Quy định về những điều đảng viên không được làm

Dvt.vn giới thiệu toàn văn Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Dvt.vn giới thiệu toàn văn Quy định này.

- Căn cứ Điều lệ Đảng;


- Căn cứ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;


- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XI;


- Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng,


BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG QUY ĐỊNH


Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; cùng với việc gương mẫu chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội mà mình là thành viên, phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định cụ thể của Đảng về những điều đảng viên không được làm.


I- Những điều đảng viên không được làm


1- Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép.


2- Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.


3- Viết bài, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, hồi ký không đúng sự thật.


4- Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Lợi dụng việc phát ngôn, nhân danh việc phản ánh, góp ý kiến đối với Đảng để đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tuỳ tiện đối với người khác. Đe doạ, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý.


5- Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo.


Cố ý gửi hoặc tán phát đơn khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết.


6- Tổ chức, tham gia các hội trái quy định của pháp luật; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự.


7- Đảng viên (kể cả cấp uỷ viên và đảng viên là cán bộ diện cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ quản lý) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép.


8- Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ.


Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác.


Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện các dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định.


Biết mà không báo cáo, phản ảnh, xử lý các hành vi tham nhũng; không thực hiện các quy định về bảo vệ người chống tham nhũng.


9- Làm trái quy định trong những việc : quản lý nhà, đất, tài sản, vốn, tài chính của Đảng và Nhà nước; huy động vốn và cho vay vốn tín dụng; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu dự án; thực hiện chính sách an sinh xã hội, cứu trợ, cứu nạn; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các quy định trong hoạt động tố tụng.


10- Can thiệp, tác động đến tổ chức, cá nhân để bản thân hoặc người khác được bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đi học, đi nước ngoài trái quy định.

Lợi dụng chức vụ được giao để chiếm dụng, vay, mượn tiền, tài sản của đối tượng trực tiếp quản lý trái quy định.

Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.

11- Chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các văn bản trái quy định. Tạo điều kiện hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi.

12- Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định.


13 - Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia hoạt động rửa tiền.


14 - Tổ chức du lịch, tặng quà, giải trí để lợi dụng người có trách nhiệm dẫn đến việc ban hành quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp mà mình tham gia.


15- Dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà, xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đi lại, thông tin liên lạc vượt quá tiêu chuẩn, định mức hoặc trái quy định.


Chiếm giữ, cho thuê, cho mượn tài sản, cho vay quỹ của Nhà nước, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao quản lý, sử dụng trái quy định.


16- Tự mình hoặc có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột đi du lịch, tham quan, học tập, chữa bệnh ở trong nước hoặc ngoài nước bằng nguồn tài trợ của tổ chức trong nước hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

17- Tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; cho vay trái quy định của pháp luật; sử dụng các chất ma tuý; uống rượu, bia đến mức bê tha và các tệ nạn xã hội khác.

Vi phạm đạo đức nghề nghiệp; có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định.

18- Mê tín, hoạt động mê tín (đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói). Lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.


19- Tổ chức việc cưới, việc tang, các ngày lễ, tết, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới; mừng thọ, mừng nhà mới, lên chức, lên cấp, chuyển công tác xa hoa, lãng phí hoặc nhằm trục lợi.

II- Tổ chức thực hiện và xử lý vi phạm

1- Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy định này và giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Các cấp uỷ đảng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy định và định kỳ hằng năm báo cáo với cấp uỷ cấp trên tình hình thực hiện Quy định qua uỷ ban kiểm tra của cấp uỷ cấp trên.
Trong quá trình thực hiện có vấn đề thấy cần bổ sung, sửa đổi thì báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

2- Đảng viên vi phạm Quy định này phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3- Quy định này thay thế Quy định số 115-QĐ/TW, ngày 07-12-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về những điều đảng viên không được làm, có hiệu lực từ ngày ký và phổ biến đến chi bộ để thực hiện.

http://dvt.vn/201202290927730p100c101/quy-dinh-ve-nhung-dieu-dang-vien-khong-duoc-lam.htm

Từ chuyện “tính” người đến việc trị nước

Nhân chi sơ tính bản...?

Hồi còn chưa có chút khái niệm gì về triết học, tôi đã nhiều lần nghe người lớn nói câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Và được nghe giải thích đại khái: con người sinh ra vốn tính thiện hoặc: bản chất con người là thiện. Sau này lên đại học, làm quen với triết học Trung Hoa, tôi mới rõ thêm ít nhiều về thuyết tính thiện mà “cha đẻ” là Mạnh Tử và biết thêm còn có ông Tuân Tử với quan niệm trái nghịch: con người ta vốn tính ác.


Thầy Mạnh bảo rằng: “Ai cũng có lòng thương người (có người dịch là “lòng chẳng nỡ” (*) )... Sở dĩ tôi bảo vậy là vì có chứng cứ. Nếu thình lình thấy một đứa nhỏ sắp ngã xuống giếng ai cũng có lòng bồn chồn thương xót...” (**) . Đó là minh chứng cho một trong tứ đoan (bốn mối - hay có thể gọi nôm na là mầm thiện) của tính thiện mà nếu ai không có thì không phải là người, bao gồm: lòng trắc ẩn (thương xót), lòng tu ố (thẹn, ghét), lòng từ nhượng (kính nhường), lòng thị phi (biết phải trái).


Bốn mối thiện ấy vốn có, không phải do bên ngoài hun đúc nên, gọi là lương tri, lương năng. Từ đó dẫn đến tứ đức là: nhân, lễ, nghĩa, trí. “Lòng trắc ẩn là đầu mối của nhân; lòng tu ố là đầu mối của nghĩa; lòng từ nhượng là đầu mối của lễ; lòng thị phi là đầu mối của trí. Người ta có bốn mối ấy như là có tứ chi vậy”. Nhưng Mạnh Tử cũng không nghĩ đơn giản đến mức tuyệt đối hóa tính thiện nơi con người. Ông bảo rằng con người cũng có những cái bất thiện, xấu xa chẳng khác mấy so với cầm thú, nhưng cái đó không phải là bản chất. Chỉ cái thiện mới được xem là tính người.

Nhưng Tuân Tử và một số triết gia khác sau ông không tin như vậy. Quan niệm của họ hoàn toàn đối nghịch: con người vốn tính ác.


Thầy Tuân khẳng định: “Tính con người, sinh ra là hiếu lợi, thuận theo tính đó thì sinh ra tranh đoạt lẫn nhau mà sự từ nhượng không có; sinh ra lòng đố kỵ, thuận theo tính đó thì sinh ra tàn tặc mà lòng trung tín không có; sinh ra có lòng ham muốn của tai mắt, có lòng thích về thanh sắc, thuận theo tính đó thì thành ra dâm loạn mà lễ nghĩa văn lý không có. Như thế thì theo cái tính của người ta, thuận cái tính của người ta thì tất sinh ra tranh đoạt, phạm vào cái phận (tức là quyền lợi của nhau), làm loạn cái lý mà mắc lỗi tàn bạo”.


Nhân, nghĩa, lễ, trí, theo thầy Tuân là “nhân vi”, do con người đặt ra.


Như vậy, thầy Mạnh, thầy Tuân - ai đúng? Bản tính con người thật ra là gì? Câu hỏi đó vượt quá sức một cậu sinh viên mới tập tò học triết như tôi lúc ấy. Bảo rằng mầm thiện và tính ác của con người vốn có sẵn và do trời phú, như vậy chẳng khác nào đưa ra một định đề buộc phải tin mà không giải thích. Triết lý có nên chỉ dừng lại ở đó? Hay phải chăng nên suy nghĩ theo chiều hướng “tính không thiện không ác” của Cáo Tử hay “tính siêu thiện ác” như các triết gia phái Lão Trang...?

Dù lý tưởng như thầy Mạnh hoặc thực tế như thầy Tuân thì điều thú vị là cả hai cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm: con người có thể (và cần) sửa mình để ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Và đến đây thì cả hai triết gia lại quay lại với bản chất xã hội của con người (dùng giáo dục, lễ nhạc do xã hội tạo nên để cải tính) - điều mà khi luận bàn về căn nguyên tính thiện - tí nhác họ chỉ lướt qua.
Thêm một điều đáng chú ý về cách thức tư duy. Các vị thầy thường xem xét vấn đề trên bình diện đạo đức trong khi đang luận bàn về bản chất con người, và bởi vậy rất dễ rơi vào vòng nhị nguyên đối đãi “thiện - ác”, mặc dù Mạnh Tử vốn không tuyệt đối hóa quan niệm tính thiện của mình. Liệu ta có thể thoát ra khỏi nếp suy luận hằn quá sâu đó để tránh xu hướng cực đoan?
Câu chuyện “cải tính”...

Đọc thêm sử sách mới hay rằng Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử hay phần đông triết gia Trung Hoa thời xưa đều ấp ủ giấc mơ cứu đời, muốn đem học thuyết của mình áp dụng vào cuộc sống để “trị quốc, bình thiên hạ” bởi thời mà họ đang sống là thời nhiễu nhương, loạn lạc (thời Xuân thu Chiến quốc).


Do vậy, một mặt họ không quên bàn luận những vấn đề siêu hình, thậm chí thần bí, nhưng mặt khác, họ lại hướng tư tưởng của mình vào những vấn nạn nhân sinh, và triết học của họ đậm màu đạo đức chính trị. Cho nên vấn đề bản chất con người, với họ, cần lược quy về bình diện đạo đức (tính thiện - tính ác, tốt - xấu...) để có thể tìm được giải pháp khả thi, thay vì những thuyết lý cao siêu mà khó áp dụng vào thực tế.


Điều này được minh chứng khi ta biết rằng, dù lý tưởng như thầy Mạnh hoặc thực tế như thầy Tuân thì điều thú vị là cả hai cuối cùng cũng gặp nhau ở một điểm: con người có thể (và cần) sửa mình để ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn. Và đến đây thì cả hai triết gia lại quay lại với bản chất xã hội của con người (dùng giáo dục, lễ nhạc do xã hội tạo nên để cải tính) - điều mà khi luận bàn về căn nguyên tính thiện - tính ác họ chỉ lướt qua.


Mạnh Tử chủ trương tính thiện cho nên theo ông, con người cần khuếch sung bốn mối đó bằng cách làm điều nhân nghĩa, giảm bớt lòng ham muốn (quả dục), nuôi dưỡng tâm tính (tồn tâm, dưỡng tính). Tâm vốn là tốt, cho nên: “Quân tử khác người ta chỉ ở chỗ giữ cho còn cái tâm mà thôi. Quân tử lấy nhân giữ cho còn cái tâm, lấy nghĩa giữ cho còn cái tâm”. Tuân Tử chủ trương tính ác, nhưng ông vẫn khẳng định rằng có thể làm thay đổi cái tính ấy (“kiểu tính” hay “cải tính”) để trở nên người tốt, thậm chí “người ngoài đường cũng có thể trở thành thánh nhân”. Cải tính bằng lễ nghĩa, bằng cách hướng dẫn lòng dục của con người (đạo dục), bằng phương pháp “tư thiện, tích thiện” - tức là suy nghĩ về điều thiện, tích chứa điều thiện, việc thiện, sửa lại cái tính của mình cho ngày càng hoàn thiện.


Và giấc mơ trị quốc


Biết tính người còn là để đề ra phương cách trị quốc. Mạnh Tử kế thừa và phát triển quan niệm của Khổng Tử, cho rằng dùng giáo dục để uốn nắn dân theo đúng đạo nghĩa - giáo hóa; dùng lễ, nhạc để sửa tính tình, phong tục, khoan hòa với dân - đó là nhân trị. Tuân Tử đề cao lễ hơn nhân - lễ để giữ tôn ti, đẳng cấp, trật tự xã hội - và coi trọng hình pháp, tuy nhiên cũng cho rằng không nên quá lạm hình pháp, khác với phái Pháp gia sau này.


Thực tế lịch sử cho thấy, thầy Khổng, thầy Mạnh bôn ba khắp nơi để hành đạo, rao giảng đến cạn lời mà chẳng ông vua nào theo, lấy đức nhân để giáo hóa dân. Trong khi đó, tư tưởng của thầy Tuân lại bị đẩy đến chỗ biến dạng cực đoan bởi những người theo phái Pháp gia như Hàn Phi Tử (mà người ta thường ví như một Machiavelli của phương Đông) để trở thành pháp trị và được các chính trị gia như Lý Tư đem ra thực hành triệt để; khi ấy nó biến thành một thứ chủ nghĩa tôn quân đến mù quáng với lối cai trị bằng mọi thủ đoạn, bằng hình pháp hà khắc, dẫn đến cái họa chôn Nho đốt sách thời Tần. Sau này, giới nho sĩ ít nhắc tới thuyết của Tuân Tử cũng chính vì vậy.


Từ cái vòng nhị nguyên này dẫn tới cái vòng nhị nguyên khác. Nhân trị - pháp trị, một nhát phân đôi tưởng chừng phân minh, hợp lẽ, hóa ra giản lược, phiến diện. Hơn hai ngàn ba trăm năm sau Mạnh Tử, Tuân Tử, qua bao sóng gió thăng trầm của lịch sử, qua bao cuộc khám phá và các đợt khai sáng tư tưởng, một con người lương thiện bình thường cũng hiểu rõ rằng bản chất con người phức tạp hơn nhiều, không phải thiên thần cũng chẳng là quỷ dữ.


Và trên thế gian này chẳng xã hội nào - ngay cả những xã hội có chỉ số hạnh phúc cao nhất hiện nay - mà không có luật hình, không có cảnh sát, nhà tù. Cũng như, chẳng có triều đại nào tồn tại lâu dài mà chỉ dựa lối cai trị độc đoán, hà khắc với đủ thứ hình phạt tàn khốc.


Luật pháp xuất hiện là nhằm minh xác và bảo vệ những giá trị nhân bản được xã hội thừa nhận, là đưa con người vào đúng lề lối cư xử thuận hòa, bảo đảm trật tự, an bình cho xã hội phát triển. Cai trị trên nền tảng luật pháp như vậy thì chẳng mấy khác biệt với tư tưởng nhân trị.


Vấn đề cốt yếu chỉ là ở chỗ, luật pháp ấy được đặt ra vì ai và được thực thi như thế nào: nghiêm chỉnh hay hình thức, nửa vời; để bảo vệ quyền lợi của đại đa số hay chỉ tạo thuận lợi cục bộ, cho các nhóm đặc quyền đặc lợi; có bình đẳng cho mọi người hay vô hiệu đối với giới quyền thế. Nói: nhân không khỏi pháp, trong pháp có nhân là vậy.


Mạnh Tử, Tuân Tử đều là hai triết gia lớn trong lịch sử triết học Trung Hoa. Tuân Tử có cái lý của mình. Còn với thuyết tính thiện, Mạnh Tử được coi là một triết gia lạc quan, có cái nhìn lý tưởng (hay rộng lượng?) về con người. Với đầu óc duy lý, sự đánh giá ấy không hẳn chỉ là lời khen. Riêng với tôi thì Mạnh Tử gần gũi hơn và tôi đã học được nhiều điều từ ông.

http://bee.net.vn/channel/1984/201202/Tu-chuyen-tinh-nguoi-den-viec-tri-nuoc-1825914/

Bệnh lý cột sống và xương khớp

Cột sống được gắn kết xen kẽ bởi các đốt sống và đĩa đệm mà trong đó đĩa đệm đóng vai trò như bộ phận giảm sốc, với những biểu hiện thường gặp và các yếu tố rủi ro dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cột sống.

Khi lão hóa, khả năng đàn hồi của đĩa đệm giữa các đốt sống giảm dần trở nên dễ vỡ và một số bộ phận của đốt sống phát triển hơn mức bình thường. Vì vậy, đĩa đệm mất khả năng giảm sốc, gây áp lực và chèn ép lên tủy và nhánh rễ thần kinh tủy. Tổn thương này có thể dẫn đến biểu hiện mất cảm giác, yếu ớt và mất cân bằng. Tuỳ theo khu vực bị chèn ép mà biểu hiện sẽ khác nhau. Tuỳ thuộc vào mức độ chèn ép bộ phận bị chèn ép có thể mất một phần hoặc toàn bộ chức năng.

Một số biểu hiện thường gặp của tình trạng trên như: Cảm giác yếu và mất sức ở các chi; mất cảm giác; thay đổi về chức năng phản xạ; mất khả năng kiểm soát bàng quang (són tiểu), đại tiện (són phân); rối loan cương dương; liệt; đau lưng; đau cổ.

Các yếu tố rủi ro dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cột sống: Thường khuân vác nặng, cuối gập người; lão hoá dẫn đến thoái hóa; chấn thương cột sống (thoát vị đĩa đệm); chiều cao; béo phì (tăng áp lực lên các đĩa đệm); hẹp ống sống; hút thuốc (khói thuốc làm giảm hoạt tính của đĩa đệm).

Theo thời gian, các khớp bị ảnh hưởng do sự biến đổi trong sụn và trong mô liên kết. Sụn bên trong khớp bắt đầu mỏng dần và các thành phần của sụn (proteoglycan) bắt đầu thay đổi, tác động đến sự dẻo dai và khiến chúng dễ bị tổn thương. Ở một số bệnh nhân, bề mặt của khớp không trượt lên nhau một cách dễ dàng theo biến đổi của quá trình lão hoá. Quá trình này có thể dẫn đến viêm xương khớp. Mặt khác, các khớp cũng cứng hơn vì mô liên kết trong các dây chằng, gân trở nên sơ cứng và giảm độ đàn hồi. Những biến đổi này làm cho các chuyển động của khớp bị hạn chế.

Đối với một số khớp (như khớp gối), dây chằng (bao quanh và hỗ trợ khớp) thường bị giãn khiến khớp không ổn định. Những vận động đòi hỏi sự di chuyển và va chạm các khớp (như đứng, leo cầu thang, đi bộ...) có thể gây đau nhói. Diễn biến lâu dài sẽ làm hao mòn và thâm chí phá huỷ cấu trúc khớp do sự cọ sát và viêm xương khớp. Trường hợp này cần phải thay khớp, phổ biến là khớp gối và khớp háng.

Viêm xương khớp thường ảnh hưởng đến cột sống mà đau lưng là triệu chứng phổ biến nhất. Thông thường, các đĩa đệm hoặc các khớp bị tổn thương trong cột sống gây đau nhẹ và cứng. Tuy nhiên, viêm xương khớp ở cổ và thắt lưng có thể gây tê, đau và suy nhược ở cánh tay, hoặc chân nếu xương phát triển quá mức chèn lên các dây thần kinh. Xương phát triển quá mức trong ống sống ở thắt lưng (chứng hẹp tủy sống vùng thắt lưng) sẽ gây chèn ép lên các dây thần kinh trước khi các dây thần kinh ra khỏi ống tủy sống truyền xuống chân. Sự chèn ép này có thể gây ra đau chân sau khi đi bộ.


http://www.blogger.com/post-create.g?blogID=1340325182161509174

Sử dụng wifi trong phòng ngủ gây ung thư?

Việc dùng sóng wifi trong phòng ngủ có ảnh hưởng tới sức khoẻ không?

Ông Dương Minh Trí, Phòng ứng dụng Điện - Điện tử, Viện Vật lý TPHCM cho biết: Sóng điện thoại di động, sóng wifi, lò vi sóng, ra đa... có tần số trên 2GHz. Trong dải sóng cao tần này quy định ngưỡng cho phép được tính theo W/m2.
Có một số quy định phổ thông như sau:

Trong phòng ngủ < 0,1mW/m2; Trong nhà < 1mW/m2; Ngoài trời < 10mW/m2. Thực tế, chúng tôi đã đo nhiễu điện từ trường ngay bên dưới các cột ăng ten trung chuyển tín hiệu điện thoại di động, cách chân cột khoảng vài mét cho thấy công suất sóng điện từ có nơi trên 2.000mW/m2 hay vô cực (máy đo không thể chỉ thị được nữa!).

Trị số này lớn gấp nghìn đến triệu lần ngưỡng cho phép bên trong nhà là 1mW/m2 theo quy định một số nước trên thế giới.

Các triệu chứng do nhiễu điện từ trường ảnh hưởng tới sức khoẻ con người như gây rối loạn nhịp sinh học, hệ thống miễn dịch và làm hạ thấp mức melatonin trong cơ thể.

Sự thông tin giữa các tế bào với nhau và hệ thống thần kinh bị điện từ trường tác động mạnh mẽ. Cơ chế sinh ra ung thư do điện từ trường cũng tương tự như các tia phóng xạ, hiệu ứng ion hóa làm biến dị gen và sinh ung thư...

Do đó, vì an toàn sức khoẻ chúng ta nên ưu tiên dùng điện thoại bàn thay vì điện thoại di dộng. Trong phòng ngủ hay phòng trẻ em tránh dùng internet không dây.

Đồng thời, không nên cho xây dựng các cột ăng ten này trực tiếp trên các mái nhà người dân.

http://bee.net.vn/channel/1994/201202/Su-dung-wifi-trong-phong-ngu-1825322/



Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng trong Đảng

Đó là nhận định của ông Trần Trọng Tân - nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương - về nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI.


Ông Trần Trọng Tân - Ảnh: M.Đức

- Ông Trần Trọng Tân nói:

Có ý kiến cho rằng Nghị quyết Trung ương 4 lần này không có gì mới, có mới chăng là chờ xem những giải pháp đề ra trong nghị quyết sẽ được triển khai vào thực tiễn như thế nào. Tôi không đồng tình với nhận định này. Theo tôi, Nghị quyết Trung ương 4 có nhiều điểm mới. Đó là sự nhìn nhận thẳng thắn thực trạng mọi mặt trong Đảng, chọn trúng ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó đã coi việc ngăn chặn “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...” lên hàng đầu. Đó là đã chỉ rõ nguyên nhân và đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ gồm bốn nhóm. Trong đó nhóm giải pháp về thực hiện gương mẫu của cấp trên được nêu lên hàng đầu là rất đúng. Trong mỗi nhóm đều có nêu ra những việc cụ thể. Đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng có một nghị quyết “bắt mạch, kê toa” chi tiết như thế.

* Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng những hạn chế trong Đảng và những sai phạm trong một bộ phận đảng viên như thế đã tồn tại từ lâu, đến nay mới được nhìn nhận một cách công khai mà thôi?

- Đúng là những biểu hiện sai phạm không phải gần đây mới xuất hiện, nhưng vấn đề là đánh giá thực trạng đó như thế nào cho thật khách quan, không vơ đũa cả nắm. Nghị quyết thừa nhận có vi phạm về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp” cần được hiểu rằng phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn tốt, vẫn kiên định tư tưởng chính trị, vẫn giữ được phẩm chất đạo đức tốt đang đóng vai trò chi phối trong sự lãnh đạo của Đảng. Chính nhờ đó mà công cuộc đổi mới đất nước giành được nhiều thắng lợi to lớn. Phải chăng trong công tác tư tưởng thời gian qua chưa làm cho dư luận xã hội nhìn nhận rõ sự thật này? Trung ương Đảng lần này báo động thực trạng tình hình nhưng trong tâm thế bình tĩnh. Chúng ta cũng cần đón nhận Nghị quyết Trung ương 4 một cách tỉnh táo để góp sức xây dựng Đảng, dứt khoát không để những kẻ xấu lợi dụng, bôi đen Đảng ta.

* Những giải pháp được Hội nghị Trung ương 4 đề ra trong nghị quyết, theo kinh nghiệm của ông, đâu là yếu tố đột phá và liệu có cần đề xuất thêm những giải pháp khác?

- Có lẽ khoan hãy bàn những giải pháp khác, trước mắt chúng ta mong Nghị quyết Trung ương 4 triển khai và thực thi thật khẩn trương.

Tôi còn nhớ tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng thực hiện một cuộc kiểm điểm trong Bộ Chính trị rất hay. Tổng bí thư đã tự phê bình mình trước tập thể, chẳng những nói ưu điểm mà nêu ra cả khuyết điểm rất thẳng thắn rồi mới lần lượt đến các đồng chí khác. Cuộc kiểm điểm đó được ghi biên bản cụ thể và gửi cho các ủy viên Trung ương. Ngày nay các vị ủy viên Bộ Chính trị học và làm theo Bác Hồ như thế nào nếu được cho dân biết sẽ rất hay.

* Nghị quyết Trung ương 4 yêu cầu việc kê khai tài sản phải trung thực và được công khai ở nơi công tác, nơi cư trú. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Việc kê khai tài sản phụ thuộc vào sự trung thực của từng cán bộ, anh khai bao nhiêu thì biết bấy nhiêu nên công tác kê khai này chỉ mang tính hình thức, cho đủ thủ tục mà thôi. Trong thực tế, đối với những tài sản có được từ ăn cắp của công, ăn hối lộ... thì không ai chịu kê khai đâu.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải đánh giá xem anh sống như thế nào, tác phong trong công việc ra sao, sinh hoạt, tiêu xài hằng ngày thế nào, quan hệ với bà con lối xóm ra sao. Cái này thì anh không thể che đậy được. Đạo đức, nhân cách, lối sống của anh ra sao, người dân với trăm nghìn mắt sẽ nhìn thấy hết. Vấn đề là làm sao vận động người dân, các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát và thông tin cho Đảng, cho Nhà nước để kịp thời phát hiện, biểu dương được những gương tốt và góp phần chấn chỉnh, xử lý những cán bộ, đảng viên hư hỏng.

* Thưa ông, cũng có một thực tế khác là lâu nay vấn đề xử lý kỷ luật trong Đảng chỉ được công khai chừng mực nên chưa thuyết phục được người dân về tính nghiêm minh, từ đó chưa khuyến khích người dân chủ động tố giác vi phạm của cán bộ, đảng viên?

- Xử lý kỷ luật trong Đảng là một vấn đề quan trọng. Trước đây chúng ta quá thận trọng và nghĩ rằng đây chỉ là vấn đề mang tính nội bộ nên việc công khai thông tin ra bên ngoài có hạn chế. Một vài năm gần đây kết quả xử lý kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên giữ chức vụ quan trọng, được thông tin nhiều hơn đến người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc thực hiện nghiêm minh kỷ luật trong Đảng và công khai trong toàn Đảng, toàn dân là điều mà chúng ta hướng tới.

* Không ít bạn trẻ hiện có suy nghĩ chỉ cần làm một quần chúng tốt mà không cần phấn đấu vào Đảng. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Không thể trách họ. Đối với giới trẻ, các bạn đoàn viên, thanh niên, đây là lực lượng đông đảo và rất quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Cần làm cho họ hiểu được vai trò lãnh đạo của Đảng và họ có ý thức góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Theo tôi, tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản, các tổ chức tập hợp thanh niên cần tuyên truyền để thanh niên hiểu rằng được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự, được sống và đấu tranh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân là hạnh phúc lớn nhất của mỗi người.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đừng để các bạn đoàn viên thanh niên đứng ngoài cuộc xem Đảng làm, mà tổ chức Đảng, Đoàn phải xây dựng cho mỗi bạn trẻ ý thức được trách nhiệm của mình trước Đảng, chủ động góp phần tham gia xây dựng Đảng.

V.H.QUỲNH - N.TRIỀU thực hiện
http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/tuoitre.vn/Thang-than-nhin-nhan-thuc-trang-trong-Dang/7843913.epi


Gần 800.000 người chết vì động đất trong thập niên qua

Trận động đất ngoài khơi Ấn Độ Dương ngày 26/12/2004 đã làm 227 nghìn người chết. Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Lancet, trong thập kỷ vừa qua, tính đến hết năm 2010, các trận động đất trên thế giới đã trực tiếp, hoặc gián tiếp giết chết 780 nghìn người.


Ngoài ra, nghiên cứu còn nhấn mạnh là những cơn địa chấn trong suốt những năm từ 2001 đến 2010 đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 2 tỷ người trên hành tinh. Trận thiên tai thảm khốc nhất được ghi nhận là vụ động đất tại Haiti hôm 12/01/2010, với cường độ 7 độ Richter nó đã giết chết 316 nghìn nạn nhân. Trong khi đó, trận động đất có cường độ 9,1 độ Richter nổ ra trên Ấn Độ Dượng gây ra sóng thần kinh hoàng hồi tháng 12/2004 đã làm 227 nghìn người chết.

Đứng thứ ba trong quy mô hủy diệt là trận động đất tại tứ Xuyên, Trung Quốc, xảy ra hôm 12/5/2008. Cơn địa chấn này đã làm 87.500 người chết.

Bên cạnh những con số thống kê rùng rợn như trên, nghiên cứu được tạp chí Lancet công bố còn nhằm mục đích đánh động ý thức của các quan chức chính trị và các tổ chức cứu trợ một điều rằng, động đất là một thiên tai giờ đây phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu cũng muốn cảnh báo cho giới y học về những bệnh lý mà họ sẽ phải xử lý trong các trường hợp thiên tai này.

Theo các nghiên cứu, trong các trận động đất, có khoảng 1/3 dân cư trong khu vực bị nạn thiệt mạng. Số nạn nhân tử vong do động đất thường gia tăng thành từng đợt liên tục kể từ khi nổ ra. Trước tiên là những người bị chết ngay khi nhà cửa bị đổ sập, vài giờ sau đó đến những người bị thương tử nạn. Đợt tử nạn thứ ba tiếp tục diễn ra sau khoảng vài ngày hoặc vài tuần sau đó.

Với những người sống sót thường thì các cơ quan nội tạng như gan, thận hay cột sống đều có vấn đề. Nghiên cứu nói trên cũng chỉ cho thấy, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, chiếm từ 25% đến 53% các bệnh nhân sau động đất.

Ngoài các chiến dịch khẩn cấp tìm kiếm cứu người sống sót, công tác cứu hộ còn phải đối phó với tình trạng bệnh dịch tràn lan ở những khu tập trung đông dân sau động đất, do các xác người chết bị vùi trong đống đổ nát gây ra.

Về lâu về dài, động đất còn gây tác động không nhỏ đến sức khỏe tâm thần cộng đồng. Đó là tình trạng suy sụp tinh thần ở những nạn nhân sống sót.

Cùng với việc gia tăng dân số thế giới và phát triển đô thị trong các vùng có nguy cơ, những nguy hiểm do động đất gây ra còn lớn hơn nhiều trong những năm tới. Đó là cảnh báo của các tác giả nghiên cứu nói trên. Hiện nay các thành phố nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra động đất cao thì lại thường là các đô thị siêu lớn tập trung đông dân như Tokyo (32 triệu dân), Mêhico City (15 triệu ), Los Angeles (15 triệu), Istambul ( 9 triệu).


http://www2.vietinfo.eu/tu-lieu/gan-800000-nguoi-chet-vi-dong-d%E1%BA%A5t-trong-thap-nien-qua.html