Lý trí và ý chí sinh ra không phải từ trên trời

Nhận thức chỉ là một quá trình tìm kiếm và phát triển tri thức, trước hết là do thực tiễn chế định, là quá trình thường xuyên đào sâu, mở rộng và hoàn thiện tri thức. Đây là sự tương tác giữa khách thể và chủ thể, mà kết quả đó là tri thức mới. Tri thức như một thực tại khách quan, được đem lại trong ý thức của con người. Nó phản ánh, tái hiện một cách lý tưởng các mối quan hệ hợp với quy luật khách quan của thế giới hiện thực trong hoạt động của con người.

Con người là động vật thành công cao nhất, con người cũng không phải là kỳ công sáng tạo cao quý của Chúa có một định mệnh thần thánh, mà con người chỉ là một thử nghiệm của thiên nhiên với một số phận vô định. Người ta không thể đi lùi bước. Ý thức, một thời được coi là cai quản vũ trụ và thấm nhuần trong đó, nay được hiểu chỉ là xuất hiện ngẫu nhiên trong quá trình tiến hóa của vật chất, chỉ hiện hữu trong khoảng khắc, và có đặc tính chỉ là một phần nhỏ hạn hẹp và tương đối vô nghĩa lý của vũ trụ - Con người tinh khôn - mà số phận tiến hoá tối hậu của nó chẳng được bảo đảm gì khác hơn hàng ngàn giống loài khác nay đã tuyệt chủng.

Một thế giới không còn là sự sáng tạo thần thánh nữa, nó đã mất đi một số tính chất tinh thần cao quý, một sự tước đoạt làm con người mủi lòng về cái triều thiên xưa kia của nó. Trong khi thần học Kitô cho rằng, lịch sử tự nhiên tồn tại vì lợi ích của lịch sử nhân loại, và con người sống thoải mái như được ở nhà, trong một vũ trụ dành riêng cho nó, để phát triển trí tuệ. Nhưng tri thức mới về tiến hóa, đã phủ nhận cả hai điều nói trên và coi chúng là ảo tưởng khi lấy con người làm trung tâm

Con người không là một tuyệt đối, những giá trị con người ấp ủ không có cơ sở ở ngoài bản thân nó. Tính tình con người, cả lý trí và ý chí sinh ra từ dưới trần thế này, không phải từ trên trời. Các cơ cấu, chẳng những về tôn giáo, mà về cả xã hội, văn hóa, về cả những lý trí, giờ đây dường như chỉ là những biểu hiện tương đối độc đoán của cuộc đấu tranh sinh tồn sinh học. Giờ đây, con người nhận ra mình đang cưỡi trên sự tiến bộ của đỉnh cao tiến hóa, một thành tích sáng ngời và phức tạp của tự nhiên, nhưng con người cũng vẫn chỉ là một động vật không có chủ đích gì "cao hơn".

Vũ trụ không bảo đảm gì cho sự thành công vốn bất định của các giống loài, nhưng lại bảo đảm một cách chắc chắn sự mai một của từng cá thể khi thân xác chết đi. Trên bình diện vĩ mô và lâu dài hơn, ý thức hiện đại ngày càng tăng về tính ngẫu nhiên của cuộc sống, càng được tăng cường bằng định luật thứ hai của nhiệt động học ở thế kỷ XIX, theo đó vũ trụ chuyển động bộc phát và không thể đổi ngược được từ trật tự sang mất trật tự, về hướng tình trạng cuối cùng của entropy tối đa hay "chết nhiệt". Những dữ liệu chính trong lịch sử loài người, cũng ngẫu nhiên ủng hộ những hoàn cảnh sinh lý và đấu tranh tàn bạo để sống còn, mà rồi cũng chẳng có ý nghĩa gì và rõ ràng hơn.

Freud cũng đã đẩy mạnh những phát triển này, bằng cách áp dụng quan điểm Darwin áp dụng đầy đủ vào tâm thần con người, trình bày bằng chứng rất thuyết phục về sự hiện hữu của những lực vô thức, quyết định những hành vi cử chỉ và tri thức có ý thức. Và như vậy, tâm trí người hiện đại được giải phóng khỏi cái vô thức ngây thơ, có nghĩa rằng giải phóng khỏi cái vô thức về tình trạng vô thức của nó, giúp cho nó hiểu biết chính nó về chiều sâu, nhưng đồng thời cũng bắt nó phải đối diện với hình ảnh đen tối, chẳng lấy gì đáng tự hào về đặc tính thật sự của nó, khi mà khoa phân tâm học hình thành.

Khoa phân tâm học có ích dụng hiển linh với đầu óc con người của thế kỷ XX, vì nó đem lên ánh sáng những độ sâu của tâm linh, phát hiện những giấc mơ, những hành vi và tư tưởng ngông cuồng, các triệu chứng tâm thần có thể hiểu được, soi sáng bệnh học về tình dục của những người bệnh hoạn thần kinh, chứng minh sự quan trọng của những kinh nghiệm thời thơ ấu đối với đời sống trưởng thành có điều kiện, phát hiện mặc cảm ơ-dip (Oedipus), chỉ rõ sự tương quan tâm lý của thần thoại và thuyết biểu tượng, nhận ra các thành phần cấu trúc tâm linh gồm "ngã", "siêu ngã" và cái "ấy" (ego, superego, id), phát hiện cơ chế phản kháng, cơ chế dồn nén, phóng chiếu, và chỉ rõ hàng loạt những tri thức thấu đáo, dàn trải ra đặc tính của trí óc và các động lực nội tâm.

Sự vô thức của con người được đưa ra ánh sáng của lý trí tìm tòi.

Tại sao ý thức có liên hệ mật thiết với ngôn ngữ ?

Ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu, mà nhờ đó con người giao tiếp với nhau, tiến hành nhận thức thế giới và tự nhận thức, bảo quản và truyền đạt thông tin, điều khiển hành vi của nhau.
Trong ngôn ngữ, có thể tách biệt hệ thống ký hiệu tự nhiên (ngữ điệu, động tác của cơ thể con người: bộ dạng, cử chỉ, điệu mặt) và hệ thống ký hiệu nhân tạo (ngôn ngữ toán học, ngôn ngữ hội họa, ngôn ngữ âm nhạc, ký hiệu đường sắt, v,v...)
Ngôn ngữ là một thành tố chủ yếu trong hoạt động của xã hội, nó hoàn thành vô số chức năng trong xã hội:
- Danh sách: khả năng của ngôn ngữ biểu thị, biểu tượng thế giới các sự vật và các quá trình
- Nhận thức; tham gia vào quá trình nhận thức
- Giao tiếp: tham gia vào quá trình giao tiếp của con người, v,v...

Ý thức và ngôn ngữ có liên hệ mật thiết với nhau. Chỉ cần chỉ ra một thực tế là, đứa trẻ thông báo cho những người xung quanh biết rằng, nó đã đạt tới trình độ cái "Tôi" có tự ý thức nhờ danh từ "cái Tôi", là cũng đủ. Mối liên hệ của ý thức và ngôn ngữ còn thể hiện ở chỗ, sự xuất hiện của ý thức cá nhân, chỉ là có thể, nếu con người tham gia vào thế giới ngôn ngữ và trước hết là ngôn ngữ nói. Chính trong sự giao tiếp bằng ngôn ngữ nói với người lớn, đứa trẻ bắt đầu nói về cái "Tôi" của mình, tự phát nắm bắt logic tư duy được mã hóa trong các câu nói. Tiếng mẹ đẻ hình thành một cách tự phát ở con người, sự cảm nhận nhịp điệu, âm điệu, cũng như nhiều đặc điểm khác về tâm hồn và trí tuệ của nó. Nếu tính rằng, sự hình thành ý thức của cá nhân bắt đầu từ thời thơ ấu, thì chúng ta sẽ hiểu vai trò to lớn của không gian ngôn ngữ mà đứa trẻ sống ở trong đó.

Để ý thức con người trở thành cái tồn tại đối với người khác, để họ hiểu biết về nội dung của nó, thì cần phải biểu thị nó ra bên ngoài, tức là khách quan hóa nó, ngờ ngôn ngữ, không nhất thiết phải là ngôn ngữ nói. Thí dụ: có thể truyền đạt cảm giác vui mừng, thán phục, đau khổ, v.v ... bằng sự biểu thị đặc biệt của bộ mặt, mắt, bằng ngôn ngữ âm nhạc, nhảy múa.

Nội dung của ý thức và nói chung là của thế giới tinh thần của con người càng phong phú hơn bao nhiêu, thì chính con người càng cần ký hiệu ngôn ngữ hơn bấy nhiêu, để truyền đạt nó và ngược lại. Thí dụ, trong "Mười hai chiếc ghế" của Alfa và Petror, thì Ellochka chỉ cần 12 từ để biểu thị thái độ của cá nhân mình đối với bất kỳ hiện tượng và hành vi nào. "Hiệu ứng Ellochka" có mặt cả khi chiếm ưu thế trong ngôn ngữ của con người, là tiếng lóng đặc trưng cho một nhóm xã hội khép kín nào đó. Có tiếng lóng hoc sinh, tiếng lóng sinh viên, tiếng lóng nghề nghiệp, tiếng lóng hình sự, v.v...

Mỗi nền văn hóa đều xây dựng một tổ hợp từ ngữ xác định của mình, nhờ vào đó mà ý thức của các đại diện của nó , bộc lộ mình ra bên ngoài. Số lượng từ ngữ biểu thị nội dung logic - đối tượng và nội dung cảm tính - tình cảm của ý thức, có tỷ lệ khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau. Ví như, các ngôn ngữ châu Âu chủ yếu là ngôn ngữ "danh cách", có nghĩa là chủ yếu được làm cho thích nghi để gọi tên các đối tượng và thuộc tính của chúng. Người châu Âu dùng ngôn ngữ để ghi nhận sự định hướng của mình vào quan hệ duy ly với thế giới.

Ngôn ngữ cũng theo với dòng lịch sử, những chuyển biến lớn đang diễn ra. Nhiều từ thông dụng, như "tình yêu", "lương tâm", "chính nghĩa", v.v... bị loại bỏ và thay thế bằng các từ khác "tình dục", "nghiệt ngã", "thành đạt", v.v... Những thay đổi này có báo hiệu điều gì chăng ??? Sự biến đổi ngôn ngữ là quá trình song phương: một mặt nó phản ánh những chuyển biến diễn ra trong ý thức con người, mặt khác - nó góp phần tiếp tục cải biến ý thức.

Vậy thì, làm thế nào để giữ lại được, một trong những điều kiện quan trọng nhất cho sự đồng nhất văn hóa của mình ? Vì rằng, chỉ có loài người, mới có khả năng tạo ra hệ thống ngôn ngữ ký hiệu nhân tạo, đó là ngôn ngữ hội họa, ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ toán học, v.v...

Tứ Thư - Mạnh Tử



MẠNH TỬ

Sách Tam tự kinh, câu mở đầu dẫn "Nhân tri sơ, tính bản thiện", có nghĩa là con người ta sinh ra vốn thiện. Đây chính là tư tưởng của Mạnh Tử về bản tính thiện của con người.

Khổng Tử thì chú trọng dạy về cách làm người. Mạnh Tử lại chú trọng truy tìm bản thể phía sau hiện tượng xã hội và tự nhiên, lấy việc hoàn thiện tu dưỡng đạo đức làm khởi điểm cho việc nhận thức chân lý.

Tư tưởng của Mạnh Tử chiếm địa vị quan trọng trong hệ thống tư tưởng Nho gia, và được coi là người kế thừa và phát triển một cách xuất sắc học thuyết Nho gia do Khổng Tử đề xướng. Đã được những triều đại trong lịch sử phát triển trước đây hết sức tôn trọng, được coi là đạo lý kinh điển trong việc trị quốc an dân. Trong bộ sách Tứ Thư, có thể coi sách Mạnh Tử là kiến giải, chú giải thêm cho sách Luận Ngữ, cho nên sách Mạnh Tử chiếm nội dung rất quan trọng trong cả bộ sách Tứ Thư.

Bàn về bản tính con người, Mạnh Tử đã tổng kết hàng loạt khái niệm trước đó đã đi sâu về "tâm", giảng giải rõ sự khác nhau giữa "tâm" với những khí quan khác trong cơ thể con người như tai, mắt, ... Mệnh đề "tâm để tư duy", được coi là phương tiện truyền tải chính, nhằm thực hiện việc tự mình, làm thức tỉnh và hoàn thiện con người mình. Từ đây, định lệ xây dựng nên những khái niệm về lòng thương xót, xấu hổ, căm ghét, ...

Mạnh Tử đặt vấn đề về yếu tố "dân bản", nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều giữa Vua và dân. Ông khẳng định quan niệm về "vương đạo nhân chính", thì phải biết rằng "Dân quý nhất, thứ đến xã tắc, rồi mới đến vua", và Mạnh Tử cho rằng nhà vua nên cùng chúng dân chung hưởng lạc thú, tạo điều kiện cho dân làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, yếu tố dân bản này, được hình thành trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của nhà cầm quyền.

Mạnh Tử bàn sâu về Nhân - Nghĩa, coi "nhân" là nơi ở rộng rãi nhất, còn đối với khái niệm "nghĩa", đó là con đường rộng lớn nhất. Sống phải có nơi ở, đi lại phải có đường, từ đây mà Mạnh Tử xây dựng gắn kết mối quan hệ "nhân - nghĩa" với con người, quy định cái đích để con người tu dưỡng và rèn luyện.

Với lời văn ngôn ngữ giầu hình tượng, hấp dẫn mà đại chúng, Mạnh Tử khéo lý giải những vấn đề phức tạp bằng những ví dụ thật dễ hiểu, đậm chất hùng biện.