Quẻ Phục


     
      Quẻ Phục, một trong 64 quẻ, do hạ Chấn thượng Khôn hợp thành, tượng trưng cho sự “hồi phục”, trình bầy tình trạng chính khí của sự vật được phục hồi, sức sống mới nảy nở, như vẽ ra cảnh tượng mặt đất dương khí nhỏ bé mới lay động nhen nhúm, mùa Xuân sắp trở lại.
     
      Lời quẻ: Quẻ Phục tượng trưng cho sự hồi phục, hanh thông. Dương khí sinh ra từ bên trong, lớn lên ở bên ngoài, không tật hoạn gì, bạn bè cương kiện đến không tai hại gì; quay trở lại theo một quy luật nhất định, qua bảy ngày thì quay lại như xưa. Lúc này có lợi cho việc tiến tới.
      [Phục, hanh. Xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu; phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục, lợi hữu du vãng.]
      Giải: ‘Phục’ là tên quẻ, tượng trưng cho sự ‘hồi phục’, ‘xuất’ chỉ Khí dương lớn ở bên ngoài; ‘nhập’ chỉ Khí dương sinh ra ở trong; ‘vô tật’ là không hại gì; ‘bằng’ ở đây là chỉ Khí dương.
      Lý Đỉnh Tộ - Chu dịch tập giải dẫn lời Hà Thỏa nói: “Nói Phục, là tên gọi sự  trở về gốc. Bầy âm phá (bóc) dương hầu như suy kiệt, âm phá dương đến tận cùng; một dương đến phía dưới, cho nên gọi là quay trở lại. Khí dương trở lại, mà mọi vật được lưu thông, giao hòa, cho nên nói ‘phục’ là hanh thông”. Quẻ Phục một hào dương bắt đầu sinh trưởng , thì các hào âm lấy nó làm bạn, cho nên nói ‘bằng lai’; ‘phản phục’ chỉ dương cương quay lại hồi phục; ‘đạo’ cũng như nói quy luật; ‘thất nhật’ tượng trưng cho sự hồi phục nhanh chóng, cũng như nói ‘không đến 7 ngày’.
      Trình Di nói: “Xuất nhập nghĩa là sinh trưởng. Sinh, rồi quay trở lại bên trong, là nhập; lớn rồi tiến ra ngoài, là xuất. Nói xuất trước là nói cho thuận mà thôi. Dương sinh ra không phải từ bên ngoài, mà là đến ở bên trong, cho nên gọi là nhập. Lại nói “ Khí dương mùa xuân phát ra khí âm lạnh tan dần đi, cứ xem cây cỏ vào lúc sớm tối có thể thấy rõ. ‘Xuất nhập vô tật’, nghĩa là khí dương nhỏ sinh ra rồi lớn lên, không có gì làm hại nó”.
      Vương Bật giải thích về “thất nhật” nói: “Khởi đầu thì Khí dương bị ‘bác’ hết đến khi hồi phục là 7 ngày”. Ý nói là hồi phục nhanh.
      Toàn văn Lời quẻ có thể chia làm ba phần để lý giải: Một, trước tiên nói Khí dương bắt đầu hồi phục thì tất lưu thông mà được hanh thông; Hai, nêu rõ Khí dương khi đã phục hồi thì tất là có lợi mà không thể có hại, Khí âm có được Khí dương, thì phát huy tác dụng mà hướng tới giá trị có ích, không gây nên tai hại. Con đường ‘phục dương’ lại thuận với quy luật nội tại, gặp thời thì hồi phục rất nhanh; Ba, đó là tổng kết ý nghĩa ‘phục, hanh’, nói rõ việc vào thời ‘hồi phục’, khí thế dương cương phát triển thuận lợi, mạnh mẽ, cho nên có lợi cho việc tiến tới. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Với sự phương trưởng của Khí dương, nếu mà có sự đi, thì đạo của tiểu nhân sẽ bị tiêu mòn”.
      Cùng ở trên thì trở xuống dưới, dương bị Bác cực ở trên thì ở dưới sinh. Cùng ở bên ngoài thì trở lại bên trong, dương bị Bóc đến tận cùng ở bên ngoài thì bên trong lại sinh. Đây là quy luật của đại tự nhiên.
      Một dương lại sinh ở trong đất, đó là thời điểm tháng 10 âm đã cực thịnh. Chu Hi nói: “Tháng 10 là quẻ Khôn, thuần âm tự giao. Quá tháng 10, tiết khí vẫn là thuần âm nhưng dương đã ngầm sinh ở dưới đất, chứa tích đầy tháng. Vả lại một tháng chia làm 30 phân, lại chia ra Giờ là 360 phân, đó là thời Dương đến. Đến tháng 11 tiết Đông chí mới sinh được một vạch dương, đó là một phần trong sáu phần trong quẻ, mà ở dưới đất có hai vạch, lại cứ đi lên đến ba vạch, là đã đủ cả ở trên đất, đến 4 dương, 5 dương, 6 dương, cứ chồng lên mãi cho tới Đông chí thì đủ sinh một dương. Đó là cơ mật chuyển vận của trời đất. Phàm một khí tiến lên cũng chẳng thấy, một hình bớt đi cũng chẳng biết. Cũng như thân thể người ta từ trẻ tới già vậy”. Xét, tháng 5 quẻ cấu một âm mới sinh, đến hào Sơ quẻ Phục là hào 7, dương lại đến, cũng là thiên vận tự nhiên.
      “Thất nhật lai phục”, Bùi Văn Nguyên đưa ra một kiến giải: “Thất biến viết lai phục” (Bảy lần biến gọi là phục).
       Theo truyền thống tượng số học, số 7 tượng trưng cho chu kỳ tuần hoàn trong vũ trụ, sự tuần hoàn mặt trời với mặt trăng, cứ theo chu kỳ 7 tháng lại giao hoán vị trí một lần, từ tháng Ngọ tới tháng Tý, hoặc từ tháng Tý tới tháng Ngọ gồm 7 tháng. Trong một quẻ Dịch chỉ có sáu hào, đến hào thứ 7 tức là bắt đầu lại từ đầu (tức là bắt đầu hào mới), đây là nguyên tắc vận hành sinh hóa trong vạn vật. Từ quẻ Cấu, kế tiếp đến quẻ Phục, đứng hàng thứ 7 trong thứ tự nói trên.

      Thoán truyện nói: Hồi phục là hanh thông, nói dương cương vừa mới quay lại; dương động quay trở lại mà tiến tới thuận lợi, thông suốt, cho nên dương khí sinh ra từ bên trong, lớn lên ở bên ngoài, không bệnh tật gì, bạn bè cương kiện đến không tai hại gì. Trở lại hồi phục theo quy luật nhất định, không quá 7 ngày thì sẽ quay trở lại. Đây là quy luật vận hành của tự nhiên. Lúc này có lợi cho sự tiến tới, nói rõ dương cương ngày càng lớn mạnh. Quy luật hồi phục là thể hiện tấm lòng trời đất sinh sôi và nuôi dưỡng muôn vật chăng ?
      [Thoán viết: Phục, hanh, cương phản; động nhi thuận hành, thị dĩ xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu. Phản phục kỳ đạo, thất nhật lai phục, thiên hành dã. Lợi hữu du vãng, cương trưởng dã. Phục, kỳ kiến thiên địa chi tâm hồ ?]
      Giải: ‘Phục, hanh, cương phản’ như nói ‘dương quay trở lại’ chỉ hào Sơ dương quay trở lại rồi đi lên. Câu này nêu tượng một hào dương ở dưới quẻ phục hồi đi lên, ý chỉ dương cương quay trở lại rồi phát triển, cũng là để giải thích tên quẻ là gọi là Phục.
      Động nhi thuận hành, thị dĩ xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu – câu này nêu tượng quẻ  hạ là quẻ Chấn động, quẻ thượng Khôn là thuận, nói rõ ở vào thời ‘hồi phục’, dương động mà phát triển đi lên, thuận lợi không có trở ngại, quần âm vui mừng nhận âm là bạn
      Phản phục kỳ đạo, thất nhật lại phục, thiên hành dã – câu này nói rõ quy luật vận hành của đại tự nhiên là ‘bác’ hết thì ‘phục’ đến.
      Lợi hữu du vãng, cương trưởng dã – câu này dụ ý chỉ thế của dương cương trong quẻ Phục ngày càng lớn mạnh.
      Phục, kỳ kiến thiên địa chi hồ ? – nêu rõ ‘dương phục’ là tấm lòng của trời đất sinh sôi nuôi dưỡng muôn vật, ca ngợi đại nghĩa của quẻ Phục.

      Đại tượng nói: Tiếng sấm cựa mình trong lòng đất, tượng trưng dương khí phục hồi; bậc tiên vương vì thế trong ngày Đông chí, dương khí bắt đầu lay động thì đóng cửa quan để tĩnh dưỡng; người buôn bán khách lữ hành không được đi xa, vua chúa không đi tuần thú bốn phương.
     [Tượng viết: Lôi tại địa trung, Phục, tiên vương dĩ chí nhật bế quan, thương lữ bất hành, hậu bất tỉnh phương.]
     Giải: ‘chí nhật’ tức là ngày Đông chí, ‘bế quan’ là đóng cửa ải; ‘tỉnh phương’ là đi thị sát bốn phương. Lời Đại tượng trước hết nêu tượng quẻ Phục, Chấn dưới là Lôi, Khôn trên là đất, chỉ sấm nổ trong lòng đất, chính là tượng trưng cho dương khí hồi phục; sau đó suy ra việc tiên vương nhìn tượng đó, thì vào ngày Đông chí dương khí bắt đầu hồi sinh, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng để giúp cho sự phát triển đi lên được thuận lợi, khách buôn đều không đi xa, vua chúa cũng không đi tuần sát bốn phương, cả thiên hạ cùng nghỉ ngời tĩnh dưỡng, nhằm giúp cho dương khí phục hồi.
      Bạch hổ thông – Chu phạt thiên viết: “Vì lẽ gì mà ngày Đông chí không xuất quân, không làm việc, đóng cửa quan, thương nhân lữ khách không đi xa. Bởi ngày đó dương khí còn nhỏ yếu, bậc vương giả tuân theo lý trời, để cho thiên hạ được yên tĩnh, không làm công việc gì nhằm cho giúp dương khí còn nhỏ bé, thành tựu muôn vật”.
      Xét, ‘chí nhật’, Vương Bật nói là ‘Đông chí Hạ chí’. Thượng Bỉnh hòa cũng nói: ‘Cả hai ngày chí’, lại nói ‘có lẽ ngày xưa trọng nhất hai ngày chí’. Đông chí ở nửa giờ Tý, tức là ở chỗ một nửa của tháng 11.
      Lý Đỉnh Tộ - Chu dịch tập giải dẫn lời Tống Trung nói: “Thương gia lữ khách không đi xa, từ thiên tử đến công hầu không đi tuần thú bốn phương, cốt để nâng đỡ dương khí, giúp cho dương khí được toại ý, để thành tựu vương đạo. Định ra chế độ là việc của vương giả, chấp hành chế độ là phận sự của quân hậu, cho nên trên thì nói ‘tiên vương’ mà dưới nói ‘hậu”.
      Sấm là âm dương gần nhau mà thành tiếng. Chu Hi nói: “Đóng cửa ải, ý nói như người đi vào đường mê mà biết trở lại, đó là cái mối thiện đã nảy mầm, phải nên bồi dưỡng cho lớn, nếu không thì các mầm thiện sẽ mất”.

      Lời hào Sơ cửu: Chưa đi xa (trên đường mê) mà biết quay lại chính đạo, thì không có tai họa hối hận gì, sẽ dẫn đến tốt lành.
      [Sơ cửu, Bất viễn phục, vô kỳ hối, nguyên cát.]
      Giải: ‘Bất viễn phục’ chỉ hào Sơ cửu một mình là dương ở dưới cả bầy âm, là ngôi đầu quẻ Phục, thể hiện rõ đạo ‘Phục’, có tượng chưa đi xa đã biết quay lại, cho nên vô tai vô hối, mà được nguyên cát. Vương Bật nói: “Chưa đi xa đã biết quay lại, vì hối hận mà biết quay trở lại, lấy đó sửa mình, tai ương hoạn nạn ắt lùi xa”.
      Lục Đức Minh – Kinh điển thích văn – dẫn lời Trịnh Huyền, giải thích ‘kỳ’ là ‘bệnh’. Thượng Bỉnh Hòa đã khảo sát kỹ trường hợp này, nói có lẽ Trịnh Huyền căn cứ vào Mao thi truyện, sau đó chỉ rõ ‘bệnh’ tức là tai họa; ‘Phục’ xuất nhập vô tật’ cho nên vô tai hối. Thuyết này nên theo. Chứng tỏ Lời quẻ giá trị hơn Lời hào.
      Xét, Tiểu tượng truyện của hào Sơ cửu nói nghĩa của lời hào ‘bất viễn phục’ là ‘tu thân’ (sửa mình) là suy diễn phát huy ngụ ý tượng trưng của lời hào. Hệ từ hạ truyện dẫn lời Khổng Tử giải thích nghĩa đó là ‘tri bất thiện vị thường phục hành’ (biết rõ là không tốt thì không bao giờ lặp lại). Trình Di theo đó mà bàn rằng: “Chưa đi xa đã biết quay trở lại, đó là con đường tu thân của người quân tử. Con đường học vấn không có gì khác, chỉ có một điều là biết là không tốt thì sửa ngay để theo cái tốt mà thôi”.
      Tiểu tượng nói: “Chưa đi xa thì quay lại đường ngay”, chứng tỏ hào Sơ cửu đã biết sửa mình vậy.
      [Tượng viết: “Bất viễn chi phục”, dĩ tu thân dã.]
      Giải: tượng truyện lấy câu ‘sửa mình’ để giải thích câu ‘không xa đã quay trở lại’, đây là phát triển và làm sáng tỏ ngụ ý tượng trưng trong lời hào. Khổng dĩnh Đạt nói: “Sở dĩ đi chưa xa đã quay trở lại sớm, là vì biết sửa mình cho tốt, biết lỗi thì sửa ngay”.

      Lời hào Lục nhị: Sự hồi chuyển trở lại tốt đẹp, cát tường.
      [Lục nhị, hưu phục, cát.]
      Giải: ‘hưu’ là tốt.
      Lời hào nói hào Nhị ở vào thời dương khí hồi phục, nhu trung đắc chính, cũng như gần người nhân, dưới người hiền, cho nên nhờ hồi phục sự tốt đệp mà được cát. Vương Bật nói: “Đắc vị, cư trung, ở trên gần hào Sơ mà phục thuộc vào nó, nên thuận theo nó, như vậy tức là ‘hạ nhân’ (ở dưới người nhân). Đã ở ngôi giữa, gần nhân, cạnh thiện, đó là ‘hưu phục”.
      Xét, dương cương là tượng trưng cho ‘nhân’ và ‘thiện’, hào Lục nhị lại khéo gần người nhân, đây là mấu chốt của cát. Chu Hi chỉ rõ: “Học không gì thuận tiện hơn là gần người nhân, đã có người nhân gần gũi, nhờ đức thiện của người ấy bồi đắp cho mình, thì sức đỡ tốn mà học tốt”.
      Tiểu tượng nói: “Quay trở lại một cách tốt đẹp thì được cát tường”, chứng tỏ hào Nhị có thể hạ mình xuống gần gũi với người có đức nhân.
      [Tượng viết: “Hưu phục chi cát”, dĩ hạ nhân dã.]
      Giải: Khổng dĩnh Đạt nói: “Đắc vị xử trung, gần gũi nhất với Sơ. Dương là đức nhân, mình lấy đức đó, hạ mình xuống thuận theo nó, thì là ‘hạ nhân’, là hồi phục một cách tốt đẹp, vì hạ mình xuống với người nhân, cho nên cát”.

      Lời hào Lục tam: Cau mày gắng gượng quay trở về, tuy có nguy hiểm nhưng không có tai hại.
      [Lục tam, Tần phục, lệ vô cữu]
      Giải: ‘tần’ là nhíu mày, cau mày; Vương Bật chú: “Tần, là dáng vẻ buồn bã nhăn mày”; Trình Di giải thích “tần là tần số” (nhiều lần). ‘Lệ’ là nguy.
      Lời hào nói hào Lục tam ở vào thời ‘dương khí hồi phục’, là hào âm, ở ngôi vị trên cùng của hạ quái, thất chính vô ứng, trên dưới đều là âm, có nhiều khó khăn trong việc ‘phục thiện’, cho nên có tượng ‘cau mày hồi phục’; lúc này ngôi vị của Lục tam tuy nhiều nguy hiểm, nhưng nếu biết là nguy mà cố gắng hồi phục thì cũng không có tai hại. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Lục tam thất vị, cho nên ‘tần phục’. Vì là ‘thất vị’, trên dưới đều âm, lại vô ứng, khó khăn có thẻ nói là cùng cực, cho nên ‘tần phục, lệ’. Biết nguy hiểm mà phấn đấu hồi phục, thì sẽ được vô cữu”. Thể nhu mà ở ngôi cương, thì thường dẫn tới ‘lẫn’, ‘lệ’, ứng với người thì có tượng cứ sửa lỗi rồi lại sửa tiếp lỗi, loại người không can đảm.
      Trình Di cho rằng Lục tam âm táo, ở ngôi vị động cực, nhiều lần ‘phục’ mà không được vững chắc. ‘Phục’ quý ở vững chắc, nhiều lần ‘phục’ thì nhiều lần hỏng, không thể yên ổn hồi phục. Phục thiện mà thất bị liên tiếp, thì con đường nguy. Tháng nhân mở ra con đường quay về thiện, nay ‘phục’ mà nguy vì liên tiếp thất bại, cho nên nói ‘lệ vô cữu’. Thuyết này khảo chứng thấy mang tính thực tiễn, tham cứu thêm.
      Tiểu tượng nói: “Cau mày gắng gượng hồi phục vì có nguy hiểm, nhưng Lục tam cố gắng quay lại chính đạo”, xét về ý nghĩa của vật, thì không có hại gì.
      [Tượng viết: “Tần phục chi lệ”, nghĩa vô cữu dã.]
      Giải: ‘nghĩa’ như  nói ‘ý nghĩa của sự phục thiện’. Trình Di giảng: “Nhiều lần hồi phục nhiều lần thất bại (tần phục). Tuy có nguy hiểm, nhưng về ý nghĩa của sự phục thiện thì vô cữu”.
      Lý Sỹ Trân nói: “Sửa lỗi mà hướng thiện, tuy nguy nhưng vô cữu”. Lễ ký nói: Hoặc ở yên mà trở lại, là tượng của hào Sơ. Hoặc lợi mà trở lại, là tượng của hào Nhị. Hoặc gắng gượng trở lại, là tượng của hào Tam. Những câu này dẫn lời trong Lễ KýTrung dung để giải thích tượng của ba hào Hạ quái, cũng có thể chấp nhận.

      Lời hào Lục tứ: Ở ngôi trung vị thực hành chính đạo mà chuyên tâm hồi phục.
      [Lục tứ, Trung hành, độc phục.]
      Giải: ‘Trung’ chỉ hào Lục tứ ở ngôi vị giữa trong 5 hào âm quẻ Phục. ‘Độc’, cũng như nói ‘chuyên tâm’ chỉ ý duy có Lục tứ ứng với Sơ cửu, ý tình chuyên nhất, cho nên có tượng ‘độc phục’. Hán thượng Dịch truyện dẫn lời Trịnh Huyền nói: “Hào ở giữa năm hào âm, ở giữa mà vào hàng chính vị, riêng có hào Tứ là ứng với hào Sơ thôi”. Trong Dịch, hai chữ ‘trung hành’ còn được nói tới ở lời hào Tam quẻ Ích: “trung hành cáo công dụng khuê’, và trong lời hào Ngũ quẻ Quải: “nghiễn lục, quải quải, trung hành, vô cữu”. Cao Hanh giải thích ‘trung hành độc phục’ là: “Cùng với người đồng hành, đến giữa đường thì bản thân lại một mình quay trở lại”.
      Lời hào nói hào Lục tứ ở vào thời ‘phục’, ở ngôi vị giữa năm hào âm, lại ở chính vị, trong năm hào âm chỉ mình hào này là ứng với hào dương Sơ cửu, tình càng chuyên nhất. Vương Bật nói: “Hào Lục tứ, trên dưới mỗi bên có hai hào âm, mà ở vào giữa lại được chính, dưới ứng với Sơ cửu, riêng một mình có thể hồi phục. Thuận đường này mà quay trở lại, không gì xâm phạm được, cho nên nói ‘trung hành độc phục”.
      Chu dịch chiết trung dẫn lời Liêu Xương Kỳ nói: “Đại để ‘phục’ sở dĩ là ‘phục’, toàn là ở hào Sơ, cũng như ý nghĩ ban đầu của con người vậy. Năm hào âm đều phục thế thôi, chỉ có Tứ trong các hào âm là có hướng riêng, cho nên có nghĩa ấy”. Lấy chất âm mà ở ngôi âm thì rất nhu nhược, tuy có chí theo cương mà cũng chẳng giúp được, cho nên không thể nói ‘vô cữu’. Ở giữa bầy âm cho nên cũng không nói là ‘cát’ hay ‘hung’.
      Hào Tam ở quẻ Bác và hào Tứ ở quẻ Phục về nghĩa cũng giống nhau, quẻ Bác thì lấy ‘thất thượng hạ’ để ứng với dương, quẻ Phục thì lấy ‘độc phục’ để theo đạo dương cương.
      Tiểu tượng nói: “Ở ngôi trung vị, thực hành chính đạo mà dốc lòng hồi phục”, chứng tỏ hào Lục tứ tuân theo chính đạo.
      [Tượng viết: “Trung hành độc phục”, dĩ tòng đạo dã.]
      Giải: lời Tiểu tượng truyện hào Tứ  giải thích nội hàm tượng trưng của lời hào Lục tứ “Trung hành độc phục”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Theo đạo mà quay trở lại, cho nên tượng nói ‘dĩ tòng đạo dã”. Trình Di giảng là: “Nói ‘độc phục’ là do nó theo đạo thiện của quân tử dương cứng”.

      Lời hào Lục ngũ: Hồi phục một cách chân thành đôn hậu, thì không có hối hận.
      [Lục tứ, đôn phục, vô hối.]
      Giải: ‘đôn’ là đôn hậu. Lục Đức Minh dẫn Hàn thi ngoại truyện giải nghĩa ‘đôn’ là ‘ép buộc’. Cao Hanh giải nghĩa ‘đôn’ nguyên gốc là ‘đôn đốc ép buộc’. Khi ta coi đây là chính sách thu phục nhân tâm của ngôi tôn quý, thì ta hiểu ‘đôn phục’ có nghĩa là ‘bị người đôn đốc ép buộc thì mới chịu quay về’. Lưu ý trong Mạnh Tử, thì ‘đôn’ cũng được dùng theo nghĩa ‘đôn đốc, giám sát’.
      Đây nói hào Lục ngũ ở vào thời ‘Phục’, thể nhu mà ở vào ngôi vị tôn quý, giữ được trung chính, có tượng chân thành tự xét mình, thành khẩn vươn tới thiện, cho nên tuy thất vị, vô ứng, vẫn có thể ‘đôn phục’, mà tránh được hối hận. Vương Bật nói: “Đôn hậu mà lại ở ngôi trung thì có thể tự xét mình, tuy chưa đến mức ‘hưu phục’ để được ‘cát’, nhưng đôn hậu hồi phục thì cũng tránh được hối”. Trình Di nói: “Lục ngũ có trung thuận, ở ngôi quân vị, là biết đôn hậu chân thành phục thiện, cho nên vô hối. Tuy vốn là thiện, nhưng vẫn có sự nhắc nhở trong đó. Khi dương phục đang yếu, với chất âm nhu mà cư tôn vị, dưới không có phụ trợ, chưa thể hanh cát, chỉ có thể ‘vô hối’ mà thôi”.
      Tiểu tượng nói: Quay trở lại một cách đôn hậu, thành khẩn thì không hối hận gì”, chứng tỏ hào Lục ngũ cư trung và có thể tự xét mình để quay về điều thiện.
      [Tượng viết: “Đôn phục vô hối”, trung dĩ tự khảo dã.]
      Giải: ‘khảo’ theo Trịnh Huyền giảng là ‘thành’, theo Hướng Tú giải thích ‘khảo là sát’, ‘Tự khảo’ như nói tự phản tỉnh xem xét mình, thành tựu mình.
      Trần Mộng Lôi đưa ra thuyết phân tích nghĩa hào rất sát rõ: “Hào Ngũ và hào Sơ không gần gũi, không ứng nhau mà trở lại, đó là biết nguy khốn song mệt mỏi gắng gượng mà làm, cho nên nói ‘tự khảo’. ‘Tự’ tức ý nói là ‘người thì một phần ta thì trăm phần’. Cho nên hào Ngũ vốn xa hào dương, nhưng vốn ở ngôi giữa mà có thể thuận. Nhờ hào Tứ tự trở lại mà mình càng có quyết tâm hơn, lại thêm có được sự đôn hậu, cho nên có thể thành tựu cho mình”.

      Lời hào Thượng lục: Vào lối mê mà không biết trở lại, có hung hiểm, có tai họa. Dùng vào việc hành quân đánh giặc, sẽ thất bại thảm hại. Dùng vào việc trị nước, thì nước loạn vua nguy, đến mười năm sau cũng không thể chấn hưng phát triển được.
      [Thượng lục, Mê phục, hung, hữu tai sảnh. Dụng hành sư chung hữu đại bại; dĩ kỳ quốc, quân hung, chí vu thập niên bất khắc chinh.]
      Giải: ‘mê phục’ là mê không biết quay trở lại. ‘Tai sảnh’ là tai ương hoạn nạn. Trịnh Huyền chú giảng là : “Tai dị sinh ra từ bên trong gọi là ‘sảnh’, từ bên ngoài gọi là ‘tường’. Hại vật gọi là ‘tai”. Trình Di tiếp theo ý của Trịnh Huyền nói: “Tai là thiên tai từ ngoài đưa đến; ‘sảnh’ là lỗi của mình, tự mình gây ra”. ‘Dụng’ là dụng vào. ‘Thập niên’ ý nói thời gian dài. ‘Chinh’ là tiến lên, như nói chấn hưng phát triển.
      Lời hào nói rõ về hào Thượng ở vào thời ‘Phục’, thể âm ở cuối quẻ, không ứng với hào dương Sơ cửu, không thừa theo ai ở trên, là tượng mê muội không biết quay lại, cho nên nói ‘hung, hữu tai sảnh’, có nghĩa là hoạn nạn vừa ở trong vừa ở ngoài. Lúc này hào Thương lục đã bước vào lối mê mà không biết quay lại, nếu dùng để hành quân, trị nước, thì tất sẽ thất bại, hại vua, sẽ đem lại hậu quả rất nguy hại, cho nên nói ‘chung hữu đại bại’, ‘quân hung’, ‘thập niên bất khắc chinh’.
      Trình Di nói: “Thể âm nhu ở ngôi cuối quẻ Phục, đó là mê mà không biết quay lại, mê mà không biết quay lại thì sự hung không nói cũng rõ. ‘Hữu tai sảnh’, ‘tai’ là thiên tai, sinh ra từ ngoài, ‘sảnh’ là lỗi của mình, do mình gây ra. Đã mê mà không biết phục tỉnh, thì với mình, làm gì cũng sai, tai họa cũng tà ngoài đến, và cũng do tự mình vời gọi lại. Lạc đường không quay trở lại, không làm còn đỡ, dùng vào việc hành quân ắt sẽ đại bại; dùng vào việc trị nước thì nguy cho vua. Mười năm, là cực số chỉ sự nhiều nhất, còn như nói ‘thập niên bất khắc chinh’, chính là nói ‘cuối cùng không thể làm gì được”.
      Thượng Bỉnh Hòa giảng là: “Bất khắc chinh’ là nói ‘không thể hưng khởi được’. Nước và vua chịu tai họa, cái gốc chịu lay chuyển, cho nên hung đến mười năm”.
      Hồ Bính Văn nói: “Mê phục’ là trái với ‘bất viễn phục’; ‘thập niên bất khắc chinh’ là trái với ‘thất nhật lai phục”. Có thể thấy hào Thượng quẻ Phục ở mãi tận cùng quẻ Phục, đã hoàn toàn lìa bỏ con đường hồi phục, cho nên Lời hào dùng ‘hung’, ‘tai sảnh’ để cảnh cáo.
      Tiểu tượng nói: “Sự hung hiểm của việc lạc vào đường sai lầm mà không biết quay trở lại”, chứng tỏ hào Thượng lục đi ngược lại con đường của bậc quan chủ dương cương.
      [Tượng viết: “Mê phục chi hung”, phản quân đạo dã.]
      Giải: ‘Phản’ là đi ngược lại. Âm là bề tôi, Dương là vua. Hào Thượng đi sai đường mà không biết con đường phục dương, cho nên nói ‘phản quân đạo’.
      Tả truyện – Tương công năm thứ 28 giải thích ‘mê phục hung’ là ‘bỏ mất gốc’. Mã Kỳ Sưởng nói: “Âm không theo dương”. Thuyết này có thể theo.
      Lời hào Thượng cho thấy hào Thượng một thái độ khăng khăng mù quáng, không chịu cải hối, thuộc thành phần bất trị, và hậu quả của thái độ u mê đó là nước mất nhà tan.

      LỜI BÀN
      Quẻ Phục biểu thị rõ tình trạng chính khí quay trở lại, nêu rõ sự phục hưng của chính đạo là quy luật tự nhiên không gì ngăn cản được. Lời quẻ ca ngời Khí dương cương mới hồi phục, thông suốt không trở ngại, nhanh chóng có lợi cho muôn vật và sức sống tái phát của sự vật, chứng tỏ ‘Phục’ tất nhiên dẫn đến ‘hanh’.
      Sáu hào trong quẻ, thì hào Sơ là gốc của sự hồi phục, là biểu tượng cho đức ‘nhân’ và ‘thiện’. Tấm lòng của trời đất sinh sôi nuôi dưỡng vạn vật mà Thoán truyện nói, chính là ở hào dương Sơ cửu này. Do đó trong năm hào âm, hào nào tương đắc với Sơ dương thì đều được tốt lành ‘phục thiện’. Hào Nhị gần gũi hào Sơ, được gọi bằng tên đẹp ‘hạ nhân’ (đức nhân ở dưới). Hào Tứ ứng với Sơ, được khen là ‘tòng đạo’. Ba hào âm còn lại, với hào Sơ chưa từng tương đắc, nhưng hào Tam ở ngôi vị dương, có thể cố gắng phục thiện mà được vô cữu. Hào Ngũ cao cư tôn vị, đôn hậu phục thiện nên được vô hối. Chỉ có hào Thượng là đi ngược lại với hào Sơ dương, mê muội không biết ‘Phục’, cuối cùng gặp tai hung.
      Qua đó, thấy được quẻ Phục, với sự giúp đỡ của dương cương, là nói về sự ‘mỹ thiện’, ý nghĩa tượng trưng của nói coi việc ‘phục thiên xu nhân’ (trở lại đường thiện, đi theo đức nhân) là mục đích. Chu dịch thiển thuật – Trần Mộng Lôi nói: “Sự bắt đầu lay động của một hào dương trong trời đất, cũng như sự manh nha ý niệm thiện của con người, là điều thánh nhân coi trọng nhất”. Đây chính là nghĩa của quẻ Phục.
      Hệ từ hạ truyện dẫn lời Khổng Tử khen Nhan Hồi nói: “Chưa từng không biết sự bất thiện, biết rồi chưa từng phạm lại”. Khuất Nguyên – Ly tao nói: “Hồi trẫm xa dĩ phục lộ hề, cập hành mê chi vị viễn” (Quay đầu xe trở lại đường cũ chừ, kịp khi chưa đi xa trên lối mê). Hai lời nói của Khổng Tử và Khuất Nguyên đều thể hiện cụ thể mỹ đức ‘phục thiện’ của quẻ Phục đã nói tới trong Dịch.

  
     
     

Khôn - Văn ngôn truyện

     
      Văn ngôn viết: Khôn chí nhu nhi động dã cương, chi tĩnh nhi đức phương. Hậu đắc chủ nhi hữu thường, phàm vạn vật nhi hóa quang. Khôn đạo kỳ thuận hồ ! Thừa thiên nhi thời hành.
      Dịch: Văn ngôn nói: Đất rất nhu thuận nhưng khi biến động thì tỏ ra cứng mạnh, rất yên tĩnh nhưng phẩm đức mềm, đẹp tràn lan khắp bốn phương. Đi theo sau người thì có người làm chủ, do đó giữ được thuận đức lâu dài, bao chứa tất cả, rộng chở muôn vật mà rọi tỏa muôn ngàn hào quang. Quy luật mà đất thể hiện thật là nhu thuận biết bao ! Nó bẩm thừa ý chí của trời để thuận theo bốn mùa mà vận hành cho thích đáng.

      Tiết 1: Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương. Thuần thí kỳ quân, tử khí kỳ phụ, phi nhất chiêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả tiệm hĩ ! Do biện chi bất tảo biện dã. Dịch viết: Lý sương kiên băng chí, cái ngôn thuận dã.
      Dịch: Nhà nào tích chứa điều thiện thì tất có thừa phúc. Nhà nào tích chứa điều ác thì tất có thừa tai vạ. Việc bề tồi giết Vua, con giết Cha, nguyên do không phải một sớm một chiều, mà đã có manh như từ lâu ! Là do Vua và Cha không biết nhận ra chân tướng từ sớm vậy. Dịch nói: Dẫm lên sương mỏng là sẽ đón đợi băng dày, đại để ví với sự phát triển của các sự vât âm ác bao giờ cũng theo một chiều hướng nhất định.

      Tiết 2: Trực kỳ chính dã, phương kỳ nghĩa dã. Quân tử kính dĩ trực nội, nghĩa dĩ phương ngoại. Kính nghĩa lập nhi đức bất cô. Trực phương đại, bất tập vô bất lợi, tắc bất nghi kỳ sở hành dã.
      Dịch: Trực nói lên phẩm chất thuần chính, phương nói lên hành vi thích nghi. Người quân tử cung kính không cẩu thả do đó thúc đẩy sự chính thực của nội tâm, hành vi thích hợp do đó thúc đẩy ngoại vật đoan phương. Nếu cung kính không cẩu thả, hành vi thích hợp thì có thể khiến đức đẹp lan rộng mà không cô lập. Ngay thẳng vuông vức, to lớn thì dù không học cũng vị tất không được lợi, nói lên đức đẹp đầy khắp, mọi hành vi đều không phải ngờ sợ.

      Tiết 3: Âm tuy hữu mỹ, hàm chi dĩ tòng vương sự, phất cảm thành dã. Địa đạo dã, thê đạo dã, thần đạo dã. Địa đạo vô thành nhi đại hữu chung dã.
      Dịch: Âm mềm là kẻ dưới, mặc dầu có đức đẹp chỉ nên chứa giữ không để lộ mà nên lấy nó để giúp dập cho sự nghiệp của đấng quân vương, không dám nhận sự thành công là do của mình. Đó là đạo lý thuận trời, đạo lý theo chồng, đạo lý tôi trung với vua. Đạo lý thuận trời được thể hiện ở chỗ thành công không nhận là do ở mình, mà còn phải giúp dập cho trời, phụng sự đến cùng.

      Tiết 4: Thiên địa biến hóa thảo mộc phồn; thiên địa bế, hiền nhân ẩn. Dịch viết : Quát nang vô cữu vô dự. Cái ngôn cẩn dã.
      Dịch: Trời đất xoay vần biến đổi cây cỏ xum xê tươi tốt; trời đất bế tắc hôn ám, người hiền mai danh ẩn tích. Dịch nói: Thắt chặt miệng túi, tránh được cữu hại mà không cần được khen. Đại để ví với lẽ cần cẩn thận trong xử thế.

      Tiết 5: Quân tử hoàng trung thông lý, chính vị thế, mỹ tại kỳ trung, nhi xướng ư tứ chi, phát ư sự nghiệp: mỹ chi chí dã !
      Dịch: Chất đẹp của người quân tử sánh được với sự trung hòa và thông đạt văn lý của sắc vàng, nó lại được ở ngôi vị chính đáng, tài đức tồn nén trong tâm, lan tỏa khắp tứ chi, phát huy vào sự nghiệp: Đó là chất đẹp của sự tốt đẹp vậy !

      Tiết 6: Âm nghi ư dương tất chiến. Vi kỳ hiềm ư vô dương dã, cố xưng long yên; do vị ly kỳ loại dã, cố xưng huyết yên. Phu huyền hoàng giả, thiên địa chi tạp dã: Thiên huyền nhi địa hoàng.
      Dịch: Khí âm ngưng tình ở khí dương nên tất sẽ giao hợp với nhau. Người làm Dịch sợ người đọc nghi quẻ Khôn không có hào Dương, cho nên trong lời hào gọi rồng để đại diện cho dương, lại vì âm không hề rời dương trong sự phối ngẫu, nên trong lời hào dùng chữ ‘máu’ để chỉ hai khí âm dương giao hợp. Thế là máu chảy ra đen vàng lẫn lộn, đây là nói máu của trời đất, âm dương hòa lẫn nhau, máu trời mầu đen, máu đất mầu vàng.

Càn - Văn ngôn truyện - Chương 2

     
        Tiết 1: Tiềm long vật dụng, hạ dã; hiện long tại điền, thời xá dã; hoặc dược tại uyên, tự thí dã; phi long tại thiên, thượng trị dã; kháng long hữu hối, cùng chi tai dã; Càn nguyên dụng cửu, thiên hạ trị dã.
      Dịch: Rồng lớn ẩn mìn dưới nước tạm thời chưa thi thố được tài năng, nói lên địa vị thấp hèn. Rồng lớn đã xuất hiện trên cánh đồng, nói lên thời thế bắt đầu mở ra triển vọng. Suốt ngày hăng hái tự cường, nói lên trong thực tiễn đã có thể làm lên sự nghiệp. Hoặc bay vượt lên trước hoặc lui nấp dưới vực, nói lên đang tự đánh giá được mình. Rồng lớn bay cao trên trời, nói lên đã hình thành được một cục diện chính trị tốt nhất. Rồng lớn bay cao đến cùng cực cuối cùng sẽ có sự hối hận, nói lên tai nạn do sự cùng cực đem đến. Trời có đức nguyên thủy mà dùng số chín, nói lên thiên hạ đại trị là thế tất nhiên.

      Tiết 2: Tiềm long vật dụng, dương khí tiềm tàng; Hiện long tại điền, thiên hạ văn minh. Chung nhật càn càn, dữ thời giai hành. Hoặc dược tại uyên, Càn đạo nãi cách. Phi long tại thiên, nãi vi hồ thiên đức. Kháng long hữu hối, dữ thời giai cực. Càn nguyên dụng cửu, nãi kiên thiên tắc.
      Dịch: Rồng lớn ẩn mình dưới nước tạm thời chưa thi thố được tài năng, nói lên dương khí tiềm tàng chưa xuất hiện. Rồng lớn đã xuất hiện trên cánh đồng, nói lên thiên hạ tưng bừng xán lạn. Suốt ngày hăng hái tự cường, nói lên ý tranh thủ thời gian tiến lên trước. Hoặc bay vượt lên trước hoặc lui nấp dưới vực, nói lên đạo trời chuyển hóa, xuất hiện sự biến cách. Rồng lớn bay cao trên trời, nói lên khí dương vượng thịnh bốc lên tận ngôi trời có đầy đủ đức đẹp của trời. Rồng lớn bay cao đến cùng cực cuối cùng sẽ có sự hối hận, nói lên ý đã ở vào thời vận cùng cực cũng phải cùng cực. Trời có đức nguyên thủy mà dùng số chín, đó là thể hiện phép tắc của thiên nhiên.

     Tiết 3: Càn nguyên giả, thủy nhi hanh giả dã. Lợi trinh giả, tính tình dã. Càn thủy năng dĩ mỹ lợi lợi thiên hạ, bất ngôn sở lợi đại hĩ tai. Đại tai Càn hồ ! Cương kiên trung chính, thuần túy tinh dã. Lục hào phát huy, bàng thông tình dã. Thời thăng lục long, dĩ ngự thiên dã. Vân hành vũ thi, thiên hạ bình dã.
      Dịch: Quẻ Càn tượng trưng cho trời nguyên thủy, nói lên đức đẹp của trời là ở chỗ khởi đầu sáng tạo ra muôn vật và khiến cho chúng hanh thông. Hài hòa có lợi trinh chính chắc bền, là bản tính và nội tình mà trời hàm chứa trong nó. Trời vừa bắt đầu là đã có thể đưa lợi ích tốt đẹp làm lợi cho thiên hạ và cũng không nói lợi ích và ơn huệ đó là do mình ban, đó là lợi ích và ơn huệ vô cùng lớn ! Trời vĩ đại thay ! Cứng mạnh chắc khỏe, ở ngôi giữa, giữ điều chính, thể chất không tạp, thuần túy đến mức tinh. Sự vận động biến hóa của sáu hào khiến quẻ Càn đã phát triển tình lý đến mức thấm sâu vào muôn vật; cũng như thuận theo thời tiết cưỡi sáu rồng, thúc đảy chúng đi nhanh mà giá ngự thiên nhiên. Mây bay mưa đổ, đem thái bình đến cho thiên hạ.

      Tiết 4: Quân tử dĩ thành đức vi hành, nhật khả kiến chi hành dã. Tiềm chi vi ngôn dã, ẩn nhi vị kiến, hành nhi vị thành, thị dĩ quân tử phất dụng dã.
      Dịch: Người quân tử lấy sự thành tựu trong đạo đức làm mục đích của hành động, đó là hành vi mà mỗi ngày đều có thể bộc lộ ra. Chữ tiềm mà Lời hào Sơ nói nghĩa là còn ẩn náu mà chưa lộ diện, hành động còn chưa tỏ rõ. Cho nên người quân tử tạm thời chưa thi thố tài năng.

      Tiết 5: Quân tử học dĩ tụ chi, vấn dĩ biện chi, khoan dĩ cư chi, nhân dĩ hành chi. Dịch viết: hiện long tại điền lợi hiện đại nhân, quân đức dã.
      Dịch: Bậc quân tử dựa vào việc để tích lũy tri thức, dựa vào việc hỏi để biện biệt, quyết đoán mọi điều nghi nan, lòng dạ rộng rãi để được ngôi vị thích đáng, trong lòng tồn giữ điều nhân ái, từ đó thể hiện ra hành vi. Dịch nói: Rồng lớn đã xuất hiện ở cánh đồng lợi về sự xuất hiên đại nhân, bậc đại nhân như thế là có đầy đủ phẩm đức của vị quốc quân.

     Tiết 6: Cửu tam trùng cương nhi bất trung, thượng bất tại thiên, hạ bất tại điền, cố càn càn nhân kỳ thời nhi thích, tuy nguy vô cữu hĩ.
      Dịch: Hào Cửu tam là do nhiều tầng dương cứng chồng lên mà thành, không được ở chính giữa, trên không với tới trời cao, dưới không chạm tới mặt đất, cho nên phải không ngừng hăng hái tự cường, luôn phải giữ cảnh giác, được như thế thì tuy nguy hiểm mà không gặp phải cữu hại.

      Tiết 7: Cửu tứ trùng cương nhi bất trung, thượng bất tại thiên, hạ bất tại điền, trung bất tại nhân, cố hoặc chi. Hoặc chi giả, nghi chi dã, cố vô cữu.
      Dịch: Hào Cửu tứ là do nhiều lần dương cứng chồng lên mà thành, không được ở chính giữa, ngôi vị không chính trung; trên không với tới trời, dưới không chạm mặt đất, giữa không ở cảnh người, cho nên nhấn mạnh chữ 'hoặc'. Ý nghĩa của sự nhấn mạnh chữ 'hoặc' là muốn nói lên cần phải có sự nghi hoặc mà suy xét nhiều mặt, như vậy thì không thể gặp điều cữu hại.

     Tiết 8: Phu đại nhân giả, dữ thiên địa hợp kỳ đức, dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh, dữ tứ thời hợp kỳ tự, dữ quỷ thần hợp kỳ cát hung. Tiên thiên nhi thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thời. Thiên thả phất vi, nhi huống vu nhân hồ ? huống vu quỷ thần hồ ?
     Dịch: Bậc đại nhân mà lời hào Ngũ nói có đạo đức giống như trời đất che chở cho muôn vật. Sự sáng suốt như thần thánh của ông chiếu khắp mặt đất như mặt trời mặt trăng. Sự cầm quyền trị nước của ông rành rẽ thứ tự như bốn mùa. Sự thi thố về mặt cát hung của ông vi diệu khó lường như quỷ thần. Ông đi trước trời mà trời đồng tình, ông đi sau trời mà vẫn thuận với quy luật thiên nhiên. Trời còn không trái với ông huống hồ là người ? Huống hồ là quỷ thần ?

      Tiết 9: Kháng chi vi ngôn dã, tri tiến nhi bất tri thoái, tri tồn nhi bất tri vong, tri đắc nhi bất tri táng. Kỳ duy thánh nhân hồ ! Tri tiến thoái tồn vong, nhi bất thất kỳ chính giả, kỳ duy thánh nhân hồ !
      Dịch: Lời hào Thượng nói về ý nghĩa của chữ 'kháng', đó là nói về một số người chỉ biết tiến thủ mà không biết kịp thời thoái lui, chỉ biết sự sinh tồn mà không biết rằng cuối cùng sẽ đến lúc suy vong, chỉ biết có thu lợi mà không biết rằng có được tất có mất. Nói chung chỉ có bậc thánh nhân mới biết rõ những điều này mà thôi ! Hiểu sâu sắc về các lẽ tiến thoái, sinh tồn, diệt vong, hành động theo đường lối chính xác, không thiên lệch, nhìn chung chỉ có bậc thánh nhân mà thôi !
      
      

Càn - Văn ngôn truyện - Chương 1

    
      Văn ngôn viết: Nguyên giả, thiện chi trưởng dã; hanh giả, gia chi hội dã; lợi giả, nghĩa chi hòa dã; trinh giả, sự chi cán dã. Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân, gia hội túc dĩ hợp lễ, lợi vật túc dĩ hòa nghĩa, trinh cố, túc dĩ cán sự. Quân tử hành thử tứ đức giả, cố viết "Càn: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh".
      Dịch: Nguyên thủy là bậc tôn trưởng của mọi việc thiện; hanh thông là sự hội hợp của mọi điều tốt đẹp; có lợi là sự hài hòa của việc nghĩa; chính bền là cái gốc của hành sự. Bậc quân tử lấy lòng nhân làm bản thể thì có thể làm bậc tôn trưởng của mọi người, cầu tìm sự hội hợp của các điều tốt đẹp thì phù hợp với lễ, làm cho mọi vật khác cùng được lợi là phù hợp với nghĩa, kiên trì sự tiết tháo của chính bền thì có thể làm được việc tốt. Bậc quân tử là người có bốn cái đức đẹp này, cho nên nói: 'quẻ Càn tượng trưng cho trời: nguyên thủy, hanh thông, hài hòa có lợi, trinh chính chắc bền.  

      Sơ cửu viết: Tiềm long vật dụng, hà vị dã ? Tử viết: Long đức chi ẩn giả dã. Bất dịch hồ thế, bất thành hồ danh; độn thế vô muộn, bất kiến thị nhi vô muộn; lạc tắc hành chi, ưu tắc vi chi, xác hồ kỳ bất khả bạt, tiềm long dã.
      Dịch: Lời hào Sơ cửu nói: Rồng lớn ẩn mình dưới nước, tạm thời chưa thi thố được tài năng. Nói thế có nghĩa là gì ? Khổng Tử nói: Đây là ví với người có đức như con rồng mà phải ẩn cư. Ông ta không bị thế tục ô trọc làm thay đổi tiết tháo, không bị mê hoặc luyến tiếc bởi sự thành tựu trong công danh, ông ta xa rời trốn tránh khỏi thế tục cũng không đau khổ, vui thì làm không vui thì không làm, có được ý chí kiên định không chút dao động. Người như vậy gọi là rồng lớn còn ẩn náu. 

      Cửu nhị viết: Hiện long tại điền, lợi hiện đại nhân, hà vị dã ? Tử viết: Long đức nhi chính trung giả dã. Dung ngôn chi tín, dung hạnh chi cẩn; nhàn tà tổn kỳ thành, thiện thế như bất phạt, đức bác nhi hóa. Dịch viết: hiện long tại điền, lợi hiện đại nhân, quân đức dã.
      Dịch: Lời hào Cửu nhị nói: Rồng lớn đã xuất hiện ở cánh đồng, lợi về sự xuất hiện đại nhân, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Câu này là ví với người có đức độ mà lập thân trung chính như rồng, tuy là câu nói bình thường, nhưng đã nói là làm, hành động hàng ngày của ông ta cẩn thận đúng mực, ngăn điều tà giữ điều thành thật, hành vi tốt đẹp của ông ta vĩ đại mà không cậy công, đức rộng mà cảm hóa được mọi người. Dịch nói: Rồng lớn đã xuất hiện ở cánh đồng, lợi về sự xuất hiện đại nhân, chính là nói lên ý đã xuất hiện người hiền có đầy đủ phẩm chất của bậc quân chủ.

      Cửu tam viết: Quân tử chung nhật càn càn, tịch thích nhược, lệ vô cữu, hà vị dã ? Tử viết: Quân tử tiến đức tu nghiệp. Trung tín, sở dĩ tiến đức dã. Tu từ lập kỳ thành, sở dã cử nghiệp dã. Tri chí chí chi, khả dữ ngôn cơ dã. Tri chung chung chi, khả dữ tồn nghĩa dã. Thị cố thượng vị nhi bất kiêu, tại hạ vị nhi bất ưu. Cố càn càn nhân kỳ thời nhi thích, tuy nguy vô cữu hĩ.
      Dịch: Lời hào Cửu tam nói: Người quân tử cả ngày hăng hái tự cường, cho tới tận đêm khuya lúc nào cũng cảnh giác, thận trọng trong hành động, như vậy dù có gặp nguy hiểm cũng tránh được cữu hại, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Đây là ví với người quân tử muốn được tiến đức, sửa nghiệp. Trung tín là để tiến đức, sửa lời nói dựng điều thành thực là có thể tích súc công danh sự nghiệp. Người mà biết được mục tiêu tiến thủ và cố gắng thực hiện được nó, thì ta có thể cùng người đó trao đổi về những điều cơ vi trong sự phát triển của sự vật. Người mà biết được lúc nên dừng mà dừng đúng lúc thì với người đó, ta có thể cùng họ giữ được trạng thái thích nghi trong quá trình phát triển của sự vật. Người như vậy thì có thể ở địa vị trên mà không kiêu ngạo, ở địa vị thấp mà không ưu sầu. Cho nên, nếu ta có thể giữ được sự hăng hái, mạnh mẽ cho lâu dài, trong hành động luôn cảnh giác, thận trọng thì dù có gặp nguy hiểm cũng tránh được điều cữu hại.

      Cửu tứ viết: Hoặc dược tại uyên, hà vị dã ? Tử viết: Thượng hạ vô thường, phi vi tà dã; tiến thoái vô hằng, phi vi quần dã. Quân tử tiến đức tu nghiệp, dục cập thời dã, cố vô cữu.
      Dịch: Lời hào Cửu tứ nói: Hoặc bay vượt lên trước, hoặc lui nấp dưới vực, tất không cữu hại, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Đây là nói sự thăng lên giáng xuống của người hiền là không nhất định, miễn là không xuất phát từ tà ý; sự tiến thủ hoặc thoái lui của người đó là không nhất định, miễn là không xa rời mọi người. Người quân tử tăng đức, sửa nghiệp là muốn nắm lấy thời cơ để tiến thủ, vì thế mà tất vô cữu hại.

      Cửu ngũ viết: Phi long tại thiên, lợi hiện đại nhân, hà vị dã ? Tử viết: Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo; văn tòng long, phong tòng hổ; thánh nhân tác nhi vạn vật đổ; bản hồ thiên giả thân thượng, bản hồ địa giả thân hạ, tắc các tòng kỳ loại dã.
      Dịch: Lời hào Cửu ngũ nói: Rồng lớn bay cao trên trời, lợi về sự xuất hiện đại nhân, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Đây là ví với âm thanh cùng loại thì cảm ứng nhau, hơi khí cùng dạng thì cầu hợp nhau; nước chảy xuống chỗ trũng ướt, lửa lan tới chỗ khô, mây lành theo tiếng rồng kêu, gió khe theo tiếng hổ gầm mà sinh. Thánh nhân mặc sức trị thế mà muôn vật tỏ sáng dễ thấy, cái gì dựa vào trời thì thân cận với trên, cái gì dựa vào đất thì thân cận với dưới, vật nào theo với loại vật ấy mà phát huy tác dụng.

      Thượng Cửu viết: Kháng long hữu hối, hà vị dã ? Tử viết: Quý nhi vô vị, cao nhi vô dân, hiền nhân tại hạ vị nhi vô phụ, thị dĩ động nhi hữu hối dã.
      Dịch: Hào Thượng cửu nói: Rồng lớn bay cao đến cùng cực, cuối cùng sẽ có sự hối hận, nói thế có nghĩa gì ? Khổng Tử nói: Đó là ví với một loại người tôn quý nào đó mà không có thực vị, ngôi ở rất cao nhưng không quản được trăm họ, tuy có người hiền tài ở dưới nhưng lại không có người trợ giúp, cho nên nếu một ngày nào đó có sự khinh suất mà vọng động thì sẽ có sự hối hận.
  



     

Quẻ Ký tế

     
     Ký tế là một trong 64 quẻ, có thứ tự quẻ 63 trong Kinh, có nghĩa tượng trưng cho "việc đã thành". Đó là mượn câu "thiệp thủy dĩ cánh" (lội nước đã xong) để chỉ về việc đã thành. 

      Lời quẻ nói: Quẻ Ký tế tượng trưng cho việc đã thành, lúc đó cả những cái mềm yếu bé nhỏ cũng đạt được hanh thông, lợi ở việc giữ gìn ngay chính; nếu không thận trong gìn giữ thành quả đã đạt được, thì lúc đầu là tốt đẹp chung cục là nguy nan.
      [Ký tế, hanh tiểu, lợi trinh; Sơ cát chung loạn.]
     Giải: 'ký tế' là tên quẻ, vốn chỉ về việc qua sông đã xong, lấy làm tên quẻ để tượng trưng cho "việc đã thành". 'Hanh tiểu' cũng như nói 'tiểu hanh', 'tiểu' chỉ âm nhu nhược tiểu. Lời quẻ nói rõ: lúc đã qua được sông rồi (ký tế), thì không riêng chỉ những cái lớn mạnh mới hanh thông, mà ngay cả những cái bé nhỏ yếu mềm cũng hanh thông. Nhưng lúc đó cần phải "thủ chính", sáu hào trong quẻ đều có được "chính vị", tức là thấy được Tượng của việc thủ chính, vì vậy mới nói 'hanh tiểu, lợi trinh'.
      Tuy nhiên, sau khi "việc đã thành", cần phải thận trọng giữ gìn những thành quả đã đạt được, vào lúc ấy nếu không chăm lo vun đắp đức nghiệp, kiêu xa dâm dật, làm những điều xằng bậy, thì tất sẽ đi đến chỗ nguy loạn, vì vậy mà lời quẻ đã đặc biệt đưa ra lời cảnh báo "Sơ cát chung loạn".
      Kinh điển thích văn - Lục Đức Minh dẫn lời Trịnh Huyền nói: "Ký là đã, là hết thảy; tế là qua sông". Khổng Dĩnh Đạt nói: "Tế là tên chỉ việc qua sông; ký là hết thảy đều đã xong. Muôn việc đều đã xong cả nên lấy Ký tế làm tên quẻ. Muôn sự đã xong cả, nếu còn việc nhỏ chưa xong, thì như vậy cũng là có việc chưa xong (vị tế); vì thế mới có câu 'ký tế, hanh tiểu'. Nhỏ còn hanh thông huống chi là lớn. Vậy là lớn bé cương nhu đều ổn đáng trong vị thế. Vào lúc đó, nếu không giữ trinh chính thì sẽ bất lợi, cho nên mới nói 'lợi trinh'. Nhưng người đời đều không biết lúc yên ổn phải nhớ tới lúc gian nguy, thận trọng lúc cuối cũng như lúc đầu, vì thế mới răn rằng ngày nay là lúc 'việc đã xong' (ký tế), tuy tất cả đều cát lợi, nhưng nếu không chăm lo vun đắp đức nghiệp thì đến chung cục nguy loạn sẽ tới, cho nên mới nói 'sơ cát chung loạn".
      Xét, lời quẻ "ký tế, hanh tiểu, lợi trinh", Chu dịch tập giải - Lý Đỉnh Tộ dẫn lời chú thích của Ngu Phiên, coi 'hanh tiểu' là một câu. Vì vậy, trong Kinh điển thích văn - Lục Đức Minh cũng tách 'hanh tiểu' ra, và nói rằng: "Ngắt câu đọc 'tiểu' liền với 'lợi trinh' là sai". Người đời sau, đối với vấn đề này, có nhiều cách nhìn khác nhau, nay nêu ra 3 thuyết để tham khảo. 1. Chu Hi cho rằng: "hanh tiểu nên đọc là tiểu hanh", và nói rằng: "Ký tế, hanh", trong Thoán truyện, trước chữ 'hanh' nên có thêm chữ 'tiểu'. 2. Mao Kỳ Linh cho rằng nên đọc là: "Ký tế hanh, tiểu lợi trinh". 3. Du Việt cho rằng chữ 'tiểu' là chữ thừa, lý do là Thoán truyện nói: "Ký tế, hanh, tiểu giả hanh dã; lợi trinh, cương nhu chính nhi vị đáng dã", như vậy thì lời quẻ vốn không có chữ 'tiểu', ông còn chỉ ra rằng: "Người cho rằng có chữ 'tiểu' là dựa vào câu "hanh, tiểu hồ ngật tế" trong quẻ Vị tế mà thêm vào". Thượng Bỉnh Hòa tán thành thuyết của Du Việt, cho rằng cứ dựa vào Thoán truyện mà xét, thì thừa chữ là rõ ràng, không nghi ngờ gì nữa. Nay xét Bạch thư chu dịch tìm được ở trong mộ Hán ở Mã Vương Đôi, thì thấy cũng có chữ 'tiểu', đủ biết rằng nếu chữ này là thừa, thì có lẽ sách Chu Dịch mà người thời Tây Hán dựa vào để sao chép thành Bạch thư cũng đã có chữ thừa này rồi.
      Lại xét, Chu dịch thượng thị học - Thượng Bỉnh Hòa giải thích tên quẻ Ký tế thành "chung chỉ" (ngừng, dừng, kết thúc), nói rằng: "Vào buổi đầu của Ký tế, trên dưới đều ngôi vị thỏa đáng, dân và vật đều được yên ổn thích nghi, vì vậy mới nói 'lúc đầu là cát tường'. Nhưng đạo của Dịch quý ở chỗ biến thông, không ngừng nghỉ, dừng lại mà kết thúc ở đây, là đạo của Dịch đến chỗ cùng rồi, vì vậy mới nói 'chung cục là nguy loạn'. Thêm một thuyết để thấy được sự khảo cứu về Dịch học vậy.

     Thoán truyện nói: Việc đã thành, hanh thông, lúc đó ngay cả những cái bé nhỏ mềm yếu cũng đều được hanh thông. Lợi ở chỗ giữ bền ngay chính, chứng tỏ dương cương âm nhu đều hành động đoan chính và ở vị thế thích đáng. Lúc đầu tốt đẹp, chứng tỏ: khi ấy đã dựa vào đức nhu thuận để giữ vững trung chính, không thiên lệch. Cuối cùng nếu dừng việc tu đức giữ chính, thì sẽ dẫn đến nguy loạn, chứng tỏ con đường dẫn đến thành công đã đến chỗ bế tắc.
      [Thoán viết: Ký tế, hanh, tiểu giả hanh dã. Lợi trinh, cương nhu chính nhi vị đáng dã. Sơ cát, nhu đắc trung dã; chung chỉ tắc loạn, kỳ đạo cùng dã.]
      Giải:'Ký tế, hanh, tiểu giả hanh dã', lời nói này nêu rõ: khi việc đã thành, những cái bé nhỏ yếu mềm đều được nhanh thông, nhằm giải nghĩa Tên quẻ và Lời quẻ: Ký tế, hanh tiểu. Vương Bật nói: "Ký tế có nghĩa là tất cả đều hoàn thành như đã qua được sông; ngay đến cái nhỏ bé cũng đều qua được cả, như vậy mới gọi là tất cả đều qua được, đều hoàn thành, chính vì vậy mà lời văn nêu hai chữ 'tiểu giả' (cái nhỏ bé) để thuyết minh ý nghĩa của hai chữ 'Ký tế' (đã qua được sông, đã hoàn thành)". Xét, Lời quẻ nói: "ký tế, hanh tiểu", Thoán truyện lại chỉ nêu ba chữ 'ký tế, hanh' để giải thích, dường như có ý lược bớt chữ 'tiểu'. Vì vậy, mà Khổng Dĩnh Đạt đã nói: "Lời văn đầy đủ, nên có thêm chữ 'tiểu' nữa, nhưng vì nhắc lại lời văn trong chính kinh, nên dù có lược đi vẫn thấy rõ, cho nên cũng theo đó mà lược bớt đi". Nhưng, Quách Kinh trong Chi dịch cử chính lại nói rằng dưới chữ 'hanh' trong Thoán truyện còn sót mất nột chữ 'tiểu'. Còn Chu Hi thì lại cho rằng Lời quẻ và Thoán truyện đều nên ghi là "Ký tế, tiểu hanh", như vậy là 'hanh tiểu' trong lời quẻ nên đánh dấu đảo lại, nên chữ 'hanh' trong Thoán truyện thiếu mất chữ 'tiểu". Hai thuyết đều có thể tham khảo.
      'Lợi trinh, cương nhu chính nhi vị đáng dã', câu nói này đã nêu Tượng của sáu hào trong quẻ cương nhu đều có ngôi vị chính đáng, nói rõ rằng lúc đã qua sông (ký tế), thì lợi ở chỗ thủ chính (giữ gìn ngay chính), nhằm giải thích ý nghĩa của hai chữ 'lợi trinh'.
      'Sơ cát, nhu đắc trung dã; chung chỉ tắc loạn, kỳ đạo cùng dã', câu này nêu Tượng 'nhu trung đắc chính' của hào Lục nhị quẻ Ký tế, nói rõ lúc đó nên dựa vào đức 'nhu thuận trung chính', thận trọng giữ gìn những thành quả đã đạt được, nếu ngừng vun đắp tu dưỡng đức nghiệp, thì con đường Ký tế sẽ bế tắc và cuối cùng sẽ dẫn tới chỗ nguy loạn, nhằm giải thích ý nghĩa của câu 'sơ cát chung loạn' trong Lời quẻ.

      Đại tượng nói: Nước ở trên lửa (nấu chín thức ăn), tượng trưng cho việc đã thành. Người quân tử thấy việc đã thành lại cần phải suy nghĩ tới những tai họa có thể xẩy ra để mà phòng bị trước.
      [Tượng viết: Thủy tại Hỏa thượng, Ký tế; Quân tử dĩ tư hoạn nhi dự phòng chi.]
     Giải:lời văn trước hết nêu rõ tượng 'Khảm trên là nước, Ly dưới là lửa', nước ở trên lửa, đun nấu thức ăn đã chín, tượng trưng cho việc đã thành. Sau đó nêu rõ việc người Quân tử xem xét tượng này, phải biết rằng, việc đã thành nhưng sau đó có khi lại nảy sinh nguy loạn, cho nên cần phải nghĩ đến mối họa tiềm tàng mà đề phòng trước.
      Chu dịch tập giải - Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Tuân Sảng nói: "Sáu hào đã ngay chính, nhưng sẽ lại rối loạn, vì thế người quân tử xem xét tượng này, phải nghĩ đến hoạn nạn mà dự phòng, đang lúc trị vẫn không quên lúc loạn vậy". Vương Bật nói: "Đã qua sông (ký tế) không quên lúc chưa qua sông (vị tế). Khổng Dĩnh Đạt nói: "Nước trên lửa, đó là tượng của việc đun nấu, đồ ăn thức uống nhờ đó mà thành, sinh mệnh nhờ đó mà được duy trì, vì vậy mới nói Thủy tại Hỏa thượng, Ký tế".
      Xét, Đại tượng nói: "tư hoạn dự phòng" (nghĩ đến hoạn nạn mà đề phòng trước), chính là đã phát triển thêm một bước ý nghĩa khuyên răn cảnh giác chứa đựng trong câu "sơ cát chung loạn" của Lời quẻ. Đại dịch tập thuyết - Vương Thân Tử nói: "Lúc việc đã thành, tuy không phải là lúc có hoạn nạn, nhưng hoạn nạn sẽ nảy sinh sau khi việc đã thành. Người quân tử bảo toàn được 'sơ cát' mà không có nỗi lo 'chung loạn' vậy".

      Lời hào Sơ cửu: Kéo bánh xe về phía sau không cho tiến về phía trước, con cáo nhỏ qua sông nhúng ướt đuôi để khỏi bơi nhanh, tất sẽ không có cữu hại.
      [Sơ cửu, Duệ kỳ luân, nhu kỳ vĩ, vô cữu.]
     Giải: lời hào dụ ý nói hào Sơ là dương, ở vào ngôi vị mở đầu của quẻ Ký tế, trên ứng với hào Lục tứ, nhưng không vội cầu ứng, có tượng thận trọng giữ gìn thành quả đạt được, như níu kéo bánh xe không cho bon nhanh, như con cáo ướt đuôi thì không thể bơi nhanh. Công việc mới thành, nếu thận trọng giữ gìn như vậy, thì tất sẽ không có cữu hại, cho nên mới nói là 'vô cữu'.
      Chu Hi nói: "Bánh xe ở dưới, đuôi ở phía sau, đó là tượng của sự sơ khởi. Níu kéo bánh xe thì xe không bon nhanh về phía trước, đuôi ướt thì con cáo lội sông không thể nhanh. Lúc mới đầu lội sông mà thận trọng giữ gìn như vậy, thì đó chính là đạo lý 'vô cữu' vậy". Xét, hào Sơ cửu quẻ Ký tế ở ngôi vị mở đầu của 'việc đã thành', dương cương ở dưới, khiêm nhường thận trọng gìn giữ vững vàng, vì vậy mà có thể 'giữ được những thành quả đã đạt được'. Chu dịch tập chú - Lai Tri Đức nói: "Cương có được vị thế chính, không khinh xuất khi hành động, vì thế mà có tương 'níu kéo bánh xe', 'nhúng ướt đuôi', dựa vào đó để giữ gìn những thành quả đã đạt được, đó là đạo lý 'vô cữu' vậy".
      Hào Sơ và hào Thượng 'nhúng ướt đuôi', đều chỉ cáo nhỏ qua sông, đều khớp hợp với tượng 'cáo nhỏ qua sông thì nhúng ướt đuôi' trong Lời quẻ của quẻ Vị tế. Cáo qua sông tất dương đuôi cao quá mặt nước thì mới có thể nhanh được, vì vậy trong Chu dịch thiển thuật - Trần Mộng Lôi đã kế thừa thuyết 'loài vật lội nước tất dương cao đuôi'. Trình Di còn chỉ ra rằng: "Cáo tất dương cao đuôi, rồi sau mới qua sông, nhúng ướt đuôi thì không ve vẩy được, do đó không qua nhanh được".
      Tiểu tượng nói: "Níu kéo bánh xe về phía sau, không cho xe bon nhanh về phía trước", nêu rõ ý nghĩa của hào Sơ cửu hành động trung chính thích hợp, thận trọng giữ gìn thành quả đã đạt được, như vậy sẽ không mắc phải tai họa.
      [Tượng viết: "Duệ kỳ luân", nghĩa vô cữu dã.]
     Giải: Trình Di nói: "Lúc bắt đầu của Ký tế, nếu biết ngăn sự tiến lại, thì sẽ không tới chỗ cùng cực, như vậy tự nhiên sẽ được vô cữu"

      Lời hào Lục nhị: Người phụ nữ đánh mất chiếc rèm che xe (nên khó đi xa được), nhưng không cần phải tìm, không quá 7 ngày sẽ lấy lại được.
      [Lục nhị, phụ táng kỳ phất, vật trục, thất nhật đắc.]
      Giải: 'phụ' chỉ hào Lục nhị, 'phất' là tấm rèm che xe, chỉ đồ trang sức của phụ nữ thời cổ, Khổng Dĩnh Đạt sớ "Phất là tấm rèm che xe, phụ nữ khi ngồi xe không muốn để người khác nhìn thấy mình, do vậy trước sau xe đều có rèm che kín, gọi là phất". 'Thất nhật' chỉ thời gian ngắn, giống hào Nhị quẻ Chấn.
      Lời hào nói về hào Nhị đang ở thời Ký tế, trên ứng với hào Cửu ngũ, như người vợ của hào Cửu ngũ, nhu thuận trung chính, tuy có 'mất tấm rèm che xe', nhưng cuối cùng vẫn đi được, không phải vội đi tìm mà chỉ cần yên tâm ở một chỗ chờ đợi tự nó sẽ quay trở lại. Lấy đó để xử vào thời Ký tế thì giữ được thành quả, chỉ trong 7 ngày sẽ lấy lại được rèm. Chu dịch học thuyết - Mã Trấn Bưu dẫn lời Lưu Nguyên nói: "Hào Lục nhị đức nhu trung đắc vị, trên ứng với hào Cửu ngũ trung chính là chủ, quang minh trung chính, không lo việc mất rèm, mà yên tâm chờ đợi. Đó là điểm rất tốt của hào nhu trung này". Thoán truyện quẻ Ký tế nói: "Sơ cát, nhu đắc trung dã", chính là nói ý nghĩa tốt đẹp của hào Lục nhị vậy.
      Ngũ ở ngôi tôn thời Ký tế không muốn tiến nữa. Sự lý khi ở cảnh vô sự mà thấy cần người, hay biết dụng người thì thật hãn hữu, trong hoàn cảnh này, thì cương trung ngôi tôn thường dẫn tới trung mãn (cương trung nghịch lại trở thành trung mãn), do vậy mà Khảm Ly hóa nghịch nhau. Đây là cái lẽ biết thời, biết biến khi phản ứng thích nghi về thời của Dịch. Mất cái màn che thì chẳng đi được, Nhị chẳng được Ngũ cầu dụng thì cũng chẳng đi được, nhưng Nhị có đạo trung chính đâu có dễ bỏ, lại thêm mất cái mình đã giữ, dẫu chẳng được trên dùng thì cũng không có lý bị bỏ rơi, cho nên quẻ có 6 hào mà nói 7 là nói biến vậy.
      Tiểu tượng nói: "Không quá bảy ngày mất rồi lại được", chứng tỏ hào Lục nhị trung chính không thiên lệch.
      [Tượng viết: "Thất nhật đắc, dĩ trung đạo dã.]
     Giải: Trình Di nói: "Đạo trung chính, tuy có lúc không vận dụng được đúng thời, nhưng không bao giờ lại có cái lý 'cuối cùng không được thi hành', vì thế mà 'mất sau 7 ngày lại thấy', ý muốn nói tự mình giữ vững đạo trung chính, thời tất có lúc sẽ được đem ra thi hành. Không làm mất trung đạo, đó là chính vậy". Xét, Trình Di nói 'táng phất' là chỉ hào Lục nhị không dùng đúng thời. Về nghĩa cũng thông.

    Lời hào Cửu tam: Vua Cao Tông nhà Ân đánh nước Quỷ  Phương, liên tục 3 năm mới thắng; kẻ tiểu nhân không thể coi thường tùy tiện sử dụng.
      [Cửu tam, Cao Tông phạt Quỷ Phương, tam niên khắc chi; Tiểu nhân vật dụng.]
     Giải: Khổng Dĩnh Đạt giảng: "Cao Tông là hiệu của vua Vũ Đinh nhà Ân", 'quỷ phương' là tên nước, là một trong các bộ lạc Hiểm Doãn ở vùng Tây Bắc TQ cổ đại. Đặng Cầu Bá cho biết thêm là Quỷ Phương là tên một bộ tộc thời cổ (cổ tộc danh), vào thời Ân Chu sinh hoạt ở khu vực tây bắc Thiểm Tây ngày nay, là cường địch của cả Ân lẫn Chu.
     Lời hào nói về hào Cửu tam dương cương, ở ngôi vị trên cùng của hạ quái quẻ Ký tế, có tượng sau khi 'việc đã thành' (sự thành), còn muốn trừ nốt các mối lo còn lại, ví như vua Cao Tông nhà Ân đang ở thời trị nước yên ổn, nhưng lại cất binh thảo phạt nước nhỏ Quỷ Phương. Gặp thời đó, tuy cần trừ khử các mối lo còn lại, nhưng phải lấy tinh thần 'tam niên khác chi' để bền bỉ nỗ lực, mới có thể bảo tồn được sự nghiệp. Nếu dùng bọn tiểu nhân nóng nảy vội vàng, tất sẽ dẫn tới nguy loạn, cho nên lời hào mới răn là 'tiểu nhân vật dụng'. Hoài nam cửu sư đạo huấn nói: "Quỷ Phương, là nước nhỏ Man di, Cao Tông là vị vua sáng nhà Ân, Lấy thế mạnh thiên tử đánh một nước nhỏ Man di mà 3 năm mới thắng được, ý nói phải dè chừng không thể không thận trọng" (Mã Quốc Hàn - Ngọc hàm sơn phòng tập dật thư). Mã Kỳ Sưởng - Trùng dịch Chu dịch Phí thị học dẫn lời Phan Sỹ Tảo nói: "Có lẽ muốn nói tới cái khó của thời thịnh mà làm khó nhọc dân. Kẻ tiểu nhân ở vào thời thịnh không nghĩ đến lúc suy, lúc thành không biết lo khi khó, cho nên cảnh giác là 'không nên dùng". 
     Hào Cửu tam quẻ Ký tế là hào dương ở vị dương, bẩm tính cương cường, do vậy lời hào xét từ hai mặt phản diện và chính diện để phân tích, đưa ra lời cảnh giới. Sở dĩ nói ' kẻ tiểu nhân không nên dùng, là vì sợ nó không có khả năng giữ được (thành quả) ban đầu sẽ dẫn đến 'cuối cùng nguy loạn'.
      Tiểu tượng nói: "Kéo dài tới 3 năm, cuối cùng đạt được thắng lợi", chứng tỏ hào Cửu tam muốn giữ vững thành quả cần phải nỗ lực kiên trì, cho tới mức độ mệt mỏi, cùng kiệt.
      [Tượng viết: "Tam niên khắc chi", bị dã.]
     Giải: Chu dịch tập giải - Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Hầu Quả nói: "Triển khai công việc, huy động sức dân, đến thánh nhân còn mệt mỏi, thì đó chẳng phải là việc bọn tiểu nhân có thể làm được". Nói là mệt mỏi để thấy rõ việc khó nhọc.

      Lời hào Lục tứ: Áo đẹp váy hoa sắp biến thành rách rưới. Hãy nên suốt ngày răn giới, đề phòng tai họa.
      [Lục tứ, Nhu hữu y như, chung nhật giới.]
      Giải:Thuyết văn giải tự - Hứa Thận giải thích: "Nhu, là tơ lụa mầu"; Kinh truyện thích từ - Vương Dẫn Chi giải thích: "Hữu, là như chữ hoặc, trong câu này có nghĩa là sắp"; 'như' là 'bại như', chỉ quần áo rách rưới.
      Lời hào chỉ về hào Lục tứ ở vào thời Ký tế sắp chuyển hóa, như bộ quần áo đẹp đến lúc sắp rách (lập Tượng dĩ suy Giáp), nên nhấn mạnh điều quan trọng là suốt ngày phải răn giới đề phòng, giữ chính phòng nguy, thì mới tránh được tai họa. Nên nói 'nhu hữu y như, chung nhật giới'. Chu dịch hải toát tiết yếu - dẫn lời Khâu Hy Thanh nói: "Nhu bộ Mịch, còn viết là Nhu có bộ Y, chỉ sự trang sức rất đẹp. Như là rách. Lại dẫn lời Thạch giới: Quần áo đẹp rồi có lúc sẽ rách, như việc đang thời Ký tế, cũng sẽ tới lúc Vị tế. Vì vậy phải cả ngày đề phòng răn giới vì ngại đến lúc nó sẽ rách".
      Hào Lục tứ quẻ Ký tế ở vào ngôi vị "đa cụ" (nhiều lo sợ), quẻ Trên là Khảm hiểm, quá trung sẽ sinh biến, 'ký tế' sắp chuyển hóa thành 'vị tế', nên lời hào răn giới thật sâu rộng. Lại xét, Vương Bật cho rằng 'nhu' nên viết là Nhu có bộ chấm thủy, 'y như' là rẻ dùng để bịt thuyền thủng. Nghĩa là hào chỉ thuyền thủng nước rò vào, nên phải chuẩn bị 'y như' (rẻ rách) để bịt thuyền phòng ngừa. Về nghĩa cũng thông.
      Thời hào Tứ quẻ Ký tế lấy việc phòng nạn lo biến đặt lên hàng đầu, cũng chẳng nói là 'cát' vì ở thời Ký tế khỏi được hoạn nạn là đủ vậy. Tam lấy dương ở ngôi cương, dễ mất vì táo bạo, nên lấy tượng vua Cao Tông đánh Quỷ Phương làm răn. Tứ lấy ngu ở ngôi nhu, tự biết dự phòng mà lấy răn sợ làm tượng, sợ mà biết phòng bị hoạn nạn thì chẳng mất ở những lúc tầm thường, lúc nào cũng lo thì chẳng quên hoạn nạn phút chốc đến không ngờ tới. Đó là đạo sử thời Ký tế vậy.
     Tiểu tượng nói: "Nên suốt ngày cảnh giác đề phòng tai họa", chứng tỏ Lục tứ, lúc này cần phải lo toan đề phòng, thận trọng hành động, có sự nghi sợ.
      [Tượng viết: "Chung nhật giới", hữu sở nghi dã.]
      Giải: hào Tứ ở nơi 'sợ nhiều', ở thể trên quẻ Khảm hiểm, quá giữa sẽ sinh biến. Người ta ở vào lúc có việc, duy có chỗ ngờ ở trong lòng, thì sau mới nghĩ mà xử trí, đó là cách thức vậy.

      Lời hào Cửu ngũ: Hàng xóm bên đông giết trâu cử hành tế lễ quan trọng, không bằng hàng xóm bên tây làm lễ Dược giản dị đạm bạc. Họ thực nhận được sự giáng phúc ban ơn trạch của thần linh.
      [Cửu ngũ, Đông lân sát ngưu, bất như Tây lân chi dược tế, thực thụ kỳ phúc.]
      Giải: 'đông lân', 'tây lân' là từ giả thiết, cũng như chỉ 'nọ kia', đặt ra để răn giới hào Cửu ngũ. 'Sát ngưu' chỉ việc cử hành tế lễ to lớn long trọng. 'Dược tế' chỉ tế lễ đạm bạc.
      Lời hào chỉ rõ hào Cửu ngũ ở vào thời Ký tế, tôn cư quân vị, dương cương trung chính, sự việc đã thành, sản phẩm phong phú, thì càng nên thận trong tu đức, giữ gìn thành quả, không thể kiêu ngạo phóng dật xa xỉ. Chỉ cần đức tốt thuần hậu đốc thực, thuận lợi hành động, thì tuy chỉ như 'hàng xóm bên Tây' cử hành tế lễ đạm bạc cũng có thể dâng hiến thần linh, mà được hưởng phúc. Nếu không chịu tu đúc, khác nào 'hàng xóm bên Đông' tổ chức tế lớn linh đình, chẳng qua chỉ là sự khinh mạn vụ lợi đối với thần linh, chỉ có hại mà chẳng được ích gì. Cho nên nói 'Đông lân sát ngưu, bất như Tây lân chi dược tế, thực thụ kỳ phúc'.
      Chu dịch chiết trung - dẫn lời Phan Sĩ Tảo nói: "Hào Ngũ dương cương trung chính, ở vào thời của cải dồi dào thịnh vượng, cho nên lời hào mượn hình tượng 'hàng xóm bên đông' tế lễ để răn giới phải đề phòng lo sợ. Phàm việc tế lễ, chữ 'thời' là trọng. Nếu được thời thì đức sáng lòng thơm xôi nếp dâng tiến, cũng có thể thấu tới thần linh. Do vậy, 'đông lân sát ngưu, bất như tây lân chi Dược tế', tức là vấn đề ở chỗ hợp thời, chứ không phải là lễ vật nhiều, đông tây cũng như nói nọ kia vậy". Xét, hào Ngũ ở vào thời thịnh của Ký tế, điều tối kỵ là kiêu ngạo xa xỉ, vì thế hào này lấy tượng 'đông lân tây lân' để răn giới, lại lấy dụ tượng 'tế Dược' cốt có đức sáng để khuyên nhủ. Chu Hi nói: "Đông là tượng của dương, Tây là tượng của âm, ý nói hào cửu ngũ tuy ở ngôi vị tôn quý, nhưng thời đã qua, không bằng hào Nhị tuy ở dưới, nhưng lại bắt đầu được thời", nghĩa này cũng thông.
      Ngũ thì trong thực là tin, Nhị thì trong hư là thành thực, cho nên lấy việc tế lễ làm nghĩa. Nhị ở dưới còn có thể tiến thì được phúc, Ngũ ở ngôi tôn là thời đã quá, ở nơi không chỗ tiến, vì tiến thì xuất mất ngôi, cho nên lấy chí thành trung chính mà giữ lấy. Lẽ tự nhiên không cực nào đến trót mà chẳng phản, cho nên Hào và Tượng nói là 'thời' vậy. Thời đã quá như Trăng đã quá Rằm là thời sắp tối, thời mới đến như Trăng mới mọc là thời sắp đến Rằm.
      Tiểu tượng viết: "Nước láng giềng phía đông giết trâu tổ chức tế lễ linh đình, chẳng bằng tế Dược của nước láng giềng phía Tấy", ý nói nước láng giềng phía tây tế lễ hợp thời, tế Dược đơn xơ vào mùa Hạ đúng lúc và chăm lo làm sáng đức tốt; "nước láng giềng phía tây sẽ thực sự được thần linh ban phúc", dụ chỉ sự tốt lành nối tiếp nhau không dứt.
      [Tượng viết: "Đông lân sát ngưu", bất như tây lân chi thời Dược tế dã; "thực thụ kỳ phúc", cát đại lai dã.
     Giải: 'thời' có nghĩa là hợp thời, đúng lúc. Vương Bật nói: "Tế lễ cốt đúng lúc hợp thời chứ không cốt ở nhiều lễ vật". Khổng dĩnh Đạt nói: "Lời tượng nói 'bất như tây lân chi thời' có nghĩa là: thần minh chỉ thụ hưởng đức, nếu biết tu đức kính cẩn, tế lễ đúng thời, thì lễ vật tuy đơn sơ nhưng thần linh vẫn ban phước cho. Không chỉ bản thân mình được hưởng phúc, mà phúc còn lưu truyền đến đời sau nữa".

      Lời hào Thượng lục: Con cáo con lội qua sông, ướt đầu, có nguy hiểm.
      [Thượng lục, Nhu kỳ thủ, lệ.]
      Giải: 'ướt đầu' và 'ướt đuôi' của lời hào quẻ Ký tế đều lấy tượng cáo con lội sông. Đây nói về hào Thương lục là hào âm, ở ngôi cuối cùng quẻ Ký tế, không cố gắng tu đức mà thời thịnh thì đã qua, 'tế' ở nơi cực điểm thì sẽ loạn, chuyển thành Vị tế, cũng như cáo con lội sông, nước ướt hết đầu, sắp ngập đến đỉnh đầu, tình thế rất nguy hiểm, cho nên nói 'nhu kỳ thủ, lệ'. Vương Bật nói: "Ở vào ngôi cực điểm của Ký tế, đạo Ký tế đã cùng, tất tới Vị tế". Chu Hi nói: "Cực điểm của Ký tế, sự nguy hiểm đang ở trên, lại lấy đức âm nhu xử sự, ví như tượng cáo con lội sông để ướt hết đầu".
      Đại dịch tập thuyết - Vương Thân Tử nói: "Không nói 'hung' mà nói 'lệ', ý muốn người ta phải biết trước sự nguy hiểm đáng sợ, mà mau mau sửa đổi, thì mới có thể giữ vững được tế".
     Tiểu tượng nói:"Con cáo nhỏ qua sông bị ướt đầu", gặp nguy hiểm, nghĩa là sự việc đã thành, không dốc lòng tu đức, thì sao có thể giữ vững thành quả lâu dài được !
      [Tượng viết: "Nhu kỳ thủ, lệ", hà khả cửu dã.]
      Giải: Khổng Dĩnh Đạt nói: "Đầu bị nhúng ướt, thân tất chìm, sao có thể lâu dài được". Sơ thì nói 'ướt đuôi' không lỗi, là vì ở thời khởi đầu của 'tế', Thượng thì nói 'ướt đầu' mà nguy, là vì đã đến trót của 'tế'. Lời nói không lâu dài được thì phải ngừng, đó là ngừng thì dẫn tới loạn vậy. Đầu ở trước, đuôi ở sau, đây là tượng 6 hào điên đảo của "Ký - Vị", đều có Khảm cho nên đầu đuôi đều ướt, Thân ở trong muốn cứu 'tế' thì phải biết rằng hiểm đang ở phía trước, đó là Ký tế vậy, điên đảo thì ra khỏi hiểm đó là Vị tế vậy. 
      Thủy dữ Hỏa hay Hỏa dữ Thủy, đều lấy tương 'tế' hay bất tương 'tê' làm tượng, nhưng hiểm đến trót ở trước là Ký tế, thì sau trót nguy, còn đến trót ra khỏi hiểm là Vị tế, đó là đến trót có tín, là nghĩa cùng tắc biến vậy.

      LỜI BÀN
      Tôn chỉ chung của toàn quẻ Ký tế nêu lên đạo lý: "Giữ gìn thành quả là khó khăn vất vả" (thủ thành gian nan). Vua Đường Thái Tôn thường hỏi các cận thận rằng: "Về sự nghiệp của đế vương, việc sáng lập và giữ gìn thành quả, cái nào khó hơn ? Ngụy Trưng đáp: đế vương dấy nghiệp, tất thừa cơ lúc thời suy loạn, lật đổ bọn tàn ác hôn ám, trăm họ đều đồng lòng ủng hộ, bốn biển đều theo về, đó là lúc trời trao cho mệnh, do vậy việc đó không phải là khó. Nhưng sau khi đã được thiên hạ, chí thường kiêu ngạo phóng dật, trăm họ muốn được yên vui nhưng sưu thuế nạng nề, muôn dân khổ sở điêu tàn, mà phải phục dịch cho việc ăn chơi xa xỉ không ngớt. Đất nước suy vong đều từ đó mà ra. Cho nên nói, giữ vững thành quả là khó hơn nhiều" (Trinh quân chính yếu - Luận quân đạo). Đoạn văn này, tuy bàn về sự nghiệp đế vương, nhưng ý nghĩa rất hợp với quẻ Ký tế.
      Lời quẻ có lời văn tuy nói về thời của 'việc đã thành', bất kể là việc lớn hay việc nhỏ đều được hanh thông, nhưng vẫn nhấn mạnh ở hai chữ 'lợi trinh', không được coi nhẹ việc 'thủ chính' (giữ gìn đạo chính). Hơn nữa, câu 'sơ cát chung loạn' lại càng nhấn mạnh khuyên răn về việc ở vào thời Ký tế, chỉ hơi sơ xảy không thận trọng, tất sẽ trở lại loạn ngay.
      Trong 6 hào của quẻ, không có hào nào là không có hàm ý "đề phòng cảnh giới": hào Sơ răn giới 'kéo ngược bánh xe' không thể tiến tới; hào Nhị răn giới 'mất khăn chớ tìm', hào Tam răn giới 'kẻ tiểu nhân chớ dùng'; hào Tứ 'cả ngày răn giới'; hào Ngũ răn giới 'hàng xóm bên Đông giết trâu'; hào Thượng răn giới 'ướt đầu nguy'. Qua đó có thể thấy, ở vào thời Ký tế, tuy mọi việc đều đã thành tựu, nhưng phải biết bảo vệ cục diện 'đã thành', đó không phải là việc dễ. Đại tượng nói: "Bậc quân tử lấy việc lo toan hoạn nạn mà đề phòng", ý đó thực sâu sắc.
      Dịch đồng tử vấn - Âu Dương Tu nói: "Thói thường người ta khi gặp nguy thì nghĩ sâu, lúc an ổn thường nghĩ cạn, mà hoạn nạn thường sinh ra từ sự giải đãi, khinh suất. Do vậy, người quân tử ở vào thời Ký tế phải biết lo toan đề phòng hoạn nạn". Câu nói này đã khái quát được ý nghĩa sâu xa của quẻ Ký tế vậy.