh Đạt nói "Càn mạnh mà duyệt vui, mạnh thì có thể quyết, duyệt thì có thể hòa". Nhu chỉ hào Trên, ngũ cương tức năm hào dương trong quẻ. Câu này giải thích lời quẻ "dương vu vương đình", có nghĩa sáu hào trong quẻ có tượng một hào âm 'cưỡi, lấn' năm hào dương, cũng như tiểu nhân làm điều ác, thì phải quyết xử tội chúng ở nơi 'vương đình'. Vương Bật nói: "Cương đức cùng tăng lên, một mềm đối nghịch, tất cả cùng đồng lòng diệt nó mà không một ai ngần ngại, cho nên phải 'dương vu vương đình". 
        Kì nguy nãi quang dã - câu này giải thích lời phu hiệu hữu lệ, nghĩa là lúc này nên làm cho mọi người phải có lòng biết lo sợ, cảnh giác phòng ngừa dài lâu, được vậy thì quân tử ở đạo Quải mới có thể chính đại quang minh. Trình Di nói: "Hết lòng thành tín để ra lệnh cho chúng dân, mà lại biết lo sợ, thì đạo quân tử mới khỏi lo mà chính đại quang minh". Đã gọi là Đạo thì quý ở biết suy xét mà chẳng quý ở cấp bách.
        Sở thương nãi cùng dã câu này giải thích lời quẻ cáo tự ấp, bất lợi tức nhung, nghĩa là nếu tức nhung thì đó là lấy thượng vũ để xử đạo Quải, không phải lấy đức giành thắng, thì đạo tất cùng. Khổng Dĩnh Đạt nói: "Đạo lấy cứng để thắng không thể thường hành được, nếu chuyên dùng sự uy nghiêm và mạnh mẽ, thì sẽ dẫn đến 'tức nhung', như vậy là do chuộng vũ lực mà thủ thắng, tức quyết trừ mà không hòa hiệp, đạo nó tất cùng". Quyết trừ âm tà thì đạo dương cứng được thuần nhất, đây là một động thái muôn thủa. Và khi chỉ nhất quyết làm kiên, nhằm khống chế nhu tà cam tâm rút lui thì chẳng phải khó nhọc gì !
         Cương trưởng nãi chung dã câu này giải thích lời quẻ lợi hữu du vãng, chỉ về đạo Quải thành ở chỗ 'đức cứng thịnh trưởng', ắt là lấy dương cứng thủ thắng, mà âm mềm thì cáo chung. Vương Bật nói: "Đức cứng dần tăng, nhu tà dần giảm, cho nên 'lợi hữu du vãng', đạo thế là thành"; Khổng Dĩnh Đạt nói: "Đạo thành, cứng tăng mà mềm giảm, đạo Quải thành vậy".

        Tượng viết: Trạch thượng ư thiên, quải; quân tử dĩ thị lộc cập hạ, cư đức tắc kị.
        Tượng truyện nói: Nước đầm hóa thành khí bay lên trời (quyết là sẽ mưa xuống), tượng trưng cho sự quyết đoán; người quân tử do vậy phải quả quyết đưa ân huệ xuống cho dân chúng, nếu tích đức huệ không được đưa xuống (cho dân) tất sẽ bị oán ghét.
        Chú thích: 'Tập giải' dẫn lời Lộc Tích nói "Hơi nước bốc lên trời, quyết là sẽ rơi xuống thành mưa, cho nên nói quải". Thượng Bỉnh Hòa giảng: "Lộc nghĩa là ân huệ", là tích tụ, 'cư đức' và 'thị lộc' đối nhau trước sau. 'Thuyết văn' viết "kị nghĩa là căm ghét vậy". Quan sát hình tượng "đầm, hồ ở trên trời" của quẻ Quải, biết rằng không thể tích chứa thái quá mà không đưa xuống. Lai Tri Đức nói: "Nói rằng ơn huệ là ở nơi vua, nên gia ơn, không thể tích chứa ân huệ; tích chứa ân huệ như vậy thì bậc nhân quân sẽ bị oán ghét nhiều".
        Vương Bật giảng: "Hồ ở trên trời, chắc tưới thấm xuống dưới, đó là nghĩa trên ban lộc xuống dưới vậy", khi chỉ biết nói xuông chuyện đạo nghĩa thì chúng dân chắc hẳn không ưa, sẽ dần mất lòng tin. Từ Tử Hùng chú thích cư đức tắc k giảng giải là: "Không dám tự hào về công trạng của mình, xem đó là điều tối kị".
        Quẻ lấy tên Quải là chỉ ý quyết đoán, Thoán truyện lấy tượng của sáu hào "cứng quyết trừ mềm" để giải thích, cũng chính là thể hiện ý hướng quân tử quả quyết xử tội tiểu nhân. Nhưng Đại tượng truyện lại căn cứ vào hình tượng  "đầm, hồ ở trên trời" của thể trên thể dưới để mở rộng nghĩa "đưa ân huệ xuống" thì lại tương phản với "cứng quyết trừ mềm". Lai Tri Đức cho rằng: "Hai câu này Khổng Tử cho là nó sinh ra từ chữ 'trạch', không phải sinh ra từ chữ 'quải". Thượng Bỉnh Hòa chỉ rõ thêm: "Lời tượng cứ mỗi khi định nghĩa mà có chỗ tương phản (với lời Thoán), thì thực ra nghĩa của chúng cũng là thống nhất". Lời bàn này rất đúng.

        Sơ Cửu, tráng vu tiền chỉ, vãng bất thắng vi cữu.
        Hào Chín Đầu, mạnh ở ngón chân trước, mạo hiểm tiến lên phía trước tất không thủ thắng, ngược lại sẽ dẫn đến cữu hại.
         Chú thích:  chữ chỉ là 'ngón chân' và cũng là 'bàn chân', thời cổ dùng thông nhau; về chữ tráng thì Bạch Thư Chu Dịch chép là sàng (giường), Đặng Cầu Bá và Trương Lập Văn đều thống nhất cho rằng chữ này là giả tá của "thương" (bị thương), và giảng: "Trong lúc xung phong chiến đấu ngón chân đã bị thương, nếu cứ tiếp tục tiên lên, sợ rằng không thể thắng mà còn có thể đại bại".
        Đi mà chẳng nên thường là quyết làm quá, cho nên nói: muốn đi mà lại không đi được thì lầm lỗi. Ở thời quyết mà đi, đi là quyết vậy, lấy thắng phụ mà nói thì Cửu ở Sơ mà mạnh ở tiến là bạo động đó vậy, cho nên có lời răn bất thắng. Âm ở tận ngôi cao mà Sơ muốn quyết nó, khác gì kẻ áo vải mà luận với người quyền thần, khi đi mà không có khả năng hoàn thành công việc, chẳng lượng sức mình mà đi thì không được là phải lắm. Đã quyết tiến một cách mạnh mẽ mà không chiến thắng được thì sự quyết đó là tội lỗi.
        Hào Đầu dương cứng ở ngôi dưới, cũng như 'mạnh ở ngón chân trước', là tượng quả quyết thì có thừa mà cẩn thận lại không đủ, gấp tiến lên trước mà lại không có ứng ở trên, cho nên rất khó thủ thắng mà cuối cùng lại gặp họa hoạn.  Vương Bật nói: "Ở ngôi đầu sự mạnh, là khởi thủy của sự quả quyết, nên cẩn thận trong đối sách để tiến hành việc mình; mạnh ở ngón chân trước, tiến lên mà không thắng, gặp cữu hại vậy". Khổng Dĩnh Đạt nói: "Ở ngôi dưới thể mạnh, chỉ muốn quả quyết; khỏe mạnh đi lên trước bằng ngón chân, như vậy mà đi, tất không thể thắng, không phải là chủ ý của sự quyết đoán, cho nên là cữu".
        Tượng viết: Bất thắng nhi vãng, cữu dã. 
        Tượng truyện nói: Không thể thủ thắng mà vội tiến lên, là mời gọi sự cữu hại đến.
        Thuyết minh: thực thi công việc ắt phải đo lường mức độ sự việc có làm được hay không sau mới quyết, lý không thắng được mà cứ cố thực hiện, cứ đi thì hẳn có lỗi. Ví như Lưu Phần muốn bỏ hoạn quan, mà sau lại bị 'khốn' về hoạn quan, đều có lỗi ở chỗ không thắng được quyết mà cứ quyết vậy. Lời hào có ý răn về sự 'thận trọng lúc khởi đầu' (thận thủy), Âu Dương Tu nói: "Đạo dùng cứng của thánh nhân, thường răn sâu ở bước đầu tiên". Do vậy, đạo dùng âm mềm khởi số từ 4.

        Cửu Nhị, thích hào, mộ dạ hữu nhung, vật tuất.
        Hào Chín Hai, lúc nào cũng hô hào cảnh giác, dù nửa đêm có xảy ra chiến sự cũng có thể đối phó, không phải lo lắng.
        Chú thích: hào là hô hào, lời kêu gọi sự cảnh giác đề phòng; Câu này nói hào Chín Hai lấy đức cứng giữa ở thời 'quải' cương đoán lại thận trọng, hào Hai được trung ở ngôi nhu thì chẳng làm quá cương đó là biết giới bị, lại trong thời quyết trừ quyết bỏ tiểu nhân thì càng không thể quên giới bị . Chu Hy nói: "Hào Hai ở thời quyết, cứng mà ở ngôi mềm, lại được đường giữa, cho nên nó biết lo sợ kêu gọi cảnh giác để tự răn giới, phòng ngừa, mặc dù mộ dạ hữu nhung cũng không lo". Hồ Vân Phong nói: "Thích hào, dịch hào, phu hào đều là nghĩa hô hào. Hợp các hào cương mà nói, thì cương thực là phu hào (tin nên đồng lòng hô hào) chỉ về mị dịch hào, sợ mà kêu là một nhu".
        Tượng viết: "hữu nhung vật tuất", đắc trung đạo dã.
        Tượng truyện nói: "Có xảy ra chiến sự cũng không phải lo lắng", nói lên hào Chín Hai có được đạo giữa và thận trọng trong hành động.
        Thuyết minh: đêm tối có giặc là việc rất đáng lo sợ, lại nói chớ lo là biết khéo xử mà phòng bị sẵn. Biết thời thức thế là phép lớn để học Dịch, quyết bỏ tiểu nhân mà được 'trung', vậy thì chẳng phải là 'chính' hay sao?
        Sự chấm câu của hào Hai này có các thuyết pháp khác nhau như "Chiết trung" cho rằng thích hào mộ dạ là một câu, hữu nhung vật tuất là một câu. Nói mộ dạ là thời điểm mà người ta dễ khinh xuất, nên cần phải thích hào là để có sự cảnh giới dè chừng; hữu tuất là điều người ta sợ nhưng lại không vì thế mà lo lắng, nói như vậy là để phải rất cẩn trọng. Nghĩa này cũng thông, có thể coi là một thuyết.

        Cửu Tam, tráng vu cưu, hữu hung; quân tử quải quải độc hành, ngộ vũ nhược nhu, hữu uấn, vô cữu.
        Hào Chín Ba, cường thịnh ở gò má, sự giận thể hiện ở sắc mặt, như vậy tất có hung hiểm; quân tử nên cương nghị quả đoán, riêng mình đi trước (bắt quen với tiểu nhân đợi thời trừ bỏ nó), mặc dù gặp phải cơn mưa âm dương hòa hợp, người bị ướt hết, thậm chí còn bị hiềm nghi, bị người giận, nhưng cuối cùng vẫn có thể xử tội được tiểu nhân mà không gặp cữu hại.
        Chú thích: cưu là xương gò má, Tống Tộ Dân giảng: "tráng vu cưu là gương mặt cường tráng khỏe mạnh", ví như tướng mặt có quyền cốt vững, ý câu này nói lên hào Chín Ba ở ngôi cực thể Càn cương kiện, lấy chất cứng ở ngôi cứng, ứng với hào Sáu Trên, quả quyết quá độ muốn cấp tốc trừ nó, sự giận thể hiện ở sắc mặt làm ảnh hưởng tới đạo đẹp thiện, Chu Hy nói: "Hào Ba dương ở thời 'quyết', là chất cứng mà quá ngôi giữa, ấy là muốn trừ tiểu nhân, mà sự cứng mạnh thể hiện trên mặt, như vậy là có đạo hung".
         Quải quải như nói quyết mà lại quyết, theo nghĩa cương nghị, quả đoán; độc hành chỉ hào Ba riêng đi lên ứng với hào Trên; ngộ vũ trong Dịch nói mưa là nói âm dương hòa hợp, ví với sự gặp nhau giữa hào Ba với hào Sáu. Câu này, từ mặt chính diện nói lên ý 'độc hành', qua lại với tiểu nhân đợi thời. Đương thời chúng dương "quyết" một âm tà, mà riêng mình lại lấy tư ứng tư tình, thời quân tử quyết trừ tiểu nhân, mà một mình tư hòa thì rất dễ có sự hiểu lầm bị người giận. Chu Hy nói: "Nhưng ở trong các hào dương, nó riêng ứng nhau với hào Sáu Trên, nếu biết quả quyết về sự quyết của mình, mà không vướng vào tình yêu riêng, thì tuy hợp với hào Sáu Trên, cũng như độc hành ngộ vũ, đến nỗi dường như bị quân tử giận ghét, nhưng sau chót ắt quyết trừ được tiểu nhân, cho nên vô cữu".
        Tam dẫu ứng với Thượng, mà thực thì lấy cương ở cương, nên có tượng cương quyết, ví như Vương Doãn với Đổng Trác. Lý Sĩ Trân nói: "Giỏi trừ kẻ tiểu nhân, thế mà xưa nay vẫn đi lại với kẻ tiểu nhân, kết giao mà lòng vui, việc đó đã thể hiện giữa hai bên khiến cho (các hào) cùng loài không vui; nếu trong lòng không nghĩ đến chúng (tiểu nhân), thì cuối cùng sẽ không gây hại cho công việc nữa".
        Tượng viết: "Quân tử quải quải", chung vô cữu dã.
        Tượng truyện nói: "Người quân tử cương nghị quả đoán", là nói cương quyết đến tận cùng thì có thể xử tội kẻ tiểu nhân mà không có cữu hại gì.
        Thuyết minh: vướng mắc ở tình riêng là một việc thật khó đưa ra quyết định. Hào Chín Ba tuy ứng với hào Sáu Trên, nhưng với chất cứng ở ngôi cứng là tượng có thể quyết trừ, lấy giải pháp hòa nhu để bỏ nó, lấy hòa với mềm để trừ khử nó thì 'vô cữu'. Chu Tử Ngữ Loại nói: "Người quân tử mà trừ khử kẻ tiểu nhân, không cần thể hiện sự giận trên mặt; còn về việc gặp ngộ vũ mà bị ướt, tuy các hào dương đều giận, mất đi sự ổn định nội bộ, nhưng chí là ở nơi quyết trừ hào âm, tất đến lúc cuối cùng sẽ trừ khử được, cho nên cũng có thể được 'vô cữu".
        Kim Cảnh Phương và Lã Thiệu Phương giảng: "Đại ý hào này muốn nói người quân tử quyết trừ khử bọn tiểu nhân, quan trọng là xem tâm anh ta đã cương quyết hay chưa; tâm nếu đã quyết, tuy tạm thời phải cùng bọn tiểu nhân hòa hợp, bị các đồng chí hiểu lầm, trách móc, nhưng vẫn không lấy làm quan trọng; miễn sao cuối cùng kết quả là tiêu diệt được bọn tiểu nhân, cho nên không có lỗi".

        Cửu Tứ, đôn vô phu, kì hành tư thư; khiên dương hối vong, văn ngôn bất tín.
        Hào Chín Bốn, mông mất da, đi lại chập chững khó tiến; nếu dắt dê thật chắc (khỏe mạnh giống như dương cứng) thì sự hối hận sẽ mất, e rằng lời này không chắc nó đã nghe theo.
        Chú thích: tư thư xưa gọi là từ điệp biến thanh, miêu tả trạng thái đi lại khó khăn, Vương Túc nói: "tư thư là đi lại có trở ngại". Kim Cảnh Phương nói: "Đôn vô phu tức là mông không có thịt, mông mà không có thịt, tức là không thể ngồi, không thể ngồi tức là phải chạy". Bạch Thư Chu Dịch chép là Thần vô phu, như vậy theo Trịnh Huyền chú Khảo công ký thì chữ thần bị chép lầm thành chữ đôn (thư thần tác đôn), nghĩa là thịt tế Thần Tổ không nên có da. Câu này có nghĩa hào Chín Bốn lấy chất dương ở ngôi âm, không đủ cương quyết; muốn dừng cũng không thể dừng vì ba hào dương ở dưới đều tiến, 'cưỡi' lên ba hào cương kiện làm cho tư thế không được yên, muốn đi thì ở ngôi nhu là mất cương tráng, ví như mông bị thương mà chẳng được yên, như vậy mà tiến tất nhiều gian nan.
        Dương là loài vật khỏe mạnh, cứng, dẻo dai, ví với hào Chín Năm, câu này nói lên hào Bốn tuy không đủ cương quyết, nhưng nếu đội kề hào Năm ngôi tôn, ví như dắt khéo chú 'dê' khỏe mạnh, thì có thể bổ khuyết chỗ không đủ mà 'hối vong'; nhưng hào Bốn lại lấy chất cứng mà mất chính, sợ rằng sẽ đến 'nghe lời mà không tin', ý thì riêng mà đi một mình, tất sẽ hung lỗi. Dê là vật hay đi theo bày đàn, nếu tự cường mà đi theo bày đàn, thì có thể mất được sự ăn năn, nhưng ở nhu ắt chẳng thể được.
        Phàm có lỗi mà biết cải, nghe điều thiện mà biết dùng, ép mình theo nghĩa duy người cương minh mới làm được; ở quẻ khác Cửu ở Tứ thì lỗi chưa đến quá như vậy, ở Quải thì hại lắm.
        Vương Bật nói: "Dê là vật ngang ngạnh khó chuyển, là hào Năm. Hào Năm là hào làm chủ quẻ Quải, kẻ dưới không thể lấn, nếu dắt hào Năm, thì có thể được 'hối vong' mà thôi; quá cứng không thể tiếp thu lời nói, tự làm theo ý của mình 'văn ngôn bất tín', cứ như vậy mà tiến hành, thì hung là điều có thể biết vậy".
        Chu Hy nói: "Dương ở ngôi Âm, không trung chính, ở thì chẳng yên, đi thì chẳng tiến, nếu cứ cạnh tranh mà tiến ắt chẳng được; chi bằng theo chúng (bày đàn), mà đi sau thì đi được và có thể mất ăn năn, và nghe nói mà tin, có thể chuyển hung làm cát vậy".
        Tượng viết: "Kì hành tư thư", vị bất đáng dã; "văn ngôn bất tín", thông bất minh dã.
        Tượng truyện nói: "Đi lại chập chững khó tiến", nói lên ngôi vị của hào Chín Bốn không thỏa đáng; "nghe lời này mà không thể tin theo", nói lên hào Chín Bốn mặc dầu nghe thấy mà không thể xét rõ sự lý.
        Thuyết minh: thông theo Khổng Dĩnh Đạt chú: "Thông là nghe"; minh như nói "xét rõ sự lý", Thượng Bỉnh Hòa giảng: "Không rõ, (có nghĩa như) như không xét". Hào Chín Bốn với thể cương quyết không đủ, ý muốn miễn cưỡng mà tiến, đó là điều mà người ta nói là 'lực bất tòng tâm', nên sự đi của nó tất khó tiến. Chiết Trung viết: "Vị bất đáng là ý nói mượn ngôi của hào, để nói rõ rằng hào Bốn chưa đảm đương nổi nhiệm vụ, mà muốn 'chập chững' tiến lên, như vậy là không phù hợp". Lấy chất dương cư ngôi âm thì chí hay bị dao động, ở hào này ý nói mất chí cương quyết. Nghe chẳng rõ là nói Khảm (hào Bốn dương biến âm thành quẻ Nhu), bế tắc bên trong cho nên không được sáng suốt.

        Cửu Ngũ, nghiễn lục quải quải, trung hàng vô cữu.
        Hào Chín Năm, quả quyết trừ kẻ tiểu nhân, như đào tận gốc rau sam mềm ròn, ở đạo giữa đi đường chính thì tất không cữu hại.
        Chú thích: nghiễn là tên một loại cỏ, Khổng Dĩnh Đạt chú: "Đó là loại cây, rễ gỗ, thân nhỏ, dưới cứng trên mềm", Trình Di nói: "Nay gọi là 'mã sỉ nghiễn', là nó vậy, phơi nó khó khô, nhiễm âm khí nhiều mà dòn dễ gãy,  ở đây ví với vật có tính âm tà, chỉ hào Sáu Trên". Câu này nói hào Chín Năm ở thời 'quải', dương cứng trung chính, ở ngôi tôn quý, thân kề hào Sáu Trên âm, có thể dễ dàng quyết trừ nó như đào tận gốc 'rau sam'; nhưng hào Năm ở ngôi 'vua' tôn quý, lại phải thân tự xử tội kẻ tiểu nhân ở sát gần, đủ thấy đức của nó chưa đủ sáng lớn, vì vậy lời hào nói thận trọng đi đường giữa. 
        Vương Bật nói: "Rau sam, loại cỏ mềm giòn, quyết trừ rất dễ, cho nên nói 'quải quải'. Nghĩa của quải là lấy cứng quyết trừ mềm, lấy quân tử trừ tiểu nhân. mà hào Năm ở ngôi tôn quý, rất sát gần kẻ tiểu nhân, bản thân nó tự quyết trừ; Ở ngôi rất cao, mà kẻ đối địch lại ở ngôi rất thấp, tuy có thể thắng mà chưa thắng nhiều; ở ngôi giữa mà đi, đủ để tránh lỗi mà thôi, chưa đủ sáng vậy".
        Diêu Phí Trung dẫn Xuân Thu truyện nói: "Là người trong nước, thấy điều ác phải như người nông phu làm cỏ vậy, phải diệt tận gốc, không để nó sống, không cho nó phát triển tràn lan". Hào Năm bị hào âm che lấp, cho nên 'giữa chưa sáng'. Cứng lớn lên tận phía trên, quyết trừ âm khiến nó đến bước tận cùng, như vậy có thể nói là "nguy của nó sáng lên".
        Hồ Vân Phong nói: "Quyết âm ấy là dương. Sơ là dương nhưng ở dưới chẳng quyết được. Tam và Ngũ ở ngôi dương đáng nên quyết, mà Tam có tình tương ứng, Ngũ có tình tương tị, cho nên đều nói 'quải quải'. Tam lấy cả hai tượng, Ngũ lấy tượng hiện lục, đều là tượng cảm âm, lại cảm khí âm nhiều, nên khuyên lấy 'quải quải'  mà răn lấy trung hàng, Ngũ ở ngôi quyết được, có thế dễ hơn Tam, Tam chỉ có 'quải quải' thì được không lỗi. Quải là quẻ tháng Ba là thời rau sam mới mọc, Cấu là quẻ tháng Năm là thời trái bầu mới sinh, cho nên lấy làm tượng".
        Tượng viết: "Trung hàng vô cữu", trung vị quang dã.
        Tượng truyện nói: "Ở ngôi giữa, đi đường chính tất không cữu hại.
        Thuyết minh: được đạo rất trung chính thì người ta thường có lòng ngay ý thực, đó là ý nói lòng người được đầy thực sáng lớn, Ngũ xét về nghĩa thì chưa muốn quyết nó, là vì người ta trong lòng còn có một điều muốn, ắt là lìa đạo vậy. Tam ứng với Thượng ở thể 'kiện', thì đến trót quyết được mà không lỗi. Ngũ liền với Thượng ở thể 'duyệt', mà Trình Di nói: "Người có lòng muốn thì lìa đạo, việc tuy có chính mà ý còn hệ lụy, cho nên ở trung đạo mà chưa được sáng lớn vậy".
        Trương Tái nói: "Dương gần với âm, không thể không liên lụy, cho nên phải đi đường chính, sau đó mới khỏi lỗi". 

        Thượng Lục, vô hào, chung hữu hung.
        Hào Sáu Trên, không thể kêu gọi, cuối cùng khó tránh sự hung hiểm.
        Chú thích: hào - kêu gọi, kêu gào, gào khóc. Hào Sáu Trên lấy chất âm ở ngôi cùng cực quẻ Quải, là tượng kẻ tiểu nhân lấn cưỡi lên cao làm điều ác; độc một âm ở chỗ cùng cực, đó là "thời cơ" để chúng quân tử quyết bỏ sự nguy cực của tiểu nhân. 
        Chu Hy nói: "Là tiểu nhân ở thời cùng cực, bè đảng đã hết, không chỗ kêu gọi, ắt có hung. Người chiêm mà có đức quân tử thì Dịch được, nếu không thì trái lại". 
        Vương Bật nói: "Ở ngôi cùng cực quẻ Quải, kẻ tiểu nhân ở trên, đạo người quân tử lớn lên, mọi người cùng trừ bỏ, cho nên không cần gào khóc, tình thế tất nhiên bị kéo dài".
        Ở quẻ Bác thấy "bác" một dương thì dễ; ở quẻ Quải thấy 'quyết' một âm thì khó. Đó là vì sự minh bạch sáng suốt khó tiến dễ lui của người quân tử, còn kẻ tiểu nhân thì quyến luyến cấu kết mà chẳng dễ thông.
        Tượng viết: "Vô hào chi chung", chung bất khả trường dã.
        Tượng truyện nói: "Không thể kêu gọi, khó tránh sự hung hiểm", nói lên với tình thế của hào Sáu Trên cuối cùng không thể lâu dài.
        Thuyết minh: sự hung của hào Sáu Trên, cũng giống như kẻ tiểu nhân lấn cưỡi bên trên người quân tử, đắc thế nhất thời, nhưng cuối cùng bị xử tội, buồn bã gào khóc không gọi được ai. 
        Dương cương, đạo người quân tử đã lớn thì càng thịnh, đạo tiểu nhân đã cùng cực tự nhiên phải tiêu vong, dẫu có kêu gọi cũng chẳng làm được gì.

        LỜI BÌNH
       Hồng lâu mộng thuật lời Lâm Đại Ngọc: "Phàm là việc trong gia đình, nếu không phải là gió Đông thổi bạt gió Tây, thì là gió Tây thổi bạt gió Đông". Tuy là ngạn ngữ đời thường nhưng lại bao hàm triết lý ở vào thời điểm quyết định, mọi mâu thuẫn đấu tranh giữa các mặt đối lập của sự vật, hoặc còn hoặc mất, chứ không thể điều hòa được. Quẻ Quải với nghĩa của nó là "quả quyết", chính là từ góc độ âm dương mâu thuẫn quyết liệt, nhấn mạnh ý dương cứng tất phải với một khí phách đầy tính "quyết đoán" để xử tội âm mềm. Nói cách khác, người quân tử phải thanh trừ kẻ tiểu nhân, chính khí phải áp đảo tà khí.
        Ý nghĩa cơ bản của lời quẻ dụ chỉ ba mặt chính yếu: Một là công, chính, vô tư nên công khai phán quyết tội ác của tiểu nhân ở trốn pháp đình; Hai là nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác, tức lấy lòng thành tín kêu gọi chúng dân phòng ngừa những nguy hại do tiểu nhân gây ra; Ba là lấy đức giàng thắng, nói lên lúc này lạm dụng vũ lực là không có lợi, mà phải thông qua sự ban bố chính lệnh để đề cao mỹ đức, khiến mọi người tin phục. Thực hiện tốt được ba điều này, thì việc xử lý cuộc "quải" tất sẽ "lợi về có sự đi".
        Phân tích tượng của sáu hào, thấy một hào âm ở cao trên năm hào dương, thật như kẻ tiểu nhân đắc thế, lấn cưỡi người quân tử, như vậy tất chúng sẽ bị quyết trừ. Hiển nhiên, sự đối sánh lực lượng của các hào âm, hào dương trong quẻ là hết sức chênh lệch, với sự cứng khỏe, thịnh trưởng của năm hào dương mà chế áp sự cô lập, khốn cùng của một hào âm, đủ thấy dương sẽ thắng, âm sẽ bại; kết cục tất nhiên sẽ là chính thì tồn tại, mà tà sẽ tiêu vong. Thoán truyện nêu rằng: cương trưởng nãi chung đã giải nghĩa rõ cái lý này.
        Song, dương cứng tuy chiếm ưu thế, nhưng ta không thể có thái độ coi thường; cho nên lời hào luôn đưa ra ý răn ở thời "quải" có khó khăn: với hào Đầu thì răn rằng tiến lên mà bất thắng tất có lỗi; với hào Hai thì răn phải luôn luôn thích hào; với hào Ba thì răn là cứng khỏe quá mức thì có hung; với hào Bốn thì răn là cương quyết không đủ thì tư thư khó tiến; với hào Năm thì răn là ở ngôi giữa, thận trọng trong hành động mới có thể vô cữu
        Có thể thấy, mặc dầu với sự cường thịnh của năm dương, thì ta vẫn phải triệt để thanh trừ một âm, mà đó cũng không phải là việc nhẹ nhàng dễ dàng gì; ấy vậy mà nếu để tới khi âm thịnh lên, lúc đó mới xử tội chúng, thì sự gian nan dù không cần tưởng tượng ta cũng biết được. Vấn đề này, trọng tâm của người làm Dịch thể hiện ở chỗ người quân tử phải cảnh giác, đề phòng kẻ tiểu nhân một cách hết sức sâu sát. Chiết trung dẫn lời Từ Cơ nói: "Năm hào Cứng lấy sự thịnh tiến để quyết trừ một hào Mềm suy thoái, vì với thể của nó, sự việc dường như rất dễ tiến hành, nhưng thánh nhân không dám do sự dễ dàng này mà lơ là. Cho nên với sự đinh ninh sâu sát của một quẻ Quải này mà đề phòng chu đáo, mà cảnh giác, thì không thể không làm điều gì mà không thành công được".

2 nhận xét:

  1. Nhà binh pháp vĩ đại Tôn Tử của Trung Quốc cho rằng nên làm hao mòn trí lực của kẻ thù hơn là giao chiến với họ.

    Trả lờiXóa
  2. Tháng Hai chuyển tiếp sang tháng Ba,

    Quẻ Đại tráng biến thành quẻ Quải là "kiện tụng".

    ===========================

    Trả lờiXóa