Lý trí và ý chí sinh ra không phải từ trên trời

Nhận thức chỉ là một quá trình tìm kiếm và phát triển tri thức, trước hết là do thực tiễn chế định, là quá trình thường xuyên đào sâu, mở rộng và hoàn thiện tri thức. Đây là sự tương tác giữa khách thể và chủ thể, mà kết quả đó là tri thức mới. Tri thức như một thực tại khách quan, được đem lại trong ý thức của con người. Nó phản ánh, tái hiện một cách lý tưởng các mối quan hệ hợp với quy luật khách quan của thế giới hiện thực trong hoạt động của con người.

Con người là động vật thành công cao nhất, con người cũng không phải là kỳ công sáng tạo cao quý của Chúa có một định mệnh thần thánh, mà con người chỉ là một thử nghiệm của thiên nhiên với một số phận vô định. Người ta không thể đi lùi bước. Ý thức, một thời được coi là cai quản vũ trụ và thấm nhuần trong đó, nay được hiểu chỉ là xuất hiện ngẫu nhiên trong quá trình tiến hóa của vật chất, chỉ hiện hữu trong khoảng khắc, và có đặc tính chỉ là một phần nhỏ hạn hẹp và tương đối vô nghĩa lý của vũ trụ - Con người tinh khôn - mà số phận tiến hoá tối hậu của nó chẳng được bảo đảm gì khác hơn hàng ngàn giống loài khác nay đã tuyệt chủng.

Một thế giới không còn là sự sáng tạo thần thánh nữa, nó đã mất đi một số tính chất tinh thần cao quý, một sự tước đoạt làm con người mủi lòng về cái triều thiên xưa kia của nó. Trong khi thần học Kitô cho rằng, lịch sử tự nhiên tồn tại vì lợi ích của lịch sử nhân loại, và con người sống thoải mái như được ở nhà, trong một vũ trụ dành riêng cho nó, để phát triển trí tuệ. Nhưng tri thức mới về tiến hóa, đã phủ nhận cả hai điều nói trên và coi chúng là ảo tưởng khi lấy con người làm trung tâm

Con người không là một tuyệt đối, những giá trị con người ấp ủ không có cơ sở ở ngoài bản thân nó. Tính tình con người, cả lý trí và ý chí sinh ra từ dưới trần thế này, không phải từ trên trời. Các cơ cấu, chẳng những về tôn giáo, mà về cả xã hội, văn hóa, về cả những lý trí, giờ đây dường như chỉ là những biểu hiện tương đối độc đoán của cuộc đấu tranh sinh tồn sinh học. Giờ đây, con người nhận ra mình đang cưỡi trên sự tiến bộ của đỉnh cao tiến hóa, một thành tích sáng ngời và phức tạp của tự nhiên, nhưng con người cũng vẫn chỉ là một động vật không có chủ đích gì "cao hơn".

Vũ trụ không bảo đảm gì cho sự thành công vốn bất định của các giống loài, nhưng lại bảo đảm một cách chắc chắn sự mai một của từng cá thể khi thân xác chết đi. Trên bình diện vĩ mô và lâu dài hơn, ý thức hiện đại ngày càng tăng về tính ngẫu nhiên của cuộc sống, càng được tăng cường bằng định luật thứ hai của nhiệt động học ở thế kỷ XIX, theo đó vũ trụ chuyển động bộc phát và không thể đổi ngược được từ trật tự sang mất trật tự, về hướng tình trạng cuối cùng của entropy tối đa hay "chết nhiệt". Những dữ liệu chính trong lịch sử loài người, cũng ngẫu nhiên ủng hộ những hoàn cảnh sinh lý và đấu tranh tàn bạo để sống còn, mà rồi cũng chẳng có ý nghĩa gì và rõ ràng hơn.

Freud cũng đã đẩy mạnh những phát triển này, bằng cách áp dụng quan điểm Darwin áp dụng đầy đủ vào tâm thần con người, trình bày bằng chứng rất thuyết phục về sự hiện hữu của những lực vô thức, quyết định những hành vi cử chỉ và tri thức có ý thức. Và như vậy, tâm trí người hiện đại được giải phóng khỏi cái vô thức ngây thơ, có nghĩa rằng giải phóng khỏi cái vô thức về tình trạng vô thức của nó, giúp cho nó hiểu biết chính nó về chiều sâu, nhưng đồng thời cũng bắt nó phải đối diện với hình ảnh đen tối, chẳng lấy gì đáng tự hào về đặc tính thật sự của nó, khi mà khoa phân tâm học hình thành.

Khoa phân tâm học có ích dụng hiển linh với đầu óc con người của thế kỷ XX, vì nó đem lên ánh sáng những độ sâu của tâm linh, phát hiện những giấc mơ, những hành vi và tư tưởng ngông cuồng, các triệu chứng tâm thần có thể hiểu được, soi sáng bệnh học về tình dục của những người bệnh hoạn thần kinh, chứng minh sự quan trọng của những kinh nghiệm thời thơ ấu đối với đời sống trưởng thành có điều kiện, phát hiện mặc cảm ơ-dip (Oedipus), chỉ rõ sự tương quan tâm lý của thần thoại và thuyết biểu tượng, nhận ra các thành phần cấu trúc tâm linh gồm "ngã", "siêu ngã" và cái "ấy" (ego, superego, id), phát hiện cơ chế phản kháng, cơ chế dồn nén, phóng chiếu, và chỉ rõ hàng loạt những tri thức thấu đáo, dàn trải ra đặc tính của trí óc và các động lực nội tâm.

Sự vô thức của con người được đưa ra ánh sáng của lý trí tìm tòi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét