TỨ THƯ - TRUNG DUNG

TRUNG DUNG

Trong hội nghị của các nhà khoa học được trao giải Nô-ben hòa bình tổ chức tại Pa-ri, mọi người đã tuyên bố: " Nhân loại nếu muốn sinh tồn trong thế kỷ XXI, phải hướng về học thuyết chung sống hài hòa của Khổng Tử - người của hơn hai nghìn năm trăm năm về trước ".

Trong lịch sử văn minh nhân loại, mỗi khái niệm hay một quan niệm được hình thành, mỗi một loại tư tưởng được kiến lập đúc kết nên, mỗi một nền văn hóa được xây dựng hình thành, đều trải qua quá trình tích lũy lịch sử lâu dài.

Những nhà hiền triết cổ đại, những bậc thánh nhân cổ Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Quốc, ... đều đề xướng tư tưởng Trung dung. Nguyên nhân sâu xa chính là vì đạo lý Trung Dung đã mang lại cho con người một lý tưởng sống chính đáng, một biện pháp, một cách giải quyết phù hợp thống nhất được hai cực đoan, làm cho cuộc sống giữa con người với con người hài hòa và vui vẻ, nhân loại nhờ đó mà không dẫn đến bị hủy diệt hay tan dã.

Trung Dung là một tư tưởng, giúp cho con người tìm được sự hoàn mỹ, hoàn hảo nhất ; không thiên lệch về bên nào ; hòa khí với mọi người nhưng không a dua hùa theo người ; không kéo bè kéo cánh ; hòa nhưng không đồng hóa ; hội nhập mà không hòa tan ; hòa mình vào quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng. Trung dung không phải là thỏa hiệp, nhượng bộ, bảo thủ, lạc hậu, mà Trung Dung chính là một đức sáng, giúp cho con người tự hoàn thiện bản thân, hướng con người theo xu hướng đạt tới phẩm chất đạo đức cao nhất.

Cho nên, khi nghĩ đến Trung Dung, là phải nghĩ đến một sự sắp xếp tốt nhất trong một điều kiện, một không gian, một thời gian nhất định. Không thể cho rằng, vì bất lực nên phải dựa vào Trung Dung, hay Trung Dung là nhường nhịn "chín bỏ làm mười". Trung dung không những là quy phạm đạo đức, mà còn là phương pháp tư tưởng để quan sát thế giới, xử lý các vấn đề, thậm chí Trung dung trở thành thế giới quan của con người. Đặc biệt là trong Kinh Dịch - Dịch truyện

"Trung ư ! Trung là điều cơ bản lớn nhất trong thiên hạ.
Hòa ư ! Hòa là chuẩn tắc phổ biến nhất trong thiên hạ.
Trung hòa mà đạt đến tột cùng, thì mọi cái trong trời đất đều ở vị chí thỏa đáng, vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở ".

Trung Dung đã trở thành phương pháp cơ bản để nhận thức thế giới, đồng thời Trung Dung cũng là chuẩn mực cơ bản để xử thế, thấm sâu vào tâm lý xã hội của con người phương Đông nói chung.

Tư tưởng Trung dung của Khổng Tử bao hàm nhân tố tư tưởng rất phong phú của phép biện chứng, đó là tôn trọng tính quy luật khách quan của mâu thuẫn, coi trọng sự liên kết dựa vào nhau để mà tồn tại của hai mặt đối lập trong cùng sự vật.

Theo Khổng Tử, mâu thuẫn hai bên đến một lúc nào đó sẽ xẩy ra bài xích lẫn nhau, để rồi đạt tới một sự cân bằng của mâu thuẫn, để mâu thuẫn lại được thống nhất. Đặc biệt khi luận chứng về làm thế nào, để đạt được sự cân bằng giữa hai bên, làm thế nào để duy trì sự cân bằng. Khổng Tử đã có những kiến giải rất có giá trị, làm phong phú sâu sắc thêm về những ý nghĩa bao hàm của phép biện chứng. Đây là một cống hiến to lớn của Khổng Tử trong lịch sử phát triển nhận thức của nhân loại.




4 nhận xét:

  1. Trung Dung là sách luân lý học của phái Nho gia Tử Tư và Mạnh Tử. Từ đời nhà Hán, sách Trung Dung đã trở thành một thiên trong sách Lễ Ký. Đến đời Tống, học giả Chu Hy rút ra, chỉnh biên lại và chú giải, rồi hợp cùng sách Luận Ngữ, Đại Học, Mạnh Tử, trở thành bộ Tứ Thư. Từ đời Tống về sau, sách Trung Dung trở thành sách giáo khoa cơ bản, trong chương trình giáo dục của chế độ phong kiến Trung quốc.

    Sách Trung Dung không quá ba nghìn chữ. Sau khi chỉnh lý xong, Chu Hy phân làm 33 chương để thuận tiện cho chú giải. Đến đời Thanh, học giả Trương Đại đặt tên cho từng chương mục.

    Kết cấu Trung Dung chặt chẽ, nghiêm túc, cẩn thận ; lời văn ngắn gọn nhưng điêu luyện sắc bén.

    Trả lờiXóa
  2. Nội dung sách Trung Dung chia làm hai phần:

    + Phần thứ nhất là những giải thích của Khổng Tử về Trung Dung và con đường, biện pháp đạt đến Trung dung.

    + Phần thứ hai bao gồm những ý kiến mà Tử Tư đã kế thừa và phát triển tư tưởng Trung Dung của Khổng Tử, trong đó nội dung quan trọng nhất là "chí thành".

    Sáng tạo lớn nhất của Khổng Tử, là sau chữ "trung" lại thêm chữ "dung", từ đó nâng quan niệm "trung hòa" lên tầm triết học.

    Chữ "dung" có hai nghĩa:

    - Nghĩa thứ nhất là "dụng", là dùng, tức là nắm chắc hai đầu mút, hai cực đoan của hai mặt đối lập, tìm cho ra biện pháp phù hợp để giải quyết mọi mâu thuẫn trong xã hội ; làm gì ? ở đâu ? thì cũng luôn luôn áp dụng điều "trung"

    - Nghĩa thứ hai là bình thường (thường hằng), có nghĩa là coi vận dụng đạo "trung" trở thành việc làm hằng ngày của mọi người.

    Trả lờiXóa
  3. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã đưa ra khái niệm "trung dung", tư tưởng này là kế thừa và phát triển quan niệm tư tưởng "trung hòa" từ thời thượng cổ.

    Tư tưởng Trung Dung không phải là tư tưởng "trung hòa", theo yêu cầu mà Khổng Tử đề ra khi xây dựng học thuyết, là phải tìm cho được biện pháp, đường lối phù hợp, không thái quá hoặc bất cập để thực thi đạo Trung Dung vào trong cuộc sống thực tiễn thường ngày.

    Theo Khổng Tử, học lý thuyết chỉ khi nào chuyển hóa thành phương pháp, thành chuẩn mực ; cũng như từ học lý thuyết được vận dụng chuyển hóa thành nguyên tắc hoạt động phát sinh hiệu quả xã hội. Khổng Tử đã đặt ra những định lệ như: " Nói không được quá lời, làm không vượt quá nguyên tắc. Không chiếm hết công lao, không đùn đẩy sai lầm. Không nên thiên, không nên lệch về bên nào. Không được thái quá hay bất cập ". Đây là những nguyên tắc cơ bản để thực hiện đạo Trung Dung ; đây cũng là phương pháp cơ bản để đối xử với tự nhiên, đối xử trong xã hội ; nhằm mục đích khiến người ta đừng nên có lối suy nghĩ cực đoan, cũng như làm việc một cách cực đoan, đi từ cực đoan này sang cực đoan khác vậy.

    Có thể nói, con đường thực thi đạo Trung Dung, chính là phải tìm cho được một thế cân bằng mới, để giải quyết thống nhất mâu thuẫn. Đây là tư tưởng Trung Dung vậy.

    Trả lờiXóa
  4. Học thuyết tư tưởng Trung Dung của Khổng Tử quy tụ vào sự "điều hòa lợi ích", hướng tới một xã hội không gặp phải những tổn thất nghiêm trọng về sức người, sức của, các triều đại kế tiếp nhau lấy cái hay, bỏ cái dở, tuần tự tiến lên.

    Đây là điều mà Khổng Tử gọi là "nhân chính đức trị" vậy !

    Trả lờiXóa