Lão Tử – ông tổ của Đạo gia

Biết Lão Tử sắp rời đi, viên quan đã yêu cầu ông để lại kinh thư cho trần giới. Lão Tử chấp thuận, và đã để lại 5000 chữ, trong kinh điển “Đạo Đức Kinh” nổi tiếng hoàn cầu.

Lão Tử (571-470 TCN) tên thật là Lý Nhĩ, còn gọi Bá Dương, được coi là vị Thánh nhân ở Trung Quốc đã sáng lập ra Đạo gia. Đạo có nghĩa là "con đường" theo tiếng Trung Quốc.

Tương truyền ông sinh ra ở nước Sở, hiện nay là Lộc Ấp thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc trong những năm cuối thời Xuân Thu.

Người ta nói rằng ông có mái tóc và hàng lông mày màu trắng khi vừa mới sinh ra. Kể từ đó ông được gọi là Lão Tử, nó có nghĩa là "ông già khôn ngoan" theo tiếng Trung Quốc. Từ lúc còn trẻ, Lão Tử đã rất thông minh và siêng năng học hỏi.

Lão Tử làm quan giữ sách trong thư viện của nhà Chu thời Xuân Thu (770-481 TCN). Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Lão Tử là người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử. Chuyện kể rằng Khổng Tử đã gặp ông ở nước Chu, gần nơi hiện nay là Lạc Dương, khi Khổng Tử tới tìm đọc các cuốn sách cổ trong thư viện. Sau đó, Khổng Tử và Lão Tử đã tranh luận về lễ nghi và phép tắc, vốn là những nền tảng của Khổng giáo. Lão Tử cho rằng việc khôi phục lễ giáo thời nhà Chu của Khổng Tử hòng giúp thiên hạ thái bình không phải là thượng sách. Truyền thuyết Đạo giáo kể rằng những cuộc tranh luận đó có ích cho Khổng Tử nhiều hơn so với những gì có trong thư viện.

Lão Tử nói: "Có một vật sinh ra từ lúc hỗn nguyên, có từ trước khi Trời và Đất được sinh ra, yên lặng vô hình, độc lập mà không thay đổi, vận hành tuần hoàn mà không ngừng nghỉ, có thể là mẹ của vạn vật trong vũ trụ. Ta không biết tên là gì, bèn gọi là Đạo". Ngài hiểu rằng Đạo là gốc rễ của tất cả mọi thứ, và con người cần hiểu rằng "Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên", bởi vì đó chính là Thiên luật.

Lão Tử - ông tổ của Đạo gia - Tin180.com (Ảnh 2)

Sau này, Lão Tử nhận thấy rằng thế sự đã đến lúc tàn, đã cần phải ra đi. Ông đi về phía Tây trên lưng một con trâu qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn. Truyền thuyết kể rằng viên quan canh giữ biên giới tên là Doãn Hỷ đã quan sát thấy một vầng hào quang màu tím xuất hiện ở phía Đông, là điềm hiển linh khi Thánh nhân xuất hiện. Dõi về phía Đông, ông ta nhìn thấy Lão Tử xuất hiện trên một con trâu nước đang đủng đỉnh tiến bước, bèn lập tức ra nghênh đón.

Biết Lão Tử sắp rời đi, viên quan đã yêu cầu ông để lại kinh thư cho trần giới. Lão Tử chấp thuận, và đã để lại 5000 chữ, trong kinh điển "Đạo Đức Kinh" nổi tiếng hoàn cầu.

Lão Tử chỉ rõ rằng sự phát triển của nền "văn minh" đã làm cho con người chỉ theo đuổi danh và lợi, quên đi bản tính lương thiện của mình. Sự biến mất của lòng tốt, sự ngay chính, đạo hiếu và trung thành cho thấy sự suy đồi của đạo đức xã hội. Lão Tử tin rằng nếu đạo đức là một phần của cuộc sống hàng ngày, thì xã hội sẽ thăng hoa một cách tự nhiên.

Để giúp con người trở về bản tính tiên thiên lương thiện của mình, Lão Tử đã truyền giảng Đạo trong một thời kỳ hỗn loạn. Với chỉ 5000 từ Lão Tử đã cho con người hiểu được ý nghĩa của Đạo, mối quan hệ giữa Đạo và sự hình thành vũ trụ, và nguồn gốc của vạn vật. Ông cũng giảng cách làm người, và làm thế nào để nhân loại cuối cùng có thể quay trở về được bản nguyên của sinh mệnh bản thân.

Chính Sử

http://tin180.com/vanhoa/tinh-hoa-the-gioi/20111222/lao-tu-ong-to-cua-dao-gia.html


7 nhận xét:

  1. ----------------------------

    Người rất khéo thì như vụng
    Người nói giỏi thì như lắp bắp
    Cử động thì thắng được lạnh
    Nhưng yên tĩnh thì thắng được nóng.
    Vậy cứ thanh tĩnh thì mọ.i vật sẽ đâu vào đấy.

    Người đánh xe giỏi không xông bừa tới trước (1)
    Người chiến đấu giỏi không giận dữ,
    Khéo thắng địch là không tranh với địch,
    Khéo dùng người là hạ mình ở dưới người.
    Đó là cái đức của sự không tranh,
    Đó là cái khéo của sự dùng người,
    Đó là hợp với chỗ cùng cực của Đạo Trời.

    Thắng mà không khoe khoang,
    Thắng mà không tự khen,
    Thắng mà không kiêu căng,
    Thắng vì bất đắc dĩ.
    Thắng mà không bức người,
    Vì vật mạnh thì có lúc suy.
    (Nếu không) Như vậy (thì) là trái Đạo.
    Trái Đạo thì sớm bị tiêu diệt.

    Sắp muốn rút lại tất phải mở ra đã;
    Sắp muốn làm yếu đi, tất phải làm mạnh lên đã;
    Sắp muốn vứt bỏ đi, tất phải làm dấy lên đã;
    Sắp muốn cướp lấy, tất phải cho đã;
    Thế gọi là làm mờ ánh sáng đi. (7)
    Nhu nhược thắng cương cường.
    Cá không nên ra khỏi vực;
    Lợi khí của quốc gia, không nên cho dân biết.

    Sông biển sở dĩ làm vua trăm hang
    Vì nó khéo ở chỗ thấp hơn cả;
    Nhờ vậy nó làm vua được trăm hang.

    (Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả,
    dĩ kỳ thiên hạ chi,
    cố năng vi bách cốc vương).


    Chữ "cốc" (hang) trong học thuyết Lão Tử còn trỏ cái gì rỗng, tượng trưng cái tử cung của mẹ vạn vật, tức tượng trưng khí âm hoặc giống cái:


    Thần hang bất tử,
    Cho nên gọi là Huyền Tẫn (8)
    Là gốc của Trời, Đất.
    Dằng dặc như còn hoài,
    Dùng hoài mà không hết.


    Lấy giống cái đại biểu cho văn hóa phương Đông và giống đực đại biểu cho văn hóa phương Tây có lẽ không phải là khiên cưỡng.

    ===========================

    Trả lờiXóa
  2. -------------------------

    ules César muốn được làm người thứ nhất trong làng, Lão Tử trái lại, "không dám ở trước thiên hạ" (bất cảm vi thiên hạ tiên). Trang Tử cho rằng nổi danh là một điều nguy hiểm, và diễn ý đó trong đoạn văn phúng thích dưới đây để chê Khổng Tử là hay khoe tri thức cùng hành vi của mình. Trong bộ Trang Tử có nhiều chỗ bịa đặt ra để bài xích Khổng Tử vì lúc đó Khổng Tử đã mất rồi mà ở Trung Quốc thời xưa cũng không có luật pháp trị tội hủy hoại danh dự của người khác.

    "Khổng Tử bị vây ở khoảng giữa nước Trần và nước Sái, bảy ngày không có cơm ăn. (9)

    Quan đại công tên là Nhiệm lại chia buồn, hỏi:

    - Ông đã suýt chết ?

    Khổng Tử đáp:

    - Phải.

    - Ông sợ chết không ?

    - Sợ.

    Nhiệm bảo:

    - Vậy, tôi xin giảng cái đạo bất tử. "Ở Đông Hải có loài chim tên là Ý đãi. Loài đó chậm chạp, từ tốn như vụng về; bay cùng đoàn với nhau, con trước con sau, chen lấn nhau mà đậu. Khi tiến không con nào tranh bay trước, khi lui không con nào dám ở lại sau; khi ăn không con nào dám ăn trước, đợi những đồ thừa. Cho nên loài đó được sống yên ổn ở trong hàng, người ngoài không hại được nó, mà nó tránh được họa.

    "Cây thẳng thì bị đốn trước. Giếng nước ngọt thì cạn trước. Ông có ý tô điểm tri thức để làm cho bọn ngu phải sợ, sửa cái thân để làm rõ kẻ xấu xa. Ông rực rỡ như giơ cao mặt trời mặt trăng mà đi, cho nên không tránh được họạ..".

    Khổng Tử đáp:

    " Lời ông thật hay!". Rồi từ chối sự giao du, bỏ cả đệ tử, trốn trong một cái trằm lớn (chỗ hoang vu), làm lấy áo cừu áo cát mà bận, hái hột cây thử, cây lật mà ăn, nhập bầy với đàn thú, đàn chim mà thú chim không để ý tới".

    Tôi đã làm một bài thơ tóm tắt tư tưởng Đạo gia như sau:


    Có cái sáng suốt của sự ngu muội.
    Có cái thanh nhã của sự hòa hoãn.
    Có cái cơ xảo của sự trì độn.
    Có cái hữu ích của sự ẩn cư.

    Trả lờiXóa
  3. ---------------------------------
    Đừng ngồi lâu, đừng đi bộ lâu, đừng nhìn lâu, đừng nghe lâu, không đói thì chớ cố ép ăn, không khát thì chớ cố ép uống. Không đói mà cố ép ăn thì tỳ lao tổn; không khát mà cố ép uống thì bao tử trướng. Thân thể phải thường lao động; ăn phải thường ăn ít. Lao động chớ quá độ; ăn ít chớ để tới đói. Sáng mùa đông đừng để bụng rỗng; tối mùa hạ đừng ăn no. Dậy sớm thì đừng dậy trước khi gà gáy; dậy trễ thì chớ dậy sau khi mặt trời mọc. Tâm có quán xét sửa chữa thì chân thần mới giữ nguyên vị trí (không đi mất). Khí có định thì các thứ xấu mới xuất ra khỏi thân thể. Hành vi lừa dối trí trá thì quỷ thần ghét, hành vi cạnh tranh thì linh tánh bị ngăn trở. Khinh khi và làm nhục người khác thì tuổi thọ bị giảm nhiều ngày. Giết hại loài vật thì tuổi thọ giảm nhiều năm. Làm một việc thiện thì hồn vui; làm một việc ác thì phách vui vẻ (vì phách thích chết, hồn ham sống). Thường ăn ở khoan thai, điềm đạm giữ gìn, thì thân an tĩnh, tai ương họa hại sẽ không liên can với mình. Tên mình sẽ được ghi vào Sổ Sinh và tội lỗi mình được xoá đi trong Sổ Tử. Cái nguyên tắc dưỡng sinh chỉ có vậy thôi. Nếu như có thêm luyện đan, hoàn đan bổ não, biến hoá kim dịch để lưu giữ thần, thì đó là phép tắc huyền diệu thượng thừa. Trái lại, nếu ăn ngũ cốc và huyết nhục mà tu luyện, trong vạn người thì chỉ có rất ít kẻ đắc đạo. Hãy hết sức giữ giới! Lão Quân nói: «Nếu giữ đạo này của ta, bậc thượng sĩ sẽ sống thọ, bậc trung sĩ tu một nửa sẽ tránh tai họa bệnh tật, bậc hạ sĩ sẽ tránh được tai ương. Còn kẻ ngu không nắm được đạo này nên đánh mất tính mệnh.

    Ta chỉ nói bấy nhiêu thôi !

    Trả lờiXóa
  4. ---------------------------
    莊子 - 人間世
    Trang Tử - Nhân gian thế

    福 輕 乎 羽, 莫 之 知 載; 禍 重 乎 地,莫 之 知 避。

    Phúc khinh hồ vũ,mạc chi tri tái; họa trọng hồ địa,mạc chi tri tị。

    Phúc nhẹ như lông hồng mà không ai biết mang; hoạ nặng như đất mà không ai biết tránh.

    Trả lờiXóa
  5. ------------------------
    淮 南 子 - 氾 論 訓
    Hoài nam tử - Nhân gian huấn

    Cẩu lợi vu dân, bất tất pháp cổ; cẩu chu vu sự, bất tất tuần cựu.

    Nếu có lợi cho dân, thì không cần noi theo phép xưa; nếu sự việc phù hợp, thì không cần tuân theo lệ cũ.

    Trả lờiXóa
  6. ------------------------------

    Kẻ vô sỉ thì giàu, kẻ lắm người tin tưởng thì nổi danh. Do đó cái lớn lao của danh lợi gần như phát xuất từ vô sỉ và được tin tưởng. Cho nên xét theo danh và lợi thì được tin tưởng mới là điều đúng. Nếu vất bỏ danh lợi, chỉ phản tỉnh nơi tâm, sẽ thấy kẻ sĩ tu dưỡng phẩm hạnh chỉ ôm giữ được thiên tính mà thôi.

    Quân bình là phúc, có dư là họa, vật nào cũng thế, nhất là đối với tài sản. Ngày nay lỗ tai bọn nhà giàu ù tiếng đàn sáo chuông trống, miệng sặc mùi vị thịt thà và rượu ngọt nồng; chúng làm hại ý chí, khiến công việc bỏ bê. Đó gọi là loạn! Ăn nhiều nghẹn họng, đầy hơi, đi đứng vất vả như vác nặng mà leo dốc núi. Đó gọi là khổ! Tham tiền tài tới mức lâm bệnh; tham quyền tới mức hao kiệt tinh thần; ở yên thì chìm đắm; thân thể béo ú phải vịn nương. Đó gọi là bệnh! Muốn làm giàu thì phải kiếm lợi, nên có đầy đủ mà bít tai [không nghe lời đàm tiếu] và không biết tránh né; cứ bám vào đó mà không buông xả. Đó gọi là nhục! Tiền tài tích chứa cho đầy mà không dùng hết, canh cánh trong lòng không buông xả; lòng đầy phiền não; mong ích lợi mãi không thôi. Đó gọi là ưu phiền! Lại lo trong nhà có trộm đạo và bọn cướp bên ngoài đánh vào; nên trong nhà thì làm cửa nẻo có lưới bao bọc; còn ra ngoài thì không dám đi một mình. Đó gọi là sợ hãi! Sáu điều đó [loạn, khổ, bệnh, nhục, ưu phiền, sợ hãi] là hết sức nguy hại trong thiên hạ, nhưng họ đều quên mà không biết xem xét; cho đến lúc hoạn nạn lại mong đánh đổi hết tất cả để mong một ngày yên ổn cũng không được. Cho nên xét về danh thì không thấy, xét về lợi thì không được. Tâm thần mê loạn, gắng sức để tranh giành đến nỗi như vậy, chẳng phải là lầm lẫn hay sao?

    Ngày xưa gọi là ‘đắc chí’ chẳng phải là việc có chức tước và bổng lộc; mà là không làm tăng niềm vui cho mình nữa. Ngày nay gọi là ‘đắc chí’ chính là việc có chức tước và bổng lộc. Nhưng chức tước và bổng lộc thuộc về thân xác; chẳng liên quan gì đến tính mệnh ta. Ngoại vật ngẫu nhiên đến, chỉ là tạm thời; vì tạm thời nên khi chúng đến ta không chế ngự chúng được và khi chúng đi ta không ngăn chận chúng được. Do đó, chúng ta không nên vì chức tước bổng lộc mà khoái chí, cũng đừng vì cùng khốn mà buông theo thói đời.

    Trả lờiXóa
  7. -------------------------------
    Đạo Đức Kinh, chương 58

    Họa là chỗ dựa của phúc; phúc là chỗ dựa của họa. Nào ai biết đâu là điểm cực hạn? Không có sự công chính sao? Công chính rồi lại thành gian tà; thiện rồi trở thành ác. Con người u mê đã quá lâu rồi! Cho nên thánh nhân tuy vuông vức mà không hại ai, tuy góc cạnh mà không tổn thương ai, tuy ngay thẳng nhưng không khắc nghiệt với ai, tuy sáng rỡ nhưng không chói lòa mắt ai.
    ----------------------

    莊 子 - 則 陽
    Trang Tử - Tắc dương

    安 危 相 易, 禍 福 相 生。
    An nguy tương dịch, họa phúc tương sinh.
    An và nguy biến đổi qua lại; phúc và họa nối tiếp nhau.
    ---------------------
    淮 南 子 - 詮 言 訓
    Hoài Nam Tử - Nhân gian huấn

    禍 與 福 同 門, 利 與 害 為 鄰。
    Họa dữ phúc đồng môn, lợi dữ hại vi lân.
    Họa và phúc [ra vào] cùng một cửa; lợi và hại là láng giềng của nhau.
    ----------------------------

    淮 南 子 - 繆 稱 訓
    Hoài Nam Tử - Mậu xưng huấn

    患 生 于 多 欲, 害 生 于 弗 備。
    Hoạn sinh vu đa dục, hại sinh vu phất bị.
    Hoạn nạn phát sinh do dục vọng nhiều; tai hại phát sinh do không phòng bị.
    ----------------------
    Đạo Đức Kinh, chương 50

    Xuất sinh nhập tử. Sinh chi đồ thập hữu tam. Tử chi đồ, thập hữu tam. Nhân chi sinh, động chi tử địa diệc thập hữu tam. Phù hà cố ? Dĩ kỳ sinh sinh chi hậu.

    Hễ sinh ra là bắt đầu chết. Có 13 nguyên do sống và chết. Con người sinh ra liền bị 13 nguyên do khiến phải chết. Tại sao thế? Vì con người muốn sống cho hết mức.

    Trả lờiXóa