Sẽ có Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh

Giáo dục quốc phòng - an ninh nhằm trang bị kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh và kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo.

Dự thảo quy định cụ thể về giáo dục quốc phòng - an ninh trong nhà trường. Theo đó, Giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện theo các nội dung đã có trong chương trình giáo dục, kết hợp với hoạt động ngoại khóa.

Giáo dục quốc phòng - an ninh là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục trung học phổ thông; chương trình đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học của nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; đồng thời là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc

Dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh quy định rõ: Học tập, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh là nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ, đảng viên.

Được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, là một trong những tiêu chí để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Trường hợp đặc biệt, người được bổ nhiệm chưa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh phải bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh tương ứng với chức vụ, chức danh được bổ nhiệm.

Đối tượng bồi dưỡng bao gồm: 1- Cán bộ, công chức được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ hoặc được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong các cơ quan, tổ chức nhà nước ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; 2- Cán bộ lãnh đạo quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước; 3- Viên chức quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; 4- Cán bộ, công chức cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng một số chế độ, chính sách...

Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho: Người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, người làm quản lý nghiệp vụ, trưởng, phó các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập khi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh được hưởng nguyên lương, phụ cấp, hỗ trợ phương tiện hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi, về và hỗ trợ tiền ăn do doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập bảo đảm. Khoản kinh phí này được tính vào các khoản chi, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định về phổ biến kiến thức quốc phòng – an ninh cho cho người dân ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa tập trung vào người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chủ hộ tàu, thuyền hoạt động dài ngày trên biển; chủ hộ gia đình trên biên giới, trên đảo, người lao động ở các vùng biên giới, hải đảo.

Toàn văn Dự thảo Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh

Theo Chinhphu.vn


1 nhận xét:

  1. --------------------------
    LUẬT GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH

    http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=detail&_piref135_27935_135_27927_27927.id=651

    =========================

    Trả lờiXóa