Cùng - Biến - Thông - Cửu.

      Hệ Từ - Hạ truyện viết: "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu". Triết lý của Dịch cho rằng, quy luật của sự vật khi phát triển đến cùng cực thì sẽ biến hóa, khi đã biến hóa thì sẽ thông suốt, khi đã thông suốt thì sẽ lâu bền.
      Khổng Dĩnh Đạt - Chu Dịch chính nghĩa viết: "Đạo của Dịch khi cùng thì tùy theo thời mà biến đổi, khi đã biến đổi thì có sự khai thông, khai thông thì được lâu bền, cho nên nói 'thông' tất 'bền' vậy".
      Du Diễm - Chu dịch tập thuyết viết: "Đến thời biến, thì phải biến, nếu không biến sẽ cùng, đó là đạo có biến tất có thông của Dịch. Có biến sẽ có thông, tức là tùy theo thời. Dân hãy còn hăng hái, chưa thấy mệt mỏi chán ghét, Thánh nhân không được bắt họ từ bỏ cái chí hăng hái đó; dân chưa được yên ổn Thánh nhân không được bắt buộc họ phải hăng hái làm việc. Chỉ đến khi số đã cùng, thời đã biến, lúc đó Thánh nhân nhân đó mà biến thông thúc đẩy, có như vậy dân mới không mệt mỏi. Nếu không dân sẽ cảm thấy phiền nhiễu, chán ghét, làm sao không mệt mỏi được ? Cứ như vậy mà thuận theo, không cần biết lý do tại sao, như vậy là "thần"; thuận hành dần dần biến cải, không cần câu thúc vào ngôn từ để hướng dẫn hành động, như vậy là "hóa". Theo đạo "thần hóa", đó là đạo dạy dân, dưỡng dân của Thánh nhân đấy, nếu không theo đạo đó, tất dân không chịu theo. 
      Đạo của Dịch không có cùng, chỉ có số mới cùng. Số dương cùng ở số 9, số âm cùng ở số 6. Cùng thì biến, biến thì thông, thông thì lâu dài, lâu dài thì lại cùng. Do vậy, "nếu được trời giúp thì tốt, không có cái gì không lợi vậy".
      Theo nghĩa "Dịch biến" và "Dịch bất biến" làm chuẩn mực để sáng tỏ về lẽ động tĩnh của nhân sự: Số cơ ngẫu là 7 - 8 vậy; giao trùng là 6 - 9 vậy. Quẻ vạch theo số 7 - 8 là "Dịch bất biến", hào vạch theo số 6 - 9 là "Dịch biến" vậy. Quẻ tuy là "dịch bất biến", mà trong lại có "dịch biến", thì có nghĩa là 'hanh'. Hào tuy  là "dịch biến", mà trong lại có cái "dịch bất biến", thì gọi là 'trinh'. Phép xem Hồng Phạm dùng hai chữ "trinh - hối", "trinh" tức là tĩnh, "hối" tức là động. Cho nên, nếu thấy tĩnh cát mà động hung thì chớ dùng; Thấy động cát mà tĩnh hung thì chớ xử; Thấy động tĩnh đều tốt thì mọi việc đều tốt; Thấy động tĩnh đều hung, thì trong vòng trời đất không thể trốn đâu cho thoát được.
      Tiên Nho khi nói Quái biến thì chưa có sự chuyển dịch về cương nhu âm dương, đảo ngược vị trí trên dưới. Nay lấy Càn làm Khôn, lấy Thủy làm Hỏa, lấy trên làm dưới, làm rối ren chìm đắm, thường thì tượng Dịch từ đây mà nhầm lẫn vậy.
      Du Việt theo thể lệ Bàng thông "thành Ký tế định" của Ngu Phiên, và phép "thăng - giáng" của Tuân Sảng, bàn chung về cái lý "cùng tất biến, biến tất thông" của các quẻ Dịch.
      Trong Dịch, có 192 hào âm và hào dương "đắc chính", cũng đồng thời tồn tại 192 hào âm và hào dương "thất chính"; Được chính tức là Ký tế định, thất chính sẽ hóa thất chính thành chính, rồi sau đó mới có thể định. Cho nên đối với những quẻ Bàng thông, bỉ thử giao dịch lẫn nhau, thì trong 192 hào, có 96 hào âm gặp hào dương; hoặc 96 hào dương gặp hào âm, do vậy có thể biến dịch được. Có 96 hào âm gặp hào âm, hoặc hào dương gặp hào dương, do vậy không biến dịch. Có thể biến dịch, thì gọi là "thông", không thể biến dịch, thì gọi là "cùng"; Cùng tất sẽ có biến và có phép của sự biến thông, biến tất sẽ có hóa, hóa tất sẽ chuyển từ bất chính thành chính.
      Lại nói rằng, muốn biết Lý "cùng - thông", thì trước hết phải biết lý "thăng - giáng" của âm dương, đây là thuyết của Tuân Từ Minh, muốn biết cái lý "thăng - giáng", trước hết phải biết cái lý "cùng - thông", đây là thuyết của Ngu Trọng Phiên. Tham nhập hai thuyết làm một, đó là do Tiêu Lý Đường.
      Ngu Trọng Phiên nước Ngô thời Tam quốc, thuật lại lời của Đạo sĩ Trần Đào Mộng là thầy dạy mình: nói "Dịch Đạo tại thiên, tam hào túc hĩ", ý nói đạo của Dịch ở tại Trời, chỉ cần ba vạch của quái có thể đủ để ứng dụng phép "chi chính" và phép "thành Ký tế định". Ngô Dực Dần - Dịch Hán học khảo nói: "Cho rằng 64 quẻ đều thành Ký tế, sau đó vị thế của các quẻ sẽ được chính, đó là thuyết của Đạo sĩ, từ câu 'dịch đạo tại thiên , tam hào dĩ túc' vậy".
     Tóm lại, hào quẻ có thể thông với các quẻ khác, thì gọi là "thông", khi hào quẻ không thông với các quẻ khác thì gọi là "cùng". Cùng, mà tự biến đổi âm dương của mình, tức là hóa bất chính thành chính, thì gọi là "biến hóa".
      Quân tử sở lý, Tiểu nhân sở thị = Người quân tử thì cố dấn thân mà đi, còn kẻ tiểu nhân thì chỉ biết đứng nhìn.

      Hệ từ nói: "Phù Dịch thánh nhân chi sở dĩ cực thâm chi nghiên cơ dã" = Thánh nhân nhờ Dịch mà biết được sâu và xét được tinh vi (từ khi sự việc mới manh nha).
      "Quân tử kiến cơ nhi tác" = Người quân tử thấy trước triệu chứng thì ứng phó ngay.


Kháng - Hối

      Li có xut x t hào Thượng Cu qu Càn: "Kháng long hu hi". Ch hành vi quá cng rn, quá khích, dn đến tác hi, phi hi hn.

      Thân giám - Tuân Duyệt đời Đông Hán có câu:

         Dương cực tắc kháng,
         Âm cực tắc ngưng.
         Kháng tắc hữu hối,
         Ngưng tắc hữu hung.


     CÁI NÔI TƯ DUY SUY LUẬN PHƯƠNG ĐÔNG

      Phục Hy chỉ nêu lên cái đại phàm, lấy 1 mà suy ra 3. Tư duy hình tượng là giai đoạn đầu của tư duy, những nét vẽ bát quái của Phục Hy đánh dấu sự bắt đầu tư duy trừu tượng của người phương Đông, mà khởi nguồn là tư duy hình tượng. Dịch chỉ rõ tư duy Thái cực là tư duy căn bản của Dịch, là mô hình tư duy đối lập trong một thể thống nhất. Cho nên tư duy Thái cực cấu thành nên đặc trưng tư duy có tính hệ thống phương Đông.
    Dịch kinh và Dịch truyện đã đưa lý luận âm dương bát quái thành ba nguyên lý chính:

     - Nguyên lý âm dương - trời.

     - Nguyên lý cương nhu - đất.

     - Nguyên lý động tĩnh - người.

      
Dịch thành sách, đạo trời việc người. Dùng Tượng để vận động Số, trong 64 quẻ Dịch, thì 32 quẻ đầu phản ánh quy luật thịnh suy của trời đất, 32 quẻ sau thể hiện sự vận động thay đổi của việc đời việc người. Trời đất với Người thống nhất hợp lại, dùng quan điểm tổng quan để tìm hiểu quy luật trời đất, việc người trong vũ trụ nhân sinh, đây là ưu thế của tư duy hệ thống trong Dịch.
       Nội tượng là cái cực của Lý.
        Ngoại tượng là cái cùng của Vật.


       "Hệ từ - Hạ truyện" viết: "Dịch chi hưng dã kỳ vu trung cổ hồ ? Tác dịch giả kỳ hữu ưu hoạn hồ" (Sự hưng thịnh của Dịch, vào thời Trung cổ chăng? Vì có ưu lo hoạn nạn mà làm Dịch chăng ?)
  "Chu dịch chính nghĩa" - Khổng Dĩnh Đạt giải thích: "Tượng của Hào và Quẻ của Dịch do Phục Hy đời Thượng cổ làm ra, trình độ tư duy lúc đó còn chất phác, thánh đạo vừa mới được mở mang, do vậy chỉ cần trực quan ở Tượng cũng đủ để giáo hóa. Nhưng đến đời Trung cổ lại khác, Lý và Sự phong phú và sâu sắc hơn nhiều, chỉ dùng Tượng thôi thì không đủ nói hết, mà phải cần đến văn từ, để chỉ ra sự biến động cát hung, do vậy Hào từ xuất hiện".  
  Ông lại nói "Nếu không có ưu tư hoạn nạn, thì làm gì có suy nghĩ trăn trở? thì chẳng cần làm Dịch. Nay đã làm ra Dịch, đủ biết là có ưu lo hoạn nạn. Bản thân mình đã mắc vào ưu lo hoạn nạn, nên đặt ra cách thức dạy cho người sau phòng tránh chuyện ưu lo hoạn nạn, do vậy nhờ vào văn từ để nói rõ sự được - mất, xấu - tốt vậy".